Đến Đà Nẵng, ghé thăm quán cà-phê Cổ Lũy trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hải Châu), chúng ta sẽ bắt gặp một ông chủ quán rất đặc biệt. Sự đặc biệt không chỉ ông là nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai - Sơn Mỹ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ngày 16-3-1968, mà ông còn là hậu duệ của cai đội Võ Văn Khiết - vị cai đội được triều đình cắt cử đi trấn giữ quần đảo Hoàng Sa ở nửa cuối thế kỷ XVII và ông rất mê nói chuyện Hoàng Sa. Người chủ quán lắm cơ duyên với du khách thập phương đó là Đại tá Võ Cao Lợi, nguyên cán bộ Phòng Khoa học Quân sự Quân khu 5. Đến với ông, người ta sẽ biết nhiều thứ về Hoàng Sa, nhất là được ông cắt nghĩa về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Đại tá Võ Cao Lợi kể rằng nhiều người con tộc Võ quê hương Tịnh Khê (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) từng được chiêu mộ vào đội hùng binh. |
Trong những ngày Biển Đông “dậy sóng”, tôi đến thăm Đại tá Võ Cao Lợi với mong muốn được ông cung cấp cho bạn đọc thêm một số thông tin về đội hùng binh Hoàng Sa. Khác với hình dung của tôi, vị đại tá nhanh chóng xua đi khoảng cách giữa hai thế hệ để say sưa nói về đảo Lý Sơn, ý nghĩa của lễ khao lề thế lính, về hoạt động của cha ông ta ngày đó trên quần đảo Hoàng Sa… Đại tá Võ Cao Lợi bắt đầu câu chuyện: “Trong suốt quá trình lịch sử xây dựng và phát triển của mình, đảo Lý Sơn luôn gắn liền với công cuộc quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bởi đây là nơi cung cấp “nhân tài, vật lực” cho đội Hoàng Sa - Bắc Hải ngay từ buổi đầu thành lập vào khoảng thế kỷ XVII cho đến khi kết thúc vai trò lịch sử vào cuối thế kỷ XIX”. Lý giải về sự ra đời của đội hùng binh Hoàng Sa, ông Lợi phân tích: Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, mở mang bờ cõi về phương Nam, các chúa Nguyễn và triều Nguyễn đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của vùng biển đảo rộng lớn thuộc chủ quyền của đất nước nên đã chủ động đưa dân ra chiếm cứ các đảo ven bờ, khai khẩn đất đai, xây làng lập ấp như trong đất liền.
Đối với các đảo, quần đảo ở ngoài khơi xa như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, chưa đưa được dân đến ở thì hằng năm các chúa Nguyễn chọn thời điểm gió mùa thuận lợi, trời yên biển lặng, tổ chức các đội dân binh dùng thuyền câu đến các đảo, quần đảo làm nhiệm vụ canh giữ, quản lý và khai thác sản vật, thu lượm hải vật của các tàu thuyền bị đắm… sau khoảng 6 tháng thì về đem nộp cho triều đình. Cứ như vậy, suốt hàng trăm năm, cha ông ta đã hoạt động liên tục bảo vệ chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa dưới những tên gọi: Đội “hùng binh” Hoàng Sa, Bắc Hải, Quế Hương… Trong đó, đội Hoàng Sa do chúa Nguyễn thành lập vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Những dân binh đầu tiên của đội hùng binh này được tuyển từ các làng An Vĩnh, An Kỳ, An Hải, Ba Làng An (thuộc các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Về sau, khoảng đầu triều vua Gia Long, việc chọn lính Hoàng Sa được giao hoàn toàn cho các phường An Vĩnh, An Hải ở đảo Lý Sơn đảm nhiệm. “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua nên phải quyết lòng ra đi”. Vì vậy, 70 suất lính Hoàng Sa được phân bổ đều cho các dòng họ. Người đứng đầu đội hùng binh gọi là cai đội, do triều đình bổ nhiệm.
"Trong suốt quá trình lịch sử xây dựng và phát triển của mình, đảo Lý Sơn luôn gắn liền với công cuộc quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Bởi đây là nơi cung cấp “nhân tài, vật lực” cho đội Hoàng Sa - Bắc Hải ngay từ buổi đầu thành lập vào khoảng thế kỷ XVII cho đến khi kết thúc vai trò lịch sử vào cuối thế kỷ XIX." Đại tá Võ Cao Lợi |
Trong mạch chuyện của mình, Đại tá Võ Cao Lợi không quên nhắc đến vị cai đội của Đội hùng binh Hoàng Sa thuộc dòng họ Võ được triều đình bổ nhiệm năm 1786 là cụ Võ Văn Khiết. Cùng với cụ Võ Văn Khiết, các cai đội của Đội hùng binh Hoàng Sa còn có cụ Võ Văn Phú, Phạm Quang Ảnh, Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, v.v… đã được sử sách lưu danh, được nhân dân lập đền thờ. “Trong đó, hai người có công lao, đóng góp đặc biệt cho đội Hoàng Sa là cai đội Võ Văn Khiết và cai đội Phạm Quang Ảnh. Các ông đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, thây vùi dưới biển khơi, được vua ban sắc phong Thượng đẳng thần. Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có miếu ông Thắm là nơi thờ tự cai đội Võ Văn Khiết”, ông Lợi nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của tôi về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Đại tá Võ Cao Lợi rành rẽ phân tích: Đây là lễ hội mang đặc trưng rất riêng, là di sản phi vật thể in đậm dấu ấn của đội Hoàng Sa, trong đó hàm chứa ý nghĩa tâm linh, lịch sử, chủ quyền biển đảo, lòng yêu nước… và phong tục tập quán của nhân dân đảo Lý Sơn. Trước khi đi sâu làm rõ lễ hội đặc biệt này, vị đại tá già đọc cho tôi nghe 4 câu thơ như gián tiếp khẳng định ý nghĩa của việc “khao lề thế lính”: “Hoàng Sa trời bể mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Ở Lý Sơn, hằng năm cứ vào độ tháng hai âm lịch, các dòng họ lại tổ chức “cúng việc lề”, giống như chạp mả, giỗ tổ của các dòng họ trong đất liền, để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, dịp để con cháu nhận họ hàng, v.v...
Tuy nhiên, từ khi có đội Hoàng Sa và có lính hy sinh thì ngoài những nội dung trên, trong phần lễ còn có thêm mục “Tế lính Hoàng Sa” với tâm nguyện cầu cho vong linh những người lính Hoàng Sa sớm siêu thoát. Song, người lính Hoàng Sa không phải đi lính cho dòng họ mà đi lính theo lệnh vua, đi làm việc nước, do đó việc “cúng lề” phải do nhà nước (đại diện là chính quyền làng xã) đứng ra tổ chức tại đình làng. Như vậy, ngoài các dòng họ tổ chức “cúng lề” mang tính riêng biệt, người lính Hoàng Sa còn được chính quyền tổ chức nghi lễ với tên gọi “Khao lề thế lính Hoàng Sa”. Thực chất, đây là lễ hội tiễn đưa, lễ xuất binh, cũng là lễ cầu an cho những người lính Hoàng Sa trước khi lên thuyền ra biển đi làm nhiệm vụ.
Khi tôi đề nghị làm rõ thêm về sự khác nhau giữa hai nghi thức tâm linh này là như thế nào, Đại tá Võ Cao Lợi ôn tồn lý giải: Sự khác nhau về ý nghĩa lễ “tế lính Hoàng Sa” ở nhà thờ tộc với lễ “tế lính Hoàng Sa” ở đình làng là: vật phẩm cúng lễ trong nhà thờ tộc là nhằm “hiến tế” cho thần linh và cầu mong cho linh hồn những người lính Hoàng Sa trong dòng họ mau siêu thoát. Còn vật phẩm trong lễ cúng ở đình làng là nhằm “hiến tế” cho thần linh để thế mạng sống cho người lính Hoàng Sa sắp đi làm nhiệm vụ. Vật phẩm quan trọng nhất không thể thiếu trong lễ cúng là các hình nhân thế mạng, mỗi hình nhân thế mạng được ghi tên, tuổi một người lính Hoàng Sa đang trực tiếp đứng hầu trong suốt buổi lễ. Qua những lời khấn cầu, gọi là thần chú, của thầy cúng, gửi tới bà Thủy Long Vương và các vị thủy thần, làm cho người lính Hoàng Sa tin rằng “sinh mạng của mình đã được hiến tế cho thần linh, coi như đã có người chết thay cho mình rồi” (chính là các hình nhân thay thế). Từ đó, người lính yên tâm lên đường ra biển.
Dẫu mạch chuyện của vị đại tá già còn dang dở, nhưng với dung lượng một bài báo không cho phép tôi chuyển tải được hết những điều ông muốn nói. Với những gì ông cung cấp, tôi hiểu rằng ông “rất say” Trường Sa, Hoàng Sa. Hy vọng có một ngày câu chuyện của Đại tá Võ Cao Lợi được truyền lửa cho thế hệ trẻ để góp phần làm rõ thêm về biển đảo quê hương.
NGUYỄN SỸ LONG