Tôi từng dự hai trại viết do Quân khu 5 tổ chức: Lần thứ nhất, vào cuối năm 1974, tại căn cứ Trà My, bên bờ con sông Tranh- thượng nguồn sông Thu Bồn. Người trực tiếp chỉ đạo trại viết là nhà văn Nguyễn Chí Trung. Lần thứ hai, vào mùa hè năm 2003, tại nhà khách của Quân khu 5 - vùng bờ biển Mỹ Khê- Đà Nẵng. Lần sau này là sự phối hợp giữa Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Cũng do nhà văn Nguyễn Chí Trung trực tiếp chỉ đạo.
Lần thứ nhất, tôi mang ruột nghé gạo rời hang đá cơ quan báo Giải phóng Quảng Đà trong núi Hòn Tàu - vùng núi Duy Xuyên, sau bốn ngày băng rừng lội suối, lội sông thì đến trại viết. Bấy giờ tôi là một phóng viên tham gia trại trong thời gian một tháng. Tôi viết được truyện ngắn “Hai phía cửa sắt”. Viết từ tư liệu đã có trong đầu. Viết, sau khi có gợi ý “Viết những gì mà bạn thấy sâu sắc nhất”. Sau tổng kết trại, liên hoan chia tay, về đến cơ quan một thời gian thì thấy tác phẩm được in trong “Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ”.
Lần thứ hai, trại kéo dài trong 2 tháng, tiêu chuẩn trại cho mỗi trại viên ngày 150 ngàn đồng, ăn ở tại khách sạn bên bờ biển Mỹ Khê, có tổ chức ô-tô đi thực tế, tham quan. Tôi chỉ dự khai mạc và bế mạc. Vì, hai lẽ: Nhà cách trại hơn một cây số, đi xe máy mất mười phút. Ở nhà có bàn và vi tính để viết. Ở nhà có điều kiện tranh thủ giúp việc nhà. Ăn uống thì không phải lo. Tư liệu là những bản thảo chưa thật hoàn chỉnh. Sau hai tháng có tổng kết, liên hoan có đặc sản biển và nhiều bia. Sau một thời gian ngắn, năm 2004, Nhà Xuất bản Quân đội xuất bản quyển sách cho tôi: Chuyện kể ngày nào.
Tôi nêu hai lần được dự trại viết do Quân khu 5 tổ chức, có thể nói là đạt kết quả. So ra, lần thứ nhất, dù chỉ là một truyện ngắn, song, theo tôi thì có kết quả hơn. Vì, lần đầu viết truyện ngắn và được xuất bản. Qua gợi ý và góp ý, cho tôi hiểu một cách khái quát khi bắt tay viết một truyện ngắn. Từ hai lần dự trại viết, và thực tế nhiều năm tham gia sáng tác, nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, tôi có vài ghi nhận sau đây:
Phải có vốn sống. Muốn vậy, phải lao vào, thâm nhập vào cuộc sống. Biết trân trọng và yêu cuộc sống thì cuộc sống cho ta rất nhiều và cũng dạy ta rất nhiều.
Có hai cuộc sống mà người viết có thể thâm nhập là cuộc sống hiện tại và cuộc sống thời quá khứ. Cuộc sống hiện tại tưởng dễ thâm nhập, thật ra không dễ, và cũng thật khó nắm bắt. Vì nó mới quá, cái mới diễn ra từng ngày, vô cùng phong phú, vô cùng hấp dẫn và cũng vô cùng phức tạp.
Và cuộc sống của quá khứ, là những tư liệu, tài liệu, và cả những tư liệu sống còn đọng lại trong trí nhớ của những con người còn lại từ quá khứ. Không kịp khai thác thì tư liệu sống quý giá này sẽ không còn cách nào khai thác được nữa!
Tôi đang theo mảng đề tài từ cuộc sống của quá khứ. Bởi hai lẽ: Là người có chút ít “trong cuộc”. Là một cuộc sống và chiến đấu vô cùng khốc liệt, cũng không ít hấp dẫn, chưa được khai thác tốt, dễ bị lãng quên. Tất nhiên, cũng chưa có những tác phẩm hay, xứng tầm với một thời của quá khứ hào hùng, khốc liệt, đầy vinh quang và không ít đắng cay... Đó chính là truyền thống yêu nước, yêu con người mà người đời sau cần phải biết để không quên ơn, để biết ơn và để suy nghĩ, chiêm nghiệm.
Trong cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã đề ra phương châm “hai chân ba mũi giáp công”. Hai chân là chính trị và quân sự. Ba mũi là mũi quân sự, mũi chính trị và mũi binh địch vận. Ta gọi đó là một cuộc “chiến tranh nhân dân”. Từ cuộc “chiến tranh nhân dân” nên những ai tham gia cuộc chiến chống Mỹ, xứng đáng được phong anh hùng thì đều gọi là “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Chu Cẩm Phong là nhà báo rồi trở thành nhà văn, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Kết thúc cuộc chiến vĩ đại và anh hùng, Đảng ta, mà cụ thể là quân đội, đã có đánh giá, tổng kết và rút ra bài học về chân quân sự, với mũi quân sự, trong đó có một phần nhắc đến mũi Binh địch vận. Bài học từ ông cha đó, Đảng ta đã không ngừng củng cố và tăng cường tiềm lực Quốc phòng nhằm bảo vệ Tổ quốc và sẵn sàng đánh trả bất cứ thế lực thù địch nào đụng đến ta. Trong khi đó, ngay sau ngày hòa bình năm 1975, thống nhất đất nước, thì giải tán hai tổ chức đã hình thành nên cái “chân chính trị” với hai mũi tiến công là đấu tranh chính trị và binh địch vận. Rất lạ, tuyệt nhiên không có đánh giá, tổng kết, rút ra bài học từ chân đấu tranh chính trị, với hai mũi chiến đấu góp phần vô cùng quan trọng làm nên “chiến tranh nhân dân”, với chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975.
Phải không, từ sự không đánh giá, không tổng kết này mà các nhà viết sử, các nhà văn rất ít, nếu không nói là không viết về “đấu tranh chính trị”, về “chiến tranh nhân dân”? Từ đó, trong xây dựng hòa bình, có hiện tượng đánh giá thấp vai trò của nhân dân. Có hiện tượng đối xử không công bằng với nhân dân. Và, nguy hiểm hơn là làm “suy giảm”, tiến đến làm “mất lòng tin của nhân dân”. Trong khi, đâu có hòa bình vĩnh viễn sau năm 1975, mà mầm mống chiến tranh từ nhiều thế lực luôn hăm he đe dọa đối với Việt Nam. Hiện tại Trung Quốc đang muốn chiếm toàn bộ Biển Đông, đang đưa tàu chiến áp sát vào thềm lục địa nước ta...
Có không ít hồi ký nói về đánh giặc, rất hay, hấp dẫn. Điều này là đương nhiên. Là niềm tự hào của nhân dân đối với quá khứ hào hùng. Lạ là, nhiều nhà lãnh đạo chính trị, viết hồi ký gần như chỉ nói về mình, ít nói về Đảng, có nói thì nói chung chung. Đặc biệt, rất ít nói đến nhân dân, nếu có thì khá mù mờ và cũng rất hời hợt. Mặc dù, với vị trí và nhiệm vụ của các vị thì đều có những người dân bằng xương, bằng thịt, có tên tuổi, quê quán, họ hàng, luôn cưu mang, sẵn sàng hy sinh cả tài sản và tính mạng, nhằm che chở, chăm sóc, giúp đỡ các vị, để các vị có thể sống và hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng năm chiến tranh khốc liệt nhất.
Tôi nêu lên điều này không nhằm phê phán ai, mà muốn các nhà báo, các “chuyến đi thực tế” của các nhà báo, các nhà văn cần lưu ý đến, đề cập đến vai trò không thể thiếu và vô cùng quan trọng của người dân. Người dân ở trên ba vùng chiến lược: Nông thôn, miền núi, thành phố, thị xã, vùng biển, hải đảo, người dân ở cả hai chiến tuyến… Đó không chỉ là mảng đề tài rất hấp dẫn mà các nhà báo, các nhà văn thể hiện khả năng và tài năng của mình. Đó cũng là một hành động cụ thể về sự biết ơn nhân dân mình.
Với hiện tại, một cuộc sống xô bồ, luôn bị tấn công khốc liệt không khoan nhượng, đầy nguy hiểm của “văn hóa mạng”, những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc độc hại, hung hăng, ngang ngược của các thế lực thù địch, với tình trạng xuống cấp về đạo đức, về nếp sống văn hóa… Ở đâu cũng có tivi. Ở xã, phường, nhà văn hóa, nhà trường, bệnh viện, cơ quan… hầu như không có thư viện. Vì vậy, cần xây dựng một nền văn hóa đọc: Đọc báo, đọc sách. Cần đầu tư và khuyến khích người viết. Quan trọng hơn, cần đầu tư thích đáng cho đầu ra của tác phẩm văn học theo tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI. Và, quan tâm một cách cụ thể, thiết thực với các hoạt động Báo chí - Văn học- Nghệ thuật.
HỒ DUY LỆ