.

Nhà báo có cần "gác bút" đi học?

.

Nhà báo có cần “gác bút” đi học? Câu hỏi này rất… thừa vì người nào, nghề nào mà không cần học, chẳng phải các bậc tiền bối đã đúc kết “học, học nữa, học mãi” đó sao. Vậy mà cái sự thắc mắc liệu nhà báo, cụ thể ở đây là phóng viên - những người trực tiếp viết báo, có nên dành thời gian đến trường lớp để học thêm nghiệp vụ báo chí hay không, vẫn luôn là đề tài tranh luận rôm rả kể cả trong các buổi trao đổi nghiêm túc đến những giờ lê la “chém gió” vỉa hè.

Nhà báo Thu Phương tại Đại học Marshall, Mỹ.
Nhà báo Thu Phương tại Đại học Marshall, Mỹ.

Mọi người nhận thấy một điều luôn đúng rằng, cuộc sống với ngồn ngộn bao điều đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ chính là trường học sống động nhất đối với nhà báo. Có “quăng” mình ra cuộc đời, nếm trải và “sống” trọn vẹn trong từng sự kiện hay khoảnh khắc, người viết mới có chất liệu để đưa lên trang báo. Lý thuyết nhiều mà thiếu thực tiễn cũng bằng không. Báo chí cần như thế, nhưng phải chăng báo chí chỉ cần thế?

Những nhà báo thuộc nhiều lứa tuổi, khi đã và đang “gác bút” đi học thì lại có một quan điểm khác. Thực tiễn thì cần thiết, nhưng nếu nó được phản ánh dưới góc nhìn của một người có nền tảng kiến thức báo chí chuẩn mực, rõ ràng chất lượng sẽ tốt hơn nếu ta chỉ bảo đảm vế này mà lại thiếu hụt vế kia. Đặc biệt, với cái nghề đòi hỏi người tạo nên sản phẩm phải biết nhiều thì học thực sự là điều đáng để ta trân trọng “gác bút”.

Trong thời đại hòa nhập, học hỏi các nền báo chí của các nước khác cũng là cách giúp nhà báo “nội địa” tự tin hơn khi đứng bên cạnh những đồng nghiệp đến từ các tờ báo lớn trên thế giới. Điều này hình như chúng ta đang thiếu hoặc thiếu rất nhiều, nên có gì mà chần chừ để không học nữa.

Tố chất là đủ?

Người ta thường nói làm báo phải có tố chất. Tố chất của người viết báo tựu trung ở 4 phẩm chất: mạnh mẽ, sắc sảo, nhạy bén và năng khiếu. Những phẩm chất này dường như đã tự có trong bản thân ai đó chứ khó trường lớp nào đào tạo được. Thế nên, năng lực sẵn có cùng sự trải nghiệm có thể nói tạm đủ làm hành trang cho phóng viên sống được với nghề báo.

Thực tế đã chứng minh rất nhiều nhà báo từ xưa đến nay thành công với những hành trang ấy. Dù không được học báo chí, chưa có cơ hội qua trường lớp nghiệp vụ bài bản, nhưng với quá trình tự tìm tòi, cống hiến và yêu hết mình nghề cầm bút, họ đã cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí có tiếng nói. Thậm chí, việc tự tìm lối đi như vậy khiến họ chín chắn, trưởng thành và bút lực mạnh mẽ hơn. Họ trở thành tấm gương sáng cho những nhà báo trẻ được đào tạo chuyên nghiệp soi vào để nhắc nhở mình đừng ỷ lại kiến thức mà hóa thành tự mãn trong mớ lý thuyết vô dụng.

Với thế hệ làm báo 7X, 8X, 9X hiện nay, chúng ta đang chứng kiến nhiều nhà báo học ngành khác nhưng đi vào nghề báo ngon lành. Ngành học tưởng tréo ngoe ấy có khi trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho họ viết các vấn đề chuyên môn một cách thuyết phục hơn. Chẳng hạn, một nhà báo học chuyên ngành ngoại ngữ đương nhiên viết các vấn đề quốc tế sẽ tốt hơn. Một nhà báo tốt nghiệp kinh tế sẽ thuận lợi khi lĩnh hội các vấn đề thị trường, tiền tệ, kinh doanh v.v… - một mảng khá khó xử lý tư liệu trong công việc viết báo. Tương tự, người am hiểu hoặc học chuyên ngành âm nhạc có thể viết lý luận phê bình về tác phẩm âm nhạc trên trang văn nghệ đầy tính chuyên môn hơn người khác.

Nói những ví dụ dài dòng này để thấy kiến thức cần cho phóng viên là vô cùng rộng lớn, và chỉ học kỹ thuật viết tin, bài, cách chụp ảnh, quay phim đơn thuần thì khó có được bài viết tốt.  

Mãi mãi là niềm vui

"Tôi vẫn theo đuổi ý định tự học tập, rèn luyện thường xuyên và nếu có cơ hội sẽ vẫn đến lớp vì kiến thức vô cùng rộng lớn mà chúng ta không bao giờ nắm bắt hết được."

Chuyện nhà báo đi học không hiếm, bởi hầu hết nhà báo đều là cử nhân, thạc sĩ hoặc cao hơn nữa. Với những phóng viên học một chuyên ngành khác nào đó (không phải chuyên ngành báo chí) chỉ để mang danh cao học thì không bị lời ra tiếng vào. Trong khi ấy, những người đi học chuyên sâu đúng ngành báo chí và lại học ở các ngôi trường danh tiếng của thế giới thì chịu không ít lời nhỏ to như thể học chỉ để “làm đẹp” cho hồ sơ cá nhân.

Đó thực ra cũng chỉ là chuyện bên lề của đề tài đi học. Cốt lõi với những người thích học thì học rất vui.
Chị Nguyễn Thu Phương, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Văn nghệ, Xuất bản - Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, người từng “nghỉ” làm vài năm để đi học về báo chí, truyền thông tại Đại học Marshall (Mỹ) chia sẻ: “Như nắng hạn gặp mưa rào, trong suốt 2 năm tại ngôi trường này, tôi đã đăng ký nhiều môn quản lý, vận hành truyền thông hiện đại mà mình chưa có cơ hội tiếp cận bao giờ, từ báo hình, báo nói, báo giấy đến báo điện tử. Các môn học đều mới mẻ và rất thú vị. Tôi luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp và sự nỗ lực học tập không ngừng sẽ mang lại cho bản thân sự tự tin trong công việc cũng như cuộc sống. Vì vậy, tôi không nghĩ ngừng lại để đi học là mất mát cơ hội làm việc. Khi mình được đào tạo và có kinh nghiệm trải nghiệm thực tiễn sẽ không sợ khổ, sợ khó và không ngại khi được giao việc. Nếu có cơ hội được phát huy, cống hiến thì đó là niềm vui và sự may mắn đối với bất kể ai đã được đào tạo chuyên sâu”.

Chị Thu Phương đến với nghề báo khá bất ngờ khi bản thân được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp Huế nhưng rồi rẽ sang Ngữ văn. Tốt nghiệp, chị thi tuyển vào Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng làm biên dịch nhưng khi đài cần phóng viên thì chị xung phong vào vị trí này. Trước khi sang Mỹ học thêm báo chí theo Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng, chị Thu Phương từng được học nghiệp vụ tại Thái Lan vào năm 2002. Chừng đó với chị chưa bao giờ đủ: “Tôi vẫn theo đuổi ý định tự học tập, rèn luyện thường xuyên và nếu có cơ hội sẽ vẫn đến lớp vì kiến thức vô cùng rộng lớn mà chúng ta không bao giờ nắm bắt hết được”.

Một phóng viên nam (xin giấu tên) vừa bước chân vào nghề, cũng là người được đào tạo báo chí tại nước ngoài tâm sự: “Có muôn vàn con đường để đi từ điểm A đến điểm Z, học có lẽ là một con đường trong vô số con đường đi đến nghề báo. Học rõ ràng không phải là việc êm ái và dễ dàng, nhưng nó là con đường đúng đắn cũng như tiết kiệm thời gian nhất giữa rừng thông tin hỗn loạn như bây giờ”. Người bạn này còn hào hứng chia sẻ một câu nói tâm đắc: “Sự học trang hoàng sự sống và làm cho ta mến đời hơn. Nó là một thú vui không khi nào giảm”, câu nói của J. Viennet có lẽ đúng với em, em thấy thực sự vui, hạnh phúc khi được học.

Dù không thể giấu niềm hạnh phúc khi nói đến việc học, nhưng riêng khai tên thật trên báo thì bạn xin… giấu đến cùng vì lý do: Kể chuyện đi học dễ bị “ném đá” tơi bời lắm. Em đã từng nghe: “Viết đâu có bằng ai mà “nổ” học Mỹ, Anh, Úc!”.

THU HOA

;
.
.
.
.
.