.
Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng

Chờ nơi ở mới

.

Ngày 17-6-2013, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký Quyết định số 4173-QĐ/UB phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng Cung Văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng. Song đến nay, Cung Văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng vẫn chưa được tiến hành xây dựng. Trong khi đó, Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng hiện không còn đáp ứng được nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ em trên địa bàn thành phố.

Chỉ là trường năng khiếu thu nhỏ

Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng tọa lạc tại số 10 Lý Tự Trọng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu khoảng 35 năm nay, với tổng diện tích 6.000m2. “Đây là một trong những nhà thiếu nhi ra đời sớm nhất của cả nước. Nhưng đến nay, đây lại là nhà thiếu nhi nhỏ nhất so với khu vực miền Trung - Tây Nguyên và chức năng hoạt động giống một trường năng khiếu thu nhỏ, đào tạo các bộ môn năng khiếu cho học sinh”, ông Nguyễn Nhẫn, Giám đốc Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng, nói.

Không chỉ thiếu khu vui chơi trong nhà (nhà thi đấu, hồ bơi, nhà đa năng…), khu vui chơi ngoài trời (xích đu, cầu bập bênh, thú nhún…), mà khu học tập, sinh hoạt của Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cũng đang xuống cấp nặng nề. Các phòng học cũ kỹ, nhà vệ sinh ẩm thấp; hội trường cũng không đạt yêu cầu… Theo ông Nguyễn Nhẫn, vì đã có chủ trương xây dựng Cung Văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng nên không thể tiến hành nâng cấp, cải tạo Nhà Thiếu nhi hiện tại; đơn vị chỉ cải thiện trong khả năng như chú trọng công tác vệ sinh môi trường, sơn mới lại phòng ốc, cổng chào…

Vào dịp hè mỗi năm, Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng thu hút hơn 3.000 em tham gia các khóa học năng khiếu, tiếng Anh… Nhưng do không đủ phòng học nên lãnh đạo Nhà Thiếu nhi phải tăng suất học (5 suất/ngày) và nâng sĩ số các lớp học cao hơn bình thường, với hơn 30 em/lớp. “Rõ ràng nhu cầu của trẻ em đến học tập tại Nhà Thiếu nhi quá lớn, nhưng không gian dành cho học tập quá nhỏ, nhất là trong dịp hè, chưa kể nhu cầu vui chơi dường như không có… Vì vậy, Nhà Thiếu nhi thành phố chưa đáp ứng được điều kiện phát triển toàn diện của trẻ em”, ông Nguyễn Nhẫn thừa nhận.

Cần hiện thực hóa dự án

Theo đề án đã được duyệt, Cung Văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng sẽ được xây dựng trên khu đất 33.335m2 (thuộc phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu); phía bắc giáp Đài Tưởng niệm thành phố trên đường 2 tháng 9, phía nam giáp đường quy hoạch đã thi công B=60m; phía tây giáp đường 2 tháng 9 và phía đông giáp đường Khu Công viên văn hóa giải trí Asia Park của Tập đoàn Sun Group. Trong đó, lối vào chính và phụ của Cung Văn hóa thiếu nhi được bố trí ở phía nam, tiếp giáp đường vào Nhà biểu diễn đa năng (thuộc Khu Công viên văn hóa giải trí Asia Park). Phần đất còn lại bố trí cây xanh, khuôn viên, bãi đỗ xe, mặt nước, đường nội bộ... nhằm tạo cảnh quan chung tại khu vực này.

Là công trình văn hóa tiêu biểu, được lãnh đạo thành phố chỉ đạo thực hiện nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhưng đã gần một năm kể từ ngày lãnh đạo thành phố ký quyết định phê duyệt, dự án Cung Văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng vẫn chưa được triển khai.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Nhẫn cho biết: “Nhà Thiếu nhi thành phố có chức năng là trung tâm hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, nơi phát triển và bồi dưỡng các tài năng thẩm mỹ nghệ thuật, thể dục-thể thao cho thành phố; đồng thời cũng là sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố sớm có chủ trương triển khai dự án Cung Văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng, để trẻ em thành phố có thể hưởng thụ các tiện ích văn hóa tốt nhất, giúp các em có đầy đủ các điều kiện để phát triển”.

Về các giải pháp hoạt động của Cung Văn hóa thiếu nhi, ông Nhẫn đề xuất có thể tham khảo những mẫu hình nhà thiếu nhi đã và đang hoạt động khá thành công hiện nay là Nhà Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Gia Lai…

Theo ông Nguyễn Nhẫn, mô hình chuẩn của nhà thiếu nhi hiện nay có diện tích từ 10.000m2 trở lên; có các khu chức năng như: khu học tập, sinh hoạt, vui chơi, các sân, bãi tập đa năng ngoài trời, hội trường… và dành một diện tích đáng kể để thực hiện xã hội hóa, đầu tư khu vực giải trí cho người lớn (trong lúc chờ đưa đón con), khu vui chơi cho trẻ em…

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.