.

Nợ Chính phủ bảo lãnh là nợ công

.

Chiều 10-6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

ĐBQH Huỳnh Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.  Ảnh: Hữu Hoa
ĐBQH Huỳnh Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Hữu Hoa

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại kỳ họp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Đồng thời, các Bộ trưởng, Trưởng ngành hữu quan sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm các nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người đầu tiên trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề: nợ công; quản lý thu chi ngân sách; giá cả; cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính hai vấn đề. Thứ nhất, theo báo cáo số 177 của Chính phủ, nợ công đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 bằng 53,4% GDP. Tuy nhiên, qua phương tiện thông tin đại chúng còn nhiều ý kiến khác nhau về tăng tỷ lệ này, trong đó có ý kiến cho rằng chưa tính hết phần vốn vay của DNNN do Chính phủ bảo lãnh. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến nay tổng số nợ mà Chính phủ vay để cho vay lại và bảo lãnh cho DNNN là bao nhiêu? Có những khoản vay nào Chính phủ bảo lãnh vay, nhưng khi đáo hạn DNNN không trả được, Chính phủ phải trả nợ thay hay vay đảo nợ không? Dự kiến tình hình sắp đến như thế nào? Thứ hai, đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể các khoản nợ của Vinashin, Vinalines mà Chính phủ cho vay hoặc bảo lãnh vay đã và đang đáo hạn phải trả, Chính phủ có trả nợ thay không? Hoặc bảo lãnh vay đảo nợ?

Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nợ của DNNN hay doanh nghiệp ngoài nhà nước được Chính phủ bảo lãnh đều được tính là nợ công. Số liệu nợ cho vay lại hiện nay chiếm khoảng 6,9% GDP. Số cụ thể năm 2014 rút vốn của nước ngoài, của Chính phủ là 96.000 tỷ đồng và cho vay lại khoảng 60.000 tỷ; năm 2013 dư nợ nước ngoài của Chính phủ là 760.000 tỷ, trong đó số dư cho vay lại là 266.000 tỷ đến cuối năm 2013. Về số nợ Vinashin, Vinaline, như trên đã báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội về nợ công, phạm vi nợ công, ở đây kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả quốc gia phát triển khi cần thiết cũng can thiệp vào xử lý tài chính của doanh nghiệp lớn.

Ví dụ như Ngân hàng Hoàng đế Scotlen tại Anh hay Công ty Ô-tô Gineran mô-tô tại Mỹ thì Chính phủ cũng can thiệp vào nợ khi cần thiết. Đối với Việt Nam, Chính phủ đã cấp bảo lãnh Chính phủ để phát hành trái phiếu tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp lý về cấp và quản lý bảo lãnh nợ Chính phủ. Việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi của công ty mẹ của tập đoàn Vinashin và 8 công ty con giữ lại. Số liệu nợ cũng đã được rà soát đối chiếu  kỹ lưỡng và kết quả xử lý là giảm tới 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin.

Trả lời những chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện nay, giá xăng dầu trong nước được điều hành theo quy định tại Nghị định 84 với nguyên tắc cơ bản là giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường. Khi giá cơ sở tăng cao hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính, tránh gây cú sốc về giá cả, từ đó tránh tác động đến kinh tế vĩ mô, lạm phát.

Năm 2014, Bộ tiếp tục công khai giá cơ sở của xăng dầu. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, có những việc cần đẩy mạnh hơn theo lộ trình điều hành giá thị trường, do đó việc sửa Nghị định 84 là cần thiết. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định “mặt trận” xăng dầu là “mặt trận” nóng bỏng. Thời gian qua, bộ đã chỉ đạo cơ quan hải quan, thuế phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng này.

Làm rõ thêm về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết một trong những nội dung quan trọng là làm sao cơ chế điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến thị trường hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Giải đáp lo ngại của đại biểu về tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi Bộ Công thương được trao quyền điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công thương không muốn nhận “vai” này mà muốn đề xuất Chính phủ giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì việc điều hành giá, Bộ Công thương sẽ đóng vai trò phối hợp. Bộ trưởng cũng nêu rõ Bộ Tài chính không phải là cơ quan quyết định giá xăng dầu mà chỉ là tổ trưởng tổ liên ngành về điều hành giá xăng dầu. Nếu Bộ Công thương không nhất trí, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ quyết định việc điều chỉnh giá.

Về tình hình nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, chỉ tiêu nợ công/GDP thay đổi không nhiều qua các năm: Năm 2010 là 51,7%, năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm 2013 là 53,4%. Tỷ lệ này nằm trong ngưỡng Quốc hội cho phép là 65%.

Bộ thường xuyên đánh giá danh mục nợ công không chỉ trên phương diện số tuyệt đối mà còn đánh giá tỷ trọng tương đối và các chỉ tiêu đánh giá an toàn khác. Bộ đã báo cáo Thủ tướng cần phải có giải pháp để cơ cấu lại nợ công. Trong quá trình điều hành sẽ chủ động giảm dần bội chi, kiên quyết thu hồi các khoản nợ trước đây; thực hiện các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu, rà soát thực hiện phân kỳ đầu tư; quản lý tốt đồng tiền vay, gắn với nó là các dự án, chương trình cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã tham gia giải trình thêm về tiêu chí đánh giá hiệu quả ngân sách nhà nước đầu tư công đối với các vùng, dự án, chương trình. Bộ trưởng cho biết hiệu quả dự án đầu tư của một số dự án, công trình không chỉ ở mặt kinh tế mà cần đánh giá cả mặt xã hội, có dự án không hiệu quả về kinh tế nhưng có hiệu quả về mặt xã hội thì vẫn phải làm.

HỮU HOA - BT

;
.
.
.
.
.