.

Ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc

.

Tự hào, may mắn khi được ra tác nghiệp tại Hoàng Sa. Ở Hoàng Sa, càng thêm yêu từng tấc đất của Tổ quốc mình, càng vững tin ở các lực lượng chấp pháp đang thực thi nhiệm vụ trên biển, càng thêm hiểu sự can trường của bà con ngư dân. Đó là cảm nghĩ chung của những nhà báo trở về từ “điểm nóng” Hoàng Sa - nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam - mà chúng tôi gặp mặt.

Nhà báo Hải Sơn cùng tham gia đánh bắt với bà con ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa.
Nhà báo Hải Sơn cùng tham gia đánh bắt với bà con ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa.

Nhà báo Hải Sơn (Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV): Thêm hiểu được sự can trường, bản lĩnh của ngư dân

Tôi cùng một số đồng nghiệp lên tàu cá của tổ đội đánh bắt của ngư dân ra vùng biển Hoàng Sa. Mất 2 ngày 1 đêm tàu cá mới tới được vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, bởi tàu cá chỉ đi với tốc độ 4-5 hải lý/giờ.

Ra Hoàng Sa, trực tiếp chứng kiến sự hung hăng của các loại tàu Trung Quốc, mới thấy được ngư dân chúng ta, đặc biệt là ngư dân miền Trung, thật sự can trường. Họ thực sự thể hiện bản lĩnh khi kiên cường bám ngư trường truyền thống để đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Có thể xem ngư dân như những nhân chứng lịch sử khi họ vừa đánh bắt vừa đối đầu với số lượng tàu hải cảnh, hải tuần, tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Phóng viên chúng tôi cũng vậy, là những nhân chứng lịch sử khi tận mắt thấy được sự can trường của ngư dân và sự hung hăng, vô nhân đạo của tàu Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn được đi Hoàng Sa, được đi với ngư dân, đồng hành với ngư dân. Từ Hoàng Sa trở về, tôi lưu lại hàng chục GB dữ liệu là những hình ảnh bức xúc nhất ngư dân phải gánh chịu, lưu giữ lại những hình ảnh, video clip tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam mà mình là người chứng kiến. Tôi rất tự hào và riêng việc đó cũng đã là hoàn thành nhiệm vụ rồi.

Tôi chẳng bao giờ quên những lần tàu Trung Quốc vốn lớn hơn rất nhiều lần uy hiếp, đâm va, ngăn cản tàu cá Việt Nam. Có những lúc tàu Trung Quốc dí sát, tắt máy, giữ tốc độ tương đồng, tàu mình không khéo là tự vỡ. Đó là lúc Trung Quốc đưa tàu mũi quả lê có răng cưa - mà thực chất là những tàu cải trang - đâm va, phá nước kinh khủng để uy hiếp ngư dân ta. Nhưng ngư dân mình rất có kinh nghiệm, khôn khéo luồng lách, né tránh không mắc bẫy tàu Trung Quốc.

Những ngày đồng hành cùng với ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa là những ngày trải nghiệm, gắn bó và càng thêm hiểu sự can trường, dạn dày sóng gió của ngư dân. Khi về, mỗi ngư dân tặng tôi một con mực và cả bao tải toàn là hải sản. Tôi may mắn khi được như vậy!

Nhà báo Thanh Hải (Báo Lao Động): Chưa bao giờ Hoàng Sa gần gũi đến thế

Với Hoàng Sa, thì triệu triệu người con Việt đều có tình yêu thương, tình cảm đặc biệt. Bởi, đây là một phần lãnh thổ tươi đẹp, thiêng liêng của Tổ quốc nhưng đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm hơn 40 năm nay. Riêng tôi, bấy lâu nay Hoàng Sa là vùng biển đảo rất mờ xa, qua ký ức của bao người là nhân chứng từng sống, làm việc ngoài đảo trước 1974 - đó là những nhân vật trong hàng chục bài báo của mình. Nhưng bây giờ tôi lại may mắn có mặt tại Hoàng Sa trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng này. Vì vậy, tình cảm khác xa khi mình còn ở đất liền.

Nhà báo Thanh Hải đang tác nghiệp ở Hoàng Sa.
Nhà báo Thanh Hải đang tác nghiệp ở Hoàng Sa.

Để được đi Hoàng Sa, phải nói là chúng tôi đã chen nhau đăng ký, xếp hàng rất quyết liệt mới được cơ quan chức năng xét để tạo điều kiện theo những con tàu thực thi pháp luật đầu tiên hơn là... nhận nhiệm vụ. Thú thật, khi thông tin chưa rõ ràng, hình ảnh ban đầu lại cho thấy tàu của Trung Quốc rất hung hăng, chúng tôi ai cũng sợ, nhất là khi mẹ và vợ rất lo lắng. Thế nhưng, tôi nghĩ, sống chết đều có số cả, nhưng nếu được lựa chọn cái chết, thì khi đất nước nguy biến không ai sá chi thân mình.

Chưa bao giờ Hoàng Sa lại gần gũi đến thế. Tôi như nếm được vị mặn của biển, mùi hương của gió và tiếng rì rầm sóng Hoàng Sa vỗ ngay dưới thân tàu. Tôi như đã sờ nắn được một Hoàng Sa. Một cảm giác rất rõ về vùng biển đảo hương hỏa của ông cha mình. Những đêm neo tàu ngoài biển lặng, chúng tôi trèo lên boong tàu, và ai cũng cảm nhận được một tình cảm khắc khoải khi ở đáy sâu hơn ngàn mét nước ngay dưới thân tàu là cả nghĩa địa của bao lớp tiền nhân. Những điều này không phải trên các trang sách sử, trong các lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, mà tôi đang nghe, đã chạm qua cơn gió lạnh chạy vuốt thân tàu.

Trong 8 ngày trên vùng biển nóng Hoàng Sa, tôi có dịp sang thăm nhiều tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Chứng kiến được khả năng tinh nhuệ các chiến sĩ trẻ khi tác chiến, một tinh thần quyết liệt vì chính nghĩa, vì dân tộc, chợt thấy yên lòng. Nhưng rồi, khi chứng kiến những con tàu cá mong manh thô sơ của ngư dân miền Trung hiên ngang thẳng tiến vào ngay vòng vây nóng bỏng của hàng trăm tàu Trung Quốc, tôi mới hiểu sức mạnh chiến thắng của chính nghĩa không hẳn chỉ dựa vào tàu to, súng lớn.

Nhà báo Tấn Vũ (Báo Tuổi Trẻ): May mắn vì được hai lần ra Hoàng Sa

Tôi có lẽ là người may mắn khi đã được hai lần ra Hoàng Sa tác nghiệp. Lần đầu là vào năm 2010 khi đi cùng tàu của ngư dân Mai Phụng Lưu (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Khi đó, vùng biển cách đảo Tri Tôn 11 hải lý này rất đẹp, bình yên, ngư dân ta đánh bắt hết sức bình thường. Chuyến đi vừa rồi trên tàu Cảnh sát biển, tôi là một trong 19 phóng viên đầu tiên được ra Hoàng Sa tác nghiệp, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam.

Nhà báo Tấn Vũ đang tác nghiệp ở Hoàng Sa.
Nhà báo Tấn Vũ đang tác nghiệp ở Hoàng Sa.

Đi Hoàng Sa tác nghiệp, có lẽ với tôi, đó là sự đam mê nghề nghiệp, là sự dấn thân của một người làm báo nhằm cung cấp cho đồng bào trong cả nước và bạn bè quốc tế những thông tin, hình ảnh về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Lúc đó, cảm giác sợ sệt ban đầu không còn nữa, nhất là khi thấy các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và bà con ngư dân ngày đêm kiên cường giữ biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, đẩy đuổi giàn khoan Trung Quốc.

Lúc tàu Cảnh sát biển của chúng ta bị 3 tàu Trung Quốc tấn công, tôi cùng với các đồng nghiệp tìm cho mình vị trí thuận tiện nhất trên bong tàu để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, dù vị trí đó có khi là nguy hiểm nhất. Là nhà báo, với tôi, là nên có mặt ở những “điểm nóng”. Tôi thấy mình thật tự hào và may mắn khi góp phần vào hoạt động tuyên truyền, đấu tranh để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan bằng những thông tin, hình ảnh, video clip được thực hiện từ Hoàng Sa.

Nhà báo Nguyễn Đông (Báo điện tử VnExpress):

Cung cấp thông tin chân thực đến đồng bào và bạn bè quốc tế

Tôi cảm thấy mình là người may mắn hơn các anh em ở tòa soạn cũng như đồng nghiệp của hàng trăm tờ báo, ở thời điểm đó, đang ngày đêm mong muốn sẽ được đạp sóng ra Hoàng Sa, khi được chọn ra Hoàng Sa. Tôi hiểu rằng, ngay lúc này, hàng triệu trái tim Việt Nam đang nóng lòng chờ đợi những tin tức từ Hoàng Sa. Và, người làm báo có trách nhiệm cung cấp những thông tin nóng hổi, chân thực nhất đến đồng bào mình và người dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới.

Nhà báo Nguyễn Đông đang tác nghiệp ở Hoàng Sa.
Nhà báo Nguyễn Đông đang tác nghiệp ở Hoàng Sa.

Một ngày một đêm, tàu có mặt ở Hoàng Sa, cách giàn khoan chừng 10 hải lý và trận địa thực sự “nóng” khi xung quanh tàu kiểm ngư Việt Nam 926 là nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc to gấp 4 đến 5 lần bủa vây, hướng thẳng mũi hung hãn tiến lại gần. Nhiều anh em dù còn say sóng vẫn vội lấy đồ nghề lên cabin, tìm những hướng có thể quay, chụp được cảnh tàu Trung Quốc. Hơn nửa tiếng giáp mặt Trung Quốc, hàng trăm tấm ảnh về hành động phi nghĩa của các tàu Trung Quốc được ghi lại. Ai cũng muốn truyền ngay những thông tin về đất liền, và chắc chắn những tòa soạn có phóng viên ra điểm nóng này cũng đang mong ngóng những cuộc điện thoại từ Hoàng Sa. Nhưng, không sóng điện thoại, không thiết bị vệ tinh cho một chuyến đi quá gấp gáp, nhiều đồng nghiệp chỉ biết nhìn nhau, ngoại trừ báo Tuổi Trẻ đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho chuyến đi của mình.

Liên tiếp những ngày sau đó, những phóng viên chúng tôi không bỏ sót bất cứ hình ảnh nào khi tàu chấp pháp Việt Nam nhận lệnh tiến sâu vào khu vực giàn khoan, phát loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Lòng chúng tôi quặn lại khi chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc to gấp 4 đến 5 lần hung hăng tấn công, đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển. Ngày hôm sau, những hình ảnh đầu tiên của tôi được gửi qua vệ tinh về Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển để đồng nghiệp đến lấy. “Ảnh quý hơn vàng đấy em ơi. Bạn đọc đang rất quan tâm, cố gắng giữ gìn sức khỏe để tiếp tục tác nghiệp an toàn nhé!”, giọng phóng viên ở tòa soạn với tôi nói như thét vì điện thoại chập chờn, hòa vào tiếng sóng Hoàng Sa.

Những ngày ở Hoàng Sa, những cái bắt tay như siết chặt, nụ cười lạc quan của Cảnh sát biển dành cho anh em phóng viên... Và tôi hiểu rằng các anh coi chúng tôi là những người lính, những người lính thông tin trên mặt trận đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình.

ĐÀ NAM thực hiện

;
.
.
.
.
.