.

Phòng chống thương tích cho trẻ

.

Mùa hè là dịp để hàng triệu học sinh trên cả nước, nhất là học sinh tiểu học được nghỉ hè, xả hơi sau một năm dài học tập, với biết bao hoạt động vui chơi giải trí… Bên cạnh sự mừng vui của con trẻ là nỗi lo của các bậc làm cha làm mẹ trước việc quản lý con cái và hướng dẫn trẻ vào các hoạt động bổ ích, an toàn trong dịp này.

Nhiều người đã cho con em mình vào các trung tâm học thêm, đi du lịch, về thăm quê. Một số phụ huynh khác để trẻ tự lo và chính điều này là nguy cơ trẻ có thể bị tai nạn thương tích (TNTT) trong quá trình tham gia các hoạt động ngoại khóa, trong đó tập trung vào các TNTT: đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, ngã, chơi các trò chơi bạo lực có sử dụng đồ chơi dễ gây tai nạn như các loại binh khí đồ chơi, các vật nhọn…

Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm cả nước có gần 7.400 trẻ em tử vong do TNTT và con số đó tăng lên hằng năm là một thực tế đau lòng cho những ai quan tâm đến vấn đề này. Đáng báo động là tình trạng đuối nước ở trẻ. Theo báo cáo của Bộ Y tế, số trẻ em chết do đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển, nguyên nhân do các em không được trang bị kỹ năng tồn tại khi gặp sự cố trong khi bơi ở sông, suối, ao hồ và tắm biển, thiếu sự quan tâm của người lớn… Vì thế, không phải ngẫu nhiên khi các nhà chuyên môn khuyến cáo hãy dạy trẻ biết bơi trước khi biết chữ (Báo Đà Nẵng ngày 12-6-2014 đã có bài viết về vấn đề này).

Bên cạnh đó, tai nạn giao thông cũng dẫn đến cái chết cho hàng ngàn trẻ em mỗi năm, với tỷ lệ số trẻ chết do tai nạn giao thông chiếm 35% trong tổng số người chết vì loại tai nạn này hằng năm ở nước ta. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý hiếu động, ý thức chấp hành luật giao thông kém nên trẻ vô tư qua đường, chơi đùa, đá bóng trên các trục đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông…

Một vấn đề khác là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thường bị TNTT khi chơi một mình, do té ngã, gây gãy tay chân, chấn thương đầu và một số trường hợp nặng có thể tử vong… Đó là chưa nói đến trẻ dễ bị ngộ độc do cầm nắm, đưa vào miệng những gì nhặt được…

TNTT trẻ em là vấn đề quan trọng. Ngoài việc tử vong, những em được cứu sống có thể sẽ phải chịu nhiều tổn thương về thể xác và những chấn thương tâm lý đeo đuổi suốt quãng đời còn lại, trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình các em…

Vì thế, để giảm thiểu thiệt hại cho trẻ trong cuộc sống, nhất là vào dịp hè, phụ huynh nên dạy trẻ biết bơi và các kỹ năng tồn tại khi ở dưới nước, các biện pháp sơ cứu người gặp đuối nước và tránh xa vùng nước sâu, vùng nước lạ. Đối với trẻ nhỏ khi đi bơi phải có người lớn đi kèm. Tăng cường giáo dục Luật Giao thông cho trẻ bằng các hình thức đơn giản như ra đường phải đi bên phải, không đá bóng và không chơi trên đường; đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi lưu thông bằng xe máy, xe điện; thiết kế các loại đồ chơi an toàn cho trẻ; không để trẻ tiếp xúc với các loại thuốc tân dược, hóa chất gây nguy hiểm, để các vật dụng như phích nước sôi, ổ cắm điện ở nơi trẻ khó lấy được, tăng cường các dịch vụ cấp cứu, phục hồi chức năng cho trẻ khi bị tai nạn… Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục ý thức cộng đồng cho trẻ.

Điều quan trọng cuối cùng là cha mẹ phải luôn theo dõi quan tâm đến con cái, không vì công việc mưu sinh mà lơ là giáo dục kỹ năng sống cho trẻ và phải thường xuyên cập nhật lịch sinh hoạt, vui chơi của con để kịp thời nắm bắt và xử lý tình huống nếu có…

CHUNG ANH
 

;
.
.
.
.
.