.

Quốc hội duyệt chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân

.

* Thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

* Hôm nay, Bộ trưởng Tài chính đăng đàn trả lời chất vấn

Chiều 9-6, với số phiếu tán thành của 438/445 đại biểu (tương đương 87,95%), Quốc hội đồng ý thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013, trong đó thống nhất phương án chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.

Nghị quyết cũng quyết định chi một số khoản thực sự cấp bách để thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, cải thiện nhà ở... Trước đó Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012, với hơn 88% ý kiến tán thành.

Cho ý kiến vào Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, các đại biểu đều đồng tình về số lượng chuyên đề và tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra. Trên cơ sở các tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát, đa số các ý kiến nghiêng về hai nội dung giám sát chuyên đề là tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.

Các đại biểu cũng cho rằng cần giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ODA bởi tác động của nguồn vốn này là rất lớn. Trải qua 20 năm sử dụng vốn ODA, hành lang pháp lý cơ bản vẫn là nghị định, do đó, phải giám sát để đảm bảo quyết định sử dụng vốn đúng và hiệu quả, tránh việc để lại cho con cháu trả nợ sau này. Giám sát tối cao về quản lý sử dụng vốn ODA là thể hiện Quốc hội cùng gánh trách nhiệm với Chính phủ trước nhân dân về sử dụng đồng vốn này, Quốc hội đã đến lúc cần giám sát chặt chẽ việc này.

Sáng 9-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân và Luật Hộ tịch. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa điều hành phiên thảo luận của Tổ đại biểu số 6 bao gồm Đoàn ĐBQH các thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ, các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên.

Về Luật Căn cước công dân (CCCD), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) nhận định, việc ban hành luật này sẽ giúp cho công tác quản lý dân cư của Nhà nước chặt chẽ hơn, đồng thời sẽ giảm bớt phiền hà cho công dân. Công dân từ khi sinh ra sẽ được cấp CCCD, thay cho giấy khai sinh. Dự kiến tổng số tiền chi phí cấp đổi từ giấy chứng minh nhân dân sang CCCD khoảng 467 tỷ đồng. Việc cấp CCCD lần đầu và cấp đổi từ giấy chứng minh nhân dân sang CCCD là hoàn toàn miễn phí; nhưng sau đó nếu công dân làm mất CCCD và xin cấp lại thì phải nộp lệ phí.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị cần có quy định về sự kết nối giữa cơ sở dữ liệu CCCD do Bộ Công an quản lý với cơ sở dữ liệu về hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý để tránh sự trùng lắp, chồng chéo và gây phiền hà cho người dân. Theo ĐB, việc mỗi ngành làm một cơ sở dữ liệu riêng, rồi ngành nào cũng đi thu thập thông tin của người dân, sau đó phải nhập lại dữ liệu của nhau là chưa hợp lý và rất tốn kém. Đề án 896 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư đã đặt ra yêu cầu bảo đảm thống nhất về quản lý dân cư theo nguyên tắc thông tin cơ bản về công dân phải được quản lý tập trung, thống nhất từ khi công dân sinh ra đến khi chết trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nhưng dự thảo luật chưa thể hiện rõ ràng yêu cầu này, do đó, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cần đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng về phí đổi, cấp lại CCCD thì luật quy định quá chung chung. ĐB đề nghị luật cần quy định cụ thể theo hướng phân biệt rõ việc đổi, cấp mới lần đầu phải khác với việc cấp lại CCCD. Nếu cấp CCCD để phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước thì không nên thu lệ phí. Cần quy định đối tượng miễn lệ phí cấp CCCD như hộ nghèo, người khuyết tật… hoặc khi cấp sai thì cần quy định ai sai phải chịu trách nhiệm nộp lệ phí cấp lại CCCD.

Về Luật Hộ tịch, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đồng tình với việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tạo nhiều thuận lợi cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, đặc biệt trong thống kê, tra cứu hộ tịch một cách nhanh chóng, kịp thời, phục vụ đắc lực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội, cũng như phúc đáp yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, ĐB cho rằng hiện nay việc xây dựng quá nhiều cơ sở dữ liệu liên quan đến công dân và giao cho các cơ quan khác nhau thực hiện dẫn đến nguồn lực bị phân tán, không kết nối được nội dung quản lý, khó có thể bảo đảm việc quản lý thống nhất, chặt chẽ. Do đó, ĐB đề nghị các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu để có thể tập trung nguồn lực xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu điện tử thống nhất về công dân trong phạm vi toàn quốc để các bộ, ngành, các cấp khai thác, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Hôm nay (10-6), buổi sáng Quốc hội họp riêng, buổi chiều bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn với sự đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Y tế và Tổng kiểm toán Nhà nước tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

B.THỮU HOA

;
.
.
.
.
.