.

Tác nghiệp ở Trường Sa, niềm tự hào của người làm báo

.

“Nhớ lắm Trường Sa ơi” là câu mà nhiều nhà báo đã đặt chân đến miền đất này thốt lên khi về đến đất liền, bon chen với cuộc sống và công việc thường ngày. Vùng biển ấy, khoảng trời ấy cứ như thấm sâu, len lõi vào trong tim những người làm báo và nỗi nhớ thương Trường Sa cứ quay quắt qua nhiều tháng năm.

Phóng viên tác nghiệp trên chiếc xuồng CQ hướng về đảo Sơn Ca.
Phóng viên tác nghiệp trên chiếc xuồng CQ hướng về đảo Sơn Ca.

Phóng viên “thường trực” của Trường Sa

Trên chuyến biển năm nay ra Trường Sa, phóng viên Mai Thanh Hải (Thanh Niên) được coi là người có thâm niên công tác ở Trường Sa đáng nể nhất- hơn chục chuyến ra đảo với cả trăm bài viết, ảnh phóng sự về vùng biển thiêng liêng này. Hôm đến đảo Song Tử Tây, chưa kịp thăm đảo, tôi đã thấy anh thong dong trên chiếc xe đạp lọc cọc, đầu đội mũ cối, mặt đỏ ửng vì nắng. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi anh tìm đâu ra chiếc xe đạp này thế, anh cười cười trả lời “của nhà dân ấy mà”. Vậy là lần thứ hai đến Trường Sa nhưng lần đầu tiên tôi được tham quan đảo trên “con chiến mã” cũ kỹ, đến màu sơn cũng chẳng còn giữ được là mấy. Vừa đi, vừa thầm nghĩ, phóng viên kỳ cựu có khác, đến đảo là tìm được “hàng độc” ngay.

Chuyện trò cùng anh mới biết hơn chục năm nay, anh cứ đi Trường Sa suốt, mà chẳng phải chỉ chọn “tháng ba bà già đi biển” cho êm ái, “xuôi chèo mát mái” mà cả những chuyến giao quân cuối năm, khi mà biển động, sóng đánh tơi tả, nhiều người say sóng mềm nhũn như cọng bún. Anh kể, chuyến biển cuối năm 2013, đi trên tàu còn có hai phóng viên nữa, nhưng cả hai đều say sóng, cứ nôn “mật xanh mật vàng”. Vậy là đích thân anh lại lau dọn “chiến trường”, vừa chăm sóc cho đồng nghiệp vừa lo tác nghiệp.

Thị trấn Trường Sa được bao phủ bởi mênh mông biển nước và màu xanh cây lá.
Thị trấn Trường Sa được bao phủ bởi mênh mông biển nước và màu xanh cây lá.

Lần lượt qua từng đảo mới thấy sự chu đáo của người từng trải ở Trường Sa, bởi hầu như đến đảo nào anh cũng đều mang theo quà tặng cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây, anh hiểu họ cần những gì và biết mua đúng thứ quà mà mọi người trông đợi. Khi thì bao thuốc lá, lúc là những thùng sữa tươi hay những chiếc áo ấm cho các em nhỏ ở Trường Sa. Đặc biệt hơn, năm nay anh chuẩn bị nhiều máy tông-đơ để anh em ngoài đảo cắt tóc, vì theo quy định mới thì hạ sĩ quan, chiến sĩ phải cắt tóc 3 phân. Nhận quà của anh, có người vui cười thốt lên: “Hay quá, ngoài đảo chúng em đang cần cái máy “xén tóc” này”.

Nhìn anh tác nghiệp hay làm những việc chẳng phải của nhà báo như cẩn thận thử từng chiếc áo cho em nhỏ, chăm chút chuẩn bị bữa ăn cho các chú cún trên tàu… mới thấy được tấm lòng sâu nặng của anh với Trường Sa. Cũng chính từ những việc vặt vãnh, chẳng giống ai đó mà các bài viết của anh thấm đẫm tình người. Không chỉ là chuyện của lính, của dân đảo Trường Sa mà cả những văn công hay “đội quân cẩu đuôi dài”… cũng được anh đưa vào từng bài viết. Trường Sa qua ngòi bút và những hình ảnh anh ghi lại vì thế trở nên gần gũi, thân thương đến lạ.

Phóng viên Mai Thanh Hải - Báo Thanh niên và nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Phó Tổng biên tập tạp chí Truyền hình VTV chuyện trò cùng các em nhỏ ở đảo Sơn Ca.
Phóng viên Mai Thanh Hải - Báo Thanh niên và nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Phó Tổng biên tập tạp chí Truyền hình VTV chuyện trò cùng các em nhỏ ở đảo Song Tử Tây.

Muôn kiểu tác nghiệp ở Trường Sa

Có lẽ Etcetera Nguyễn - phóng viên của Viet Weekly (Hoa Kỳ) là người có kiểu tác nghiệp độc đáo nhất trên chuyến tàu Trường Sa HQ-571 năm nay. Với phóng viên, chuyện chụp ảnh, quay phim là thường tình, có gì lạ đâu, còn anh, anh chọn cho mình cách phác họa chân dung của các thành viên trên tàu, của những người lính, người dân đảo làm tư liệu cho riêng mình.

Các bức ký họa của Etcetera Nguyễn mang lại rất nhiều niềm vui cho chiến sĩ ở đảo Trường Sa, bởi chỉ chịu khó ngồi làm mẫu tầm hơn 5 phút, mỗi người đã có ngay một bức ký họa chân dung chân thực, sống động và đầy cảm xúc.

Anh từng tâm sự trên trang báo của mình rằng: “Có quá nhiều điều đáng nói về chuyến đi, mà chỉ với máy ảnh, máy quay phim không đủ nói hết được. Tôi chọn ngôn ngữ hội họa như một cách “nhai lại” cho thật sâu những gì lọt qua tầm mắt của mình. Những cảnh quan, sự vật, và nhất là những bức chân dung con người bao giờ cũng đọng lại rất lâu trong tôi. Sau khi trở lại Hoa Kỳ, ngồi vào bàn làm việc, tôi như vẫn thấy rất rõ những ánh mắt trẻ trung, sôi nổi của những chàng trai trẻ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Ôi những đôi mắt sáng trên những vầng trán, khuôn mặt đen sạm màu nắng gió ở những vùng biển đảo xa xôi. Những chân dung của người lính hy sinh tuổi trẻ của mình cho lý tưởng, bảo vệ một phần chủ quyền của đất nước bức nào cũng giông giống nhau ở độ căng tràn của sức trai, của tuổi trẻ”.

Còn với anh Vũ Hoàng Lân- người sáng lập Phố Bolsa TV (Hoa Kỳ) thì chuyến đi Trường Sa là cơ hội rất tốt và hiếm hoi cho công việc báo chí nên phải cố gắng tranh thủ hết thời gian để tác nghiệp. Cũng vì vậy, anh vừa quay phim, vừa chụp ảnh, lúc nào cũng tất bật với việc phỏng vấn, chuyện trò với những người chung quanh để lấy tư liệu. Tuy vậy, với những phóng viên ra Trường Sa nhiều lần thì chuyện khai thác đề tài cũng chẳng đơn giản chút nào. “Đi lần thứ nhất, ngỡ ngàng nhiều thứ, cái gì cũng mới, làm gì cũng được. Lần thứ 2, tương đối khó hơn, sẽ bị lặp lại. Nhưng lần thứ 3 thì lẽ ra khó hơn nhưng lại dễ dàng hơn vì mục đích rõ ràng. Vì lần này tôi tập trung khai thác những câu chuyện cùng tâm tư của những người trên tàu và những phản ánh của họ về chuyến đi”, anh Lân chia sẻ.

Anh Vũ Hoàng Lân, phóng viên Phố Bolsa TV (Hoa Kỳ) tác nghiệp trên hành trình đến với Trường Sa tháng 4-2014.
Anh Vũ Hoàng Lân, phóng viên Phố Bolsa TV (Hoa Kỳ) tác nghiệp trên hành trình đến với Trường Sa tháng 4-2014.

Những hình ảnh, câu chuyện mà Vũ Hoàng Lân đăng tải là điều để người Việt Nam ở nước ngoài thấy được những gì họ không có cơ hội nhìn thấy. Anh quan niệm, mỗi người xem sẽ có kết luận riêng cho mình. Và anh nghĩ những người quan tâm đến vấn đề Trường Sa, chủ quyền biển đảo của Việt Nam thì rất nên tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đối chiếu, càng khác biệt nhau càng tốt, miễn là nguồn đáng tin cậy, nếu có điều kiện thì đi những chuyến ra thăm Trường Sa trực tiếp, cọ xát thực tế, nhìn thấy những gì mình cần nhìn thấy, trao đổi và nói chuyện với những người mình cần. Có như vậy thì quan niệm, cách nhìn về Trường Sa và chủ quyền biển đảo sẽ chính xác hơn.

Ngoài câu chuyện tác nghiệp của phóng viên hải ngoại, tôi cũng chứng kiến muôn kiểu tác nghiệp “ngộ nghĩnh” của phóng viên làng báo Việt. Có anh say nghề quá, leo cả lên cây bàng để quay phim, chân thì quặp vào thân cây cho vững, còn tay cứ thế tác nghiệp. Những người khác thì cứ lọ mọ hết chỗ này đến chỗ khác, dù có nơi không được quay phim, chụp ảnh nhưng vẫn cứ đi để cảm nhận và khắc ghi lại trong tim về mảnh đất và con người nơi đây.

Đến đâu, các phóng viên, nhà báo cũng lăn xăn, tất tả ngược xuôi quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn. Có lẽ ai cũng tự hiểu rằng, chẳng mấy khi được đặt chân đến vùng đất này nên phải cố gắng hết sức, tận dụng mọi thời gian có được trên đảo để ghi nhận lại cuộc sống và con người nơi đây và lưu lại trong mình những khoảnh khắc đáng nhớ về Trường Sa. Và điều quan trọng nhất là tình yêu với Trường Sa thôi thúc họ viết nên những trang báo hay, những phóng sự đặc sắc, giúp cho bạn đọc trong và ngoài nước có những cảm nhận rất thực và sống động về Trường Sa, về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.