.

Tấm lòng người Nhật Bản với Hoàng Sa

.

“Cả Việt Nam và Nhật Bản cùng có điểm tương đồng là đang phải đấu tranh với việc Trung Quốc yêu sách vô lý đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Vì thế tôi muốn sát cánh bên các bạn Việt Nam, muốn cùng xây dựng một công trình “rất Việt Nam” phục vụ cho cuộc đấu tranh của Việt Nam và của chúng ta”. Ông Fuminori Minakami nói lý do mình tham gia cuộc thi tuyển chọn đồ án thiết kế Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Phối cảnh bên ngoài của đồ án Nhà trưng bày Hoàng Sa lấy ý tưởng từ con dấu của vua Minh Mạng và cột mốc chủ quyền.
Phối cảnh bên ngoài của đồ án Nhà trưng bày Hoàng Sa lấy ý tưởng từ con dấu của vua Minh Mạng và cột mốc chủ quyền.

Đồ án kiến trúc “Con dấu và mốc chủ quyền Hoàng Sa” của ông Fuminori Minakami và các cộng sự thuộc Công ty TNHH Kiến trúc WRIGHT đến từ Nhật Bản là một trong 3 đồ án đoạt giải nhì (không có giải nhất) tại cuộc thi tuyển chọn đồ án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa tổ chức và công bố kết quả tại triển lãm Hoàng Sa nhân sự kiện tròn 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Đồ án này đã được người dân bình chọn nhiều nhất và được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chọn để tiến hành xây dựng công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Những ngày UBND huyện Hoàng Sa công bố cuộc thi trên báo chí và cổng thông tin điện tử của huyện, thông tin đến với ông Fuminori Minakami rất sớm thông qua những cộng sự người Việt của ông ở Hà Nội. Chỉ sau ít phút thảo luận với các cộng sự, ông quyết định tham dự cuộc thi. Kiến trúc sư Trần Quốc Thành, một cộng sự của ông cho biết, ông Fuminori Minakami là người yêu thích nghiên cứu văn hóa Việt Nam để phục vụ cho hoạt động chuyên môn của mình. Vì vậy, khi quyết định tham gia cuộc thi tuyển chọn đồ án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa, ông nghiên cứu rất kỹ các tiêu chí về ý tưởng thiết kế, công năng của công trình. Điều ông suy nghĩ, trăn trở nhiều là làm sao thiết kế của mình phải có tính biểu trưng thể hiện được lịch sử hơn 300 năm trong quá trình thụ đắc lãnh thổ một cách hòa bình, quản lý, khai thác và khẳng định chủ quyền của người Việt Nam đối với Hoàng Sa. Bằng chứng lịch sử nhưng phải có giá trị pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế về biển hiện nay mà rất nhiều nước trên thế giới đã ký công ước tham gia và tuân thủ thực hiện. Trong quá trình nghiên cứu, chi tiết vua Minh Mạng ra sắc chỉ thành lập Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm 1835 và cột mốc chủ quyền đã gợi cho ông ý tưởng thiết kế rất độc đáo. Đồ án kiến trúc “Con dấu và mốc chủ quyền Hoàng Sa” được ông Fuminori Minakami và các cộng sự người Việt nhanh chóng hoàn thành và gửi dự thi.

Phối cảnh bên trong đồ án Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Phối cảnh bên trong đồ án Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Đồ án gây ấn tượng đối với Ban tổ chức khi chấm điểm bởi tính biểu trưng cao, ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, đáp ứng tốt các tiêu chí của cuộc thi, tuân thủ tiêu chí kiến trúc xanh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam quy định. Đồ án của Công ty TNHH Kiến trúc WRIGHT đã vượt qua 42 đồ án khác và được chọn để xây dựng công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 năm nay. Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho hay: Công năng của Nhà trưng bày Hoàng Sa khi hoàn thành không chỉ phục vụ cho công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là điểm du lịch tham quan hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Mới đây, ông Fuminori Minakami đã vượt quãng đường xa từ Nhật Bản đến Đà Nẵng và đi xem vị trí lô đất sẽ xây dựng công trình tại tổ 12, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp. Ông rất phấn khích và mường tượng rằng, Nhà trưng bày Hoàng Sa khi hoàn thành nhìn ra biển sẽ đón gió từ Biển Đông, Hoàng Sa về. Ông sẽ còn quay trở lại Đà Nẵng cùng các cộng sự làm nhiệm vụ của bên tư vấn thiết kế khi xây dựng công trình. Trao đổi với cán bộ UBND huyện Hoàng Sa, ông muốn công trình này không chỉ là tình cảm, sự tự nguyện kề vai sát cánh của cá nhân ông mà cũng sẽ là dấu ấn của tình hữu nghị Việt-Nhật.

Theo thuyết minh của nhóm tác giả: Đồ án này lấy ý tưởng con dấu của vua Minh Mạng trở thành dấu mốc chủ quyền. Cấu trúc hình vuông hội tụ nguyên khí, giao thoa của đất trời. Hai khối chính của công trình hòa quyện vào nhau là biểu tượng của sự thống nhất ý chí, khẳng định vị trí tồn tại của Hoàng Sa đã được xác nhận bằng một thư tịch cổ có giá trị như một văn bản pháp lý thời đó. Khoảng giao thoa giữa hai khối là phần lõi dùng để trưng bày các hiện vật được thiết kế như không gian bên trong của một cột mốc chủ quyền với đường đi lên xoắn ốc vòng quanh cột mốc. Nền đường dốc đi lên có màu đỏ tượng trưng màu cờ Tổ quốc, màu máu của những thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa. Với ý nghĩa đó công trình sẽ là tiếng nói quan trọng củng cố niềm tin trong lòng công chúng về sự hiện hữu của một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.