.

Tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm: Sẽ lưu giữ ở Nhà trưng bày Hoàng Sa

.

“Con tàu sẽ là hình ảnh chân thực, sinh động để người dân và du khách trong và ngoài nước cảm nhận về tinh thần quả cảm của ngư dân Việt Nam, về hành động dã tâm của tàu Trung Quốc”, ông Võ Công Chánh - Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa nói.

Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa bức xúc trước hành động vô nhân đạo của tàu Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá ĐNa 90152.
Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa bức xúc trước hành động vô nhân đạo của tàu Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá ĐNa 90152.

Luật pháp cho phép để kiện Trung Quốc

Ông Đặng Công Ngữ bức xúc nói: “Nhìn những vết tích trên con tàu, tôi nghĩ đây là hành động vô nhân đạo của tàu Trung Quốc. Ngư dân chúng ta đang đánh bắt ở giữa biển mà họ dùng tàu vỏ sắt đâm thẳng vào khiến tàu chìm, họ đã xâm hại tài sản, tính mạng người dân Việt Nam. Đây là hành động phải lên án và lên án mạnh mẽ để không tái diễn chuyện này”.

Theo ông Đặng Công Ngữ, chủ tàu cá Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa. “Theo chúng tôi được biết, giữa luật pháp Việt Nam và Trung Quốc có mối liên hệ về mặt pháp lý. Nếu chúng ta khởi kiện, đương nhiên bằng chứng pháp lý đã rõ thì chúng ta sẽ thắng. Chúng ta phải làm, còn việc thi hành án như thế nào thì do thái độ của Trung Quốc. Họ phải có hiệp định về trợ giúp tư pháp, đương nhiên họ có trách nhiệm để thi hành. Trong trường hợp họ không làm, chứng tỏ họ đã đồng lõa với việc đó”, ông Ngữ khẳng định.

Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, cho rằng sẽ sát cánh cùng với gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa để làm các thủ tục pháp lý kiện Trung Quốc. Bà Hoa cũng đồng tình và khẳng định sẽ tham khảo các cơ quan liên quan để kiện Trung Quốc.

Bằng chứng tố cáo hành động của Trung Quốc

Nói về tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm vừa được trục vớt lên bờ, ông Đặng Công Ngữ cho rằng, mấy ngày hôm nay, ông cũng đã suy nghĩ, đồng thời đề xuất Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa là sau khi thực hiện xong thủ tục pháp lý thì UBND huyện Hoàng Sa phải có giải pháp làm chủ sở hữu con tàu này.

Mục đích chủ yếu là để làm bằng chứng tố cáo hành động của Trung Quốc, vừa là tố cáo hành động cụ thể đã gây ra sự việc đối với con tàu, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người dân; cùng với đó, tố cáo việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc là trái phép, là vi phạm chủ quyền Việt Nam.

“Đưa tàu này vào trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa để tố cáo hành động vô nhân đạo của Trung Quốc, để mọi người nhận thấy rằng, đây là thái độ, hành vi, hành xử của Trung Quốc khi ngang nhiên xâm chiếm lãnh hải, ngang nhiên xúc phạm quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam”, ông Ngữ bức xúc cho biết.

Ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, khẳng định: Dưới góc độ của UBND huyện Hoàng Sa, sau khi bà Huỳnh Thị Như Hoa hoàn thành thủ tục khởi kiện Trung Quốc, UBND huyện sẽ xin chủ trương thành phố và bàn bạc với gia đình bà Hoa để chuyển nhượng lại cho UBND huyện Hoàng Sa con tàu nhằm trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa - công trình sẽ khởi công thời gian tới. “Con tàu sẽ là hình ảnh chân thực, sinh động để người dân và du khách trong và ngoài nước cảm nhận về tinh thần quả cảm của ngư dân Việt Nam, về hành động dã tâm của tàu Trung Quốc”, ông Võ Công Chánh nói.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

 

;
.
.
.
.
.