.

Tàu Trung Quốc lại tấn công ngư dân

.

Hai tàu Trung Quốc liên tục vây ép, phun vòi rồng vào một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa suốt hơn một giờ. Chỉ khi tàu kiểm ngư của Việt Nam xuất hiện thì tàu Trung Quốc mới chịu bỏ đi.

Các ngư dân chỉ những vết va chạm trên thân tàu cá QNg 90567 sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào - Ảnh: Trần Mai
Các ngư dân chỉ những vết va chạm trên thân tàu cá QNg 90567 sau khi bị tàu Trung Quốc đâm vào - Ảnh: Trần Mai

Ngày 3-6, tàu cá QNg 90567 của chủ tàu kiêm thuyền trưởng Nguyễn Tấn Cu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cập cảng Sa Kỳ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tàu QNg 90567 ở đuôi mạn phải bị tông gây rạn nứt nhiều vết, nhiều ngư cụ trôi xuống biển, bị hỏng. 14 ngư dân mệt mỏi, phờ phạc sau chuyến biển dài với con tàu mang nhiều vết thương, khuôn mặt rám nắng vẫn chưa nguôi sự tức giận.

Ngư dân Trương Lục (39 tuổi) bức xúc: “Lúc đó, nếu anh Cu không nhanh tay bẻ lái, sự việc giờ chẳng biết như thế nào. Có khi tàu này cũng chung cảnh chìm như tàu ĐNa 90152 rồi”.

Cố tình đâm chìm tàu

Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Cu kể lại: 8g ngày 5-5, khi tàu đang đánh bắt ở đảo Tri Tôn, cách nơi giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép khoảng 6 hải lý, bất ngờ hai tàu Trung Quốc số hiệu 4001 và 37101 lao tới rượt đuổi hơn 30 phút. Anh em kiên trì chạy tránh né.

Sau đó, tàu 4001 chạy song song tiếp tục kè, còn tàu 37101 lùi về phía sau. Bất ngờ tàu 37101 tăng tốc rất nhanh, tông trực diện vào tàu cá. Ngay lập tức, tàu cá bẻ lái tránh nên chỉ bị tông phía đuôi mạn phải. Anh Cu nói thêm: “Rõ ràng họ cố tình tông vào tàu cá chứ không phải va quẹt bình thường”.

Sau khi tàu QNg 90567 tránh được cú tông đó, tàu Trung Quốc số hiệu 37101 tăng tốc đi song song, tiếp tục cùng tàu 4001 ép tàu cá vào giữa.

Tàu 37101 phun vòi rồng xối xả về phía tàu cá hơn 40 phút. Vừa chống lại “bom nước”, vừa phải tránh không cho tàu áp sát, va quẹt, các ngư dân phải dùng những vật dụng che chắn trên tàu để bảo vệ cửa kính cabin, bảo đảm tầm nhìn để thuyền trưởng Cu chạy tàu.

“May là ban ngày, chứ ban đêm thì khó mà thoát được” - anh Cu nói.

Thuyền trưởng Cu cho biết sau hơn một giờ vừa né tránh va chạm, vừa chống đỡ vòi rồng phun mạnh vào cabin thì thấy một tàu kiểm ngư Việt Nam tiến đến. Lúc này tàu Trung Quốc mới rút đi, toàn bộ máy móc, ngư cụ ướt hết, một số rơi xuống biển.

“Họ có chủ ý tấn công mình rõ ràng, phối hợp một tàu kèm, một tàu tông, rồi kẹp tàu cá ở giữa để dùng vòi rồng tấn công, quyết không cho tàu chạy thoát” - anh Cu phân tích.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND xã, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu - cũng nói: “Nhìn những vết trầy méo mó ở đuôi tàu, có thể thấy tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu của ngư dân mình. Đây là hành động không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ cho tàu đi theo đoàn để có thể hỗ trợ nhau khi gặp sự cố ở Hoàng Sa”.

Sẽ kiện Trung Quốc

Hôm qua, ông Nguyễn Quốc Chinh - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) - cho biết sẽ gửi đơn kiện Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vì gián tiếp gây thiệt hại về kinh tế, đe dọa tính mạng của ngư dân khi đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo ông Chinh, từ đầu tháng 5-2014, khi CNOOC hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa (gần khu vực đảo Tri Tôn) của Việt Nam đã gây khó khăn cho việc đánh bắt của ngư dân, khiến sản lượng thủy hải sản của các đoàn viên nghiệp đoàn sụt giảm nghiêm trọng (giảm khoảng 1/3 so với trước đó).

Ngoài việc không được đánh bắt trực tiếp tại vùng biển trên, các tàu cá của Việt Nam trên đường đi đánh bắt hoặc trở về bờ phải đi vòng tránh các tàu Trung Quốc nên hao tổn nhiên liệu nhiều hơn.

Nghiêm trọng hơn, từ khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, hơn 10 tàu cá của Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận bị các tàu Trung Quốc tấn công cướp tài sản, phá hủy các thiết bị liên lạc, bị đâm chìm, gây tổn hại về tinh thần và vật chất nặng nề đối với các ngư dân và gia đình.

“Chính các tàu tham gia bảo vệ giàn khoan của CNOOC gây nên. CNOOC phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại của ngư dân và phải rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để ngư dân trở lại đánh bắt bình thường” - ông Chinh khẳng định.

Lo lắng sự an toàn của ngư dân trên biển

Sáng 3-6, phát biểu tại diễn đàn “Phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung” diễn ra tại Hội An (Quảng Nam), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Chính phủ rất lo lắng cho sự an toàn của ngư dân.

Phó thủ tướng nói: “Trong những ngày qua Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế khu vực. Tàu cá ngư dân bị xua đuổi, thậm chí bị đâm chìm, chúng ta kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. Kêu gọi quốc tế để biết rằng chúng ta đang đấu tranh hòa bình, nhưng chúng ta cũng lo lắng cho ngư dân về sự an toàn. Từ bao đời nay, Hoàng Sa là ngư trường truyền thống, nhưng nay đang bị đe dọa bởi việc Trung Quốc kéo giàn khoan trái phép cùng việc vẽ đường lưỡi bò”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa cho ngư dân bảo vệ biển đảo. “Chúng ta có trung tâm nghề cá, việc đầu tư còn hạn chế. Tôi đề nghị lập trung tâm ngư trường, Chính phủ đầu tư trọng tâm sau đó mở rộng ra trên toàn quốc” - ông Tuấn nói. Cùng ý tưởng với ông Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh nhấn mạnh: “Nên cho vay đầu tư nhiều hơn nữa để ngư dân có điều kiện đóng mới tàu thuyền, vừa đánh bắt xa bờ, vừa đảm bảo an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền”.

TTO

;
.
.
.
.
.