.

Tàu vỏ sắt vươn khơi

.

“Bình thường chúng tôi không có lịch trình dày đặc như vậy, nhưng vì trong giai đoạn ngư dân cần mình để bám biển Hoàng Sa nên chúng tôi quyết tâm ra khơi liên tục để chở hải sản và cung cấp nhu yếu phẩm cho bà con ngư dân”, anh Lê Văn Sang (29 tuổi, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu), thuyền trưởng tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung có công suất gần 1.200CV, cho biết.

Tàu vỏ sắt hiện đại Việt Nam được gia đình anh Sang đầu tư vừa hạ thủy tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). (ảnh do gia đình Lê Văn Sang cung cấp)
Tàu vỏ sắt hiện đại Việt Nam được gia đình anh Sang đầu tư vừa hạ thủy tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). (ảnh do gia đình Lê Văn Sang cung cấp)

Theo anh Lê Văn Sang, từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta, anh thường xuyên cho tàu công suất lớn nhất miền Trung của mình ra khơi để cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và thu mua hải sản cho ngư dân. Cường độ làm việc theo như Sang là phải gấp đôi bình thường. “Em nói với các thuyền viên rồi, mình phải nỗ lực vượt qua khó khăn để giúp ngư dân yên tâm bám biển”, thuyền trưởng Sang nhắn nhủ. Theo đó, ngày 3-5, Sang cùng 7 thuyền viên ra Hoàng Sa. Trở về sau 4 ngày, tàu chở gần 40 tấn hải sản thu mua từ gần 10 chủ tàu cá đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. “Họ rất cần đưa hải sản về đất liền để bán, vừa kiếm lời, vừa để có thời gian bám biển Hoàng Sa dài ngày”, anh Sang cho biết.

Trở về từ chuyến biển đầu tiên từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, anh Lê Văn Sang quyết định cho tàu ra khơi và vào đất liền liên tục. Chỉ tính riêng trong tháng 5, tàu của anh 10 lần ra khơi, chở về hơn 300 tấn hải sản, cung cấp hơn 100 tấn nhiên liệu, nhu yếu phẩm các loại cho ngư dân. 10 ngày đầu tháng 6, Sang cho tàu ra khơi thêm 3 chuyến, chở về gần 90 tấn hải sản…

Còn rất trẻ nhưng Lê Văn Sang đã có hơn 10 năm làm nghề biển. Điều làm cho hàng nghìn ngư dân thành phố Đà Nẵng này phải khâm phục là anh đang sở hữu hai tàu hậu cần nghề cá có công suất lớn, trong đó có tàu lớn nhất khu vực miền Trung với công suất 1.195CV. Tuy nhiên, điều làm cho người ta khâm phục hơn, đó là Sang cùng với anh rể của mình đang sở hữu con tàu vỏ sắt hiện đại do gia đình đầu tư vừa mới hạ thủy tại Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).

Sang tiết lộ, tàu có công suất gần 800CV, dài hơn 25 mét, rộng hơn 7,5 mét. “Đây là tàu vỏ sắt hiện đại của Việt Nam hiện nay, với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ đồng. Trên tàu có đầy đủ các thiết bị định vị, máy ướp lạnh, có thể chuyên chở gần 200 tấn hải sản các loại và chịu sức gió gấp đôi tàu vỏ gỗ”, anh Sang cho biết. Khi con tàu này ra khơi, sẽ làm lợi rất nhiều, bởi nó sẽ hạn chế tiêu hao nhiên liệu, hiệu quả khai thác cao hơn, có thể chịu được ảnh hưởng của bão. Đặc biệt, có thể chịu được sự va đâm của tàu Trung Quốc. Trong khi đó, công nghệ bảo quản hải sản rất hiện đại sẽ bảo đảm được chất lượng, giá thành hải sản khi trở về đất liền. “Tuy công suất không lớn nhưng hiệu quả rất cao. Nếu đóng tàu vỏ sắt mà chỉ nghĩ đến công suất, không nghĩ đến hiệu quả kinh tế thì sẽ thất bại”, anh Sang chia sẻ.

Tàu vỏ sắt này mới chỉ là thử nghiệm của hai anh em. “Khi gói tín dụng 10.000 tỷ đồng của Chính phủ được triển khai, tôi sẽ vay để đóng thêm 2 tàu vỏ sắt. Trước mắt sẽ đóng thêm tàu vỏ sắt phục vụ đánh bắt xa bờ, sau đó sẽ đóng thêm tàu hậu cần”, anh tiết lộ.

NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.