.

Thất bại của Trung Quốc trong ý đồ tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa

.

Sau khi hoàn thành chiếm đóng Việt Nam và ký kết các công ước 1885, 1887, 1895 với nhà Thanh, Chính phủ Pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác biển đảo của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer soạn thảo xong dự án xây dựng hải đăng ở đảo Hoàng Sa để phục vụ lưu thông trên Biển Đông, nhưng không triển khai được vì thiếu hụt kinh phí(1). Báo La Nature cho rằng: “Chính phủ Pháp đã thiết lập sự đô hộ của họ đối với An Nam mà những hòn đảo này thuộc lãnh thổ của An Nam, nên Pháp có quyền sở hữu và trách nhiệm coi sóc đối với lãnh thổ mới này”(2).

							Chào cờ trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Mỹ Hạnh
Chào cờ trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Mỹ Hạnh

Ngày 3-7-1907, Nhật Bản chiếm Đông Sa (Pratas), nhưng đến ngày 7-10-1907, Nhật Bản trao trả Đông Sa cho Trung Quốc sau khi nhận được số kinh phí bồi hoàn khá lớn. Sự kiện này khiến nhà cầm quyền ở nam Trung Quốc lưu tâm đến các đảo trên Biển Đông. Năm 1909, chính quyền Quảng Đông lập một ủy ban quản lý vùng và lệnh cho Đô đốc Lý Chuẩn tiến hành khảo sát trái phép ở Hoàng Sa của Việt Nam.

Sự kiện quân đội Thanh triều đổ bộ Hoàng Sa diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, nên nhanh chóng chìm vào quên lãng sau cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911). Trong khi đó, hải quân Pháp vẫn thường xuyên tuần tiễu các vùng biển để giữ an ninh và trợ giúp các tàu thuyền bị đắm, đồng thời đề xuất việc lắp đặt đài radio TSF, trạm quan sát thời tiết, hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa(3).

Bất chấp việc thực thi thường xuyên chủ quyền của Pháp trên vùng biển Việt Nam, ngày 30-1-1921, chính quyền nam Trung Quốc quyết định sáp nhập hành chính quần đảo Hoàng Sa vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông. Hành động của Trung Quốc chỉ diễn ra trên giấy nhưng đây là hành vi nghiêm trọng, nên ngày 8-3-1921, Toàn quyền Đông Dương tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp. Ngày 3-3-1925, Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề của Nam Triều gửi văn thư khẳng định: “Các đảo nhỏ đó bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam, không có sự tranh cãi trong vấn đề này”(4).

Năm 1931, chính quyền địa phương ở nam Trung Quốc tự ý ban quyền khai thác phân chim tại quần đảo Hoàng Sa cho Công ty Anglo - Chinese Development, lập tức trong các ngày 4-12-1931 và 24-4-1932, Pháp liên tiếp phản kháng Chính phủ Trung Quốc về ý định đó của chính quyền Quảng Đông(5) và đến ngày 29-4-1932 thì thông báo chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa cho phía Trung Hoa Dân Quốc(6). Không chỉ vậy, ngày 15-6-1932, Pháp thiết lập Đại lý hành chính Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên(7) và sáp nhập về mặt hành chính quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa từ ngày 21-12-1933(8).

Về phía Nam triều, ngày 30-3-1938, Hoàng đế Bảo Đại ký Dụ cho “tháp nhập các cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên”(9), cử một đơn vị lính bảo an người Việt ra trấn đóng các đảo ở Hoàng Sa (6-1938) và một tấm bia chủ quyền được chính quyền Pháp - Nam dựng lên trên đảo Hoàng Sa khắc dòng chữ Pháp: “Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - Đảo Hoàng Sa 1938”.

"…Vì cần phải dứt khoát lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa…"

Trích: Tuyên bố của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị San Francisco (1951)

Sau năm 1945, trong lúc Chính phủ Hồ Chí Minh đang bận tập trung toàn lực để giải quyết nạn đói, nạn “dốt” và giặc ngoại xâm, thì ngày 26-10-1946, Trung Hoa Dân Quốc đưa 4 chiến hạm chở một số đại diện và 59 binh sĩ xuống Hoàng Sa. Ngày 29-11-1946, hai chiến hạm Vĩnh Hưng và Trung Kiên đổ bộ lên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, hai chiến hạm Thái Bình và Trung Nghiệp đến Trường Sa.

Hành động phi pháp của Trung Hoa Dân Quốc bị Chính phủ Pháp phản đối quyết liệt, và ngày 17-10-1947, Pháp điều thông báo hạm Tonkinois ra Hoàng Sa yêu cầu binh lính Trung Quốc rút khỏi các đảo. Tiếp đó, Pháp điều thêm một phân đội lính Pháp và lính Việt Nam ra trú đóng trên đảo Hoàng Sa, hai bên tiến hành các cuộc thương lượng tại Paris từ ngày 25-2 đến 4-7-1947. Pháp đặt vấn đề nhờ trọng tài quốc tế giải quyết nhưng Trung Hoa Dân Quốc từ chối. Không chỉ thế, đến ngày 1-12-1947, Bộ Nội vụ của Trung Hoa Dân Quốc đơn phương công bố hai quần đảo này thuộc về lãnh thổ của mình và đặt tên riêng cho chúng(!).

Ngày 8-3-1949, chính quyền Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng được thành lập, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đang do Pháp kiểm soát. Tháng 4-1949, trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn, Đổng lý Văn phòng là Hoàng thân Bửu Lộc công khai khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đã có từ lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(10).

Sau sự kiện ngày 1-10-1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Trung Hoa Dân Quốc chạy ra đảo Đài Loan, và đến tháng 4-1950 thì rút quân khỏi đảo Phú Lâm của Việt Nam. Lính Pháp và lính Quốc gia Việt Nam vẫn tiếp tục đồn trú ở đảo Hoàng Sa. Ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam qua đại diện là Thủ hiến Trung phần Phan Văn Giáo.

Tham vọng đầu tiên về Hoàng Sa và Trường Sa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thể hiện trong Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai ngày 15-8-1951 là Trung Quốc “có chủ quyền không thể xâm phạm” đối với các đảo và quần đảo trên Biển Đông, nhưng lại không hề đưa ra được bất kỳ bằng chứng lịch sử hay cơ sở pháp lý đáng kể nào.

Trong khi đó, tại Hội nghị ký kết hòa ước với Nhật gồm 51 quốc gia Đồng minh tham dự ở San Francisco (Mỹ) từ ngày 5-9 đến 8-9-1951, ngày 7-9-1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Quốc gia Việt Nam long trọng tuyên bố: “Để dập tắt tất cả những mầm mống tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Lời xác nhận của phái đoàn Việt Nam được ghi vào văn kiện của hội nghị với đa số tán thành và không hề có một phản ứng chống đối hay một yêu sách nào của tất cả các quốc gia tham dự. Ngày 8-9-1951, trong điều 2 đoạn 7 của Hòa ước ghi rõ: “Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”(11).

Đến Hội nghị Genève năm 1954 bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương với sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, các nước tiếp tục tuyên bố cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Những dẫn giải trên đã khẳng định Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý quốc tế hết sức vững chắc về chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, còn Trung Quốc thì hoàn toàn thiếu cơ sở và đã thất bại về pháp lý. Điều đó giải thích vì sao Trung Quốc từ sau năm 1954 luôn muốn chuyển sang dùng biện pháp bạo lực, chiếm đóng quân sự trong âm mưu tranh chấp với Việt Nam ở hai quần đảo này, kéo dài cho đến nay.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN


(1) Báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933. Tài liệu lưu trữ của Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa. Dẫn theo Đinh Kim Phúc, “Chính phủ Pháp ở Đông Dương có liên tục thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa trong giai đoạn 1909 - 1945 hay không?”, http://www.tinbiendong.com.

(2) Báo La Nature số 2916 ngày 1-11-1933, tài liệu đã dẫn.

(3) Indochine, Rapports au Conseil de gouvernement, 1917. Dẫn theo Đinh Kim Phúc, tài liệu đã dẫn.

(4) Gustave Salé, “Les Iles Paracels et la Sécurité en Extrême-Orient”, Avenir du Tonkin, (N0 10495), 17-4-1931, p. 2 và E. Saurin, “A propos des Galets Exotiques des Iles Paracels”, Archives Géologiques du Vietnam, I.N.D.E.O, Saigon, N0 4, 1957, p. 9. Dẫn theo Đinh Kim Phúc, tài liệu đã dẫn.

(5) “Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - lãnh thổ Việt Nam”, http://truongnhantuan.ifrance.com/hoangsa-truongsa-chxhcnvn.htm.

(6) Theo Urano Tatsuno, International Conflit over the South China Sea (Nankai shotoo Kokusai Fusooshi), Tosui Shobo Publishers, 1997. Dẫn theo Đinh Kim Phúc, tài liệu đã dẫn.

(7) Nghị định Toàn quyền Đông Dương số 156-SC ngày 15-6-1932 về thiết lập tổ chức hành chính ở quần đảo Hoàng Sa.

(8) Nghị định số 4702-CP, ngày 21-12-1933 của Thống đốc Nam Kỳ, do M.J. Krautheimer ký.

(9) Dụ số 10 của Hoàng đế Bảo Đại ký vào 30-3-1938 (nhằm ngày 29-2 năm Bảo Đại thứ 13).

(10) Nhóm phóng viên Biển Đông, “Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam giai đoạn 1945-1954”, http://vitinfo.vn/MMuctin/Quocte/ LA90404/default.html.

(11) Nhóm phóng viên Biển Đông, tài liệu đã dẫn.

;
.
.
.
.
.