Bài toán thu hút, đào tạo và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực chất lượng cao được đặt ra trong buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ với Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2015 (gọi tắt là Ban chỉ đạo) vào chiều 11-6.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng chúc mừng các học viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài thuộc Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Bài toán thu hút và đào tạo
Mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị Ban Chỉ đạo giải quyết bài toán giữa thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, nên hay không nên tiếp tục đầu tư nhiều tỷ đồng vào việc gửi một học viên đi học ở nước ngoài nhưng vẫn mơ hồ về kết quả tri thức, đạo đức mà học viên thu về sau quá trình đào tạo. Trong khi đó, cũng với số tiền như vậy, thậm chí ít hơn, thành phố có thể thu hút được đội ngũ cán bộ giỏi, năng lực, trình độ và đạo đức đã được thực tế trả lời.
Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông bày tỏ trăn trở về chất lượng nguồn lực đào tạo tại nước ngoài. Theo ông, trong số những học viên Đề án 922 về làm việc tại Sở Thông tin và Truyền thông, chỉ 20% học viên làm việc hiệu quả, 80% còn lại có năng suất làm việc ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn người được đào tạo trong nước. "Lực lượng lao động mà chúng tôi cần và đang thiếu là những người có thể làm công việc cụ thể liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT) chứ không cần thêm người học về quản lý CNTT. Xác suất đào tạo trúng ngành nhưng lệch nghề hiện nay là rất lớn”, ông Nguyễn Hoàng Cẩm khẳng định.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH chia sẻ về trường hợp nhận một học viên đào tạo nước ngoài theo Đề án 922, ngành kế toán. Toàn bộ kiến thức, kỹ năng học viên này nhận được đều liên quan đến hạch toán kế toán nước ngoài, hoàn toàn không liên quan đến hệ thống kế toán của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc học viên phải bắt đầu học lại từ đầu, lãng phí thời gian, công sức. Từ thực tế này, ông đề nghị thành phố chỉ nên cử học viên đi đào tạo những ngành nghề thiên về kỹ thuật. Những ngành nghề chỉ tồn tại trong hệ thống nước ngoài, không áp dụng được ở môi trường Việt Nam như kế toán thì không nên cử học viên theo học.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT kiêm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đề nghị lãnh đạo thành phố cho phép không đào tạo 10-15 dự nguồn hiệu trưởng ở nước ngoài, thay vào đó là đào tạo trong nước. Điều này sẽ tiết kiệm được kinh phí từ 70-80%, giảm áp lực về mặt bổ nhiệm nếu cá nhân đó không đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, lãnh đạo và ngoại ngữ.
Xuất phát từ thực tế, hầu hết các thành viên của Ban Chỉ đạo đều đồng tình với việc xây dựng kế hoạch thu hút nhân tài cụ thể, ngoài việc yêu cầu về bằng cấp, có mô tả về vị trí công tác, tính chất công việc, yêu cầu về chuyên môn, phẩm chất, năng lực đối với người cần thu hút. Trong thời gian đến, cần tiến hành thu hút theo phương thức “săn đầu người”, xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân tài trong nước và nước ngoài để chủ động trong việc tiếp cận, phổ biến chính sách thu hút và vận động nhân tài về làm việc tại thành phố.
Học viên chưa được sử dụng hết khả năng
Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao cho biết, việc tiếp nhận và bố trí học viên Đề án 922 về các đơn vị vẫn còn nhiều bất cập, vẫn có tình trạng ép đơn vị nhận học viên trong khi chưa có nhu cầu thực sự. Học viên học chuyên sâu tại nước ngoài về công nghệ Nano nhưng lại được đầu quân về Ban quản lý Khu công nghệ cao làm công tác quản lý Nhà nước là ví dụ được ông Huỳnh Anh nêu ra.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, người được học và làm việc gắn chặt với công tác chuyên môn, nghiên cứu sâu thì chỉ có môi trường nghiên cứu mới là môi trường phù hợp nhất. Tiến sĩ công nghệ Nano phải được làm việc tại các phòng thí nghiệm, đại học Bách khoa hay các bộ phận thiên về nghiên cứu để phát triển hơn nữa, để đưa ra các phát minh, sáng chế phục vụ đời sống. “Để tiến sĩ Nano làm quản lý thì cũng đồng nghĩa với việc đồng tiền đầu tư của thành phố đang ngày bị mai một, lãng phí”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nêu thực trạng học viên được cử đi đào tạo bài bản ở nước ngoài nhưng công việc bố trí chưa sử dụng hết khả năng. Theo ông, chính sách trong tương lai phải tập trung vào các ngành nghề theo định hướng của thành phố như du lịch, y tế, công nghệ cao, và gắn liền với yêu cầu của các sở, ban, ngành để có thể sử dụng hết tri thức mà người lao động lĩnh hội trong môi trường đạo tạo ở nước ngoài, xứng đáng với số tiền mà thành phố đã đầu tư.
Đại diện cho Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Đình Vĩnh đề nghị hạn chế, thậm chí tạm hoãn việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này, bởi Đà Nẵng là thành phố đã có thương hiệu, ở bất kỳ bộ môn nào, khi thông báo tuyển chỉ tiêu thì ngay lập tức nhận được nhiều hồ sơ thuộc diện “tinh hoa” của đất nước, được đào tạo rất bài bản. Với nguồn lực dồi dào, khát khao được cống hiến, làm việc tại Đà Nẵng này thì thành phố không nhất thiết phải chi tiền để thu hút. Đối với những trường hợp đặc biệt cần phải thu hút lực lượng thạc sĩ, tiến sĩ cực giỏi về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì Sở sẽ có văn bản riêng trình lãnh đạo thành phố.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đánh giá cao những thành tựu mà Đề án và Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã làm được trong thời gian qua, góp phần xây dựng nên lực lượng cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo tại nước ngoài có khả năng tiếp cận nhanh khoa học, công nghệ mới, có năng lực quản lý, điều hành hiện đại, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Đề án đã cung ứng đội ngũ nhân lực cần thiết, được đào tạo bài bản, góp phần hỗ trợ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ giao cho Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ tiêu thu hút và đào tạo cụ thể sao cho sát thực tế, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng ngành, từng năm. Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Ban Chỉ đạo cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp liên kết phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giữa khu vực công và khu vực tư, để lực lượng này có thể phục vụ mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố chứ không chỉ khoanh vùng trong lĩnh vực công.
Bài và ảnh: MAI TRANG