Chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn “Hát với biển đảo Hoàng Sa” được tổ chức trên tàu cảnh sát biển 4033 giữa biển trời Hoàng Sa với sự chứng kiến của khán giả là những phóng viên Việt Nam và nước ngoài.
Tiếng hát Vì nhân dân quên mình, Tổ quốc gọi tên mình... cùng vang lên trên boong tàu cảnh sát biển 4033 - Ảnh: My Lăng |
4g ngày 15-6. Trời vừa ráo mưa. Mặt boong vẫn còn loang loáng nước được các cảnh sát biển lau sạch. “Sân khấu” là khu vực boong tàu rộng 15-20m2. “Phông nền” là tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam vẽ trên giấy báo tường dán lên trên bạt phủ bệ pháo với dòng chữ: TÀU CẢNH SÁT BIỂN 4033, HÁT VỚI BIỂN ĐẢO HOÀNG SA.
Tấm bản đồ ấy đơn giản nhưng rất đặc biệt bởi nó được vẽ vội ngay trên con tàu đang trực tiếp làm nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan. Đặc biệt còn vì ở vị trí hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trên bản đồ đầy ắp chữ ký của các sĩ quan, thủy thủ trên tàu 4033 và các khách là phóng viên trong nước và ngoài nước. Đại tá Võ Văn Kính (phó chính ủy Vùng cảnh sát biển 2) đã hoàn thành bản đồ trong giờ nghỉ trưa để kịp dành cho các vị khách món quà bất ngờ trước ngày tiễn họ về đất liền.
MC chính là đại tá Võ Văn Kính. Anh giới thiệu ngắn gọn về lý do tổ chức buổi giao lưu “Hát với biển đảo Hoàng Sa” rồi lần lượt giới thiệu hết tên của các phóng viên Việt Nam và sáu phóng viên nước ngoài (Qatar, Nhật Bản, Pháp, Singapore). Sau đó là những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” với màn mở đầu là bài hát Vì nhân dân quên mình của tốp ca thủy thủ toàn tàu 4033 vừa mới được tập trước đó mấy phút.
Giữa biển trời Hoàng Sa mênh mông, tiếng hát cất lên, át đi tiếng gió đang ầm ào: “Vì nhân dân quên mình/Vì nhân dân hi sinh... Thề tranh đấu suốt đời vì nhân dân” (bài hát Vì nhân dân quên mình), “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả... Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình, bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá. Sóng cuồn cuộn nên dáng hình đất nước/Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau. Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi...” (bài Tổ quốc gọi tên mình)...
Tiếng hát người lính cất lên, giữa lúc con tàu trọng tải 400 tấn cứ lắc lư vì sóng. Các cảnh sát biển và các phóng viên cùng ngồi bệt trên boong, vai sát vai, cùng vỗ tay, cùng cười reo dù có cách biệt về ngôn ngữ. Vì quá thích thú và phấn khích, các phóng viên nước ngoài liên tục chụp ảnh, quay phim. Hai phóng viên người Pháp hào hứng đứng lên hát bài dân ca Pháp tặng cho toàn tàu.
Ðại tá Võ Văn Kính còn ngẫu hứng đọc bài thơ Nỗi nhớ Hoàng Sa mà anh vừa sáng tác trong chuyến đi này. Kết thúc buổi giao lưu văn nghệ là bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, các vị khách nước ngoài cũng hô to “Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!” đầy hào hứng. “Khi đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ đợt đầu, chúng tôi đã ấp ủ muốn tổ chức một chương trình giao lưu văn nghệ ngay giữa biển trời Hoàng Sa, tạo ra một không gian vừa rộng lớn, vừa gần gũi, hát giữa trời giữa biển Tổ quốc.
Ðây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức và rất cảm động vì chương trình đơn giản nhưng ai cũng thích, kể cả những phóng viên nước ngoài. Một người lúc chia tay cứ nói với tôi rằng rất thích chương trình này, đơn giản nhưng ý nghĩa lắm” - đại tá Võ Văn Kính cho biết.
TTO