.

Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông thêm phức tạp

.

Trong lúc vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 vẫn chưa được đưa ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc lại có thêm hàng loạt hành động khiến tình hình phức tạp hơn, như: đưa thêm giàn khoan Nam Hải 9 vào vùng biển chưa được phân định, phát hành bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp.

Ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Kiên quyết phản đối bản đồ “nuốt chửng” Biển Đông

Đó là khẳng định của ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại buổi họp báo thường kỳ chiều 26-6 tại Hà Nội.

Ông Lê Hải Bình cho biết, ngày 18-6, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo về sự di chuyển của giàn khoan Nam Hải 9. Đến ngày 21-6, các cơ quan Việt Nam phát hiện giàn khoan di chuyển đến vị trí như Trung Quốc thông báo.

Ngày 24-6, Cục Hải sự Trung Quốc tiếp tục thông báo tàu khảo sát thăm dò vật lý địa cầu sẽ hoạt động ở biển Đông từ ngày 23-6 đến 20-8.

Khu vực mà giàn khoan Nam Hải 9 và tàu khảo sát hoạt động nằm trong vịnh Bắc Bộ, vùng biển chưa được phân định của Việt Nam và Trung Quốc.

“Không bên nào được hoạt động trong vùng biển chưa được phân định”, ông Lê Hải Bình nói, đồng thời nhấn mạnh những hành động này diễn ra ngay sau khi Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Về việc Trung Quốc còn phát hành bản đồ khổ dọc trong đó có đường 9 đoạn, bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vì yêu sách đường lưỡi bò bị nhiều nước trong khu vực và thế giới phản đối. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có nhiều hành động đơn phương khác làm thay đổi hiện trạng ở các vùng tranh chấp, như việc xây dựng trường học và nhà công vụ trên đảo Phú Lâm, tiếp tục hoạt động xây dựng trái phép trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam trái phép.

Họp báo diễn ra chiều nay, 26-6.
Họp báo diễn ra chiều nay, 26-6.

“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động nói trên, tuân thủ luật pháp quốc tế, Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC), Công ước LHQ về Luật Biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình”, ông Lê Hải Bình nói.

Bình luận về việc trong chuyến thăm Việt Nam của ông Dương Khiết Trì, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đồng ý sẽ sớm ổn định tình hình trên biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn liên tục có thêm hành vi khiêu khích, ông Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi nhiều lần khẳng định rằng, để giải quyết vấn đề, cả hai bên đều phải có thiện chí. Khi một bên ngày càng ngang ngược hành động đơn phương, tình hình sẽ không được giải quyết mà sẽ càng phức tạp hơn”.

Trung Quốc huy động tàu chiến vây quanh giàn khoan

Cũng tại buổi họp báo, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, từ 16 đến 25-6, Trung Quốc thường xuyên sử dụng từ 109 đến 125 tàu thuyền các loại bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, trong đó có 4-6 tàu chiến.

Hiện nay, tàu chiến Trung Quốc gồm tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh và tàu quét mìn.

Ngoài ra, họ huy động 33-43 lần chiếc tàu hải tuần, tàu kéo… phục vụ giàn khoan cũng như bảo vệ giàn khoan cùng hàng chục tàu cá hoạt động ngoài xa để bảo vệ…

Về thủ đoạn hoạt động, nếu như trước đây, Trung Quốc không dùng tàu kéo thì nay họ tích cực dùng tàu kéo để kèm chặt hai mạn, tạo điều kiện để tàu khác đâm tàu Việt Nam. Trước, họ dùng tàu Hải cảnh đâm, thì tàu Trung Quốc cũng bị móp méo. Dùng tàu kéo đâm thì tàu của họ sẽ không bị hư hại.

Đồng thời với tàu công vụ, Trung Quốc tiếp tục sử dụng máy bay, trong đó có máy bay trinh sát, tiêm kích, trực thăng, sử dụng độ cao thấp khoảng 300m để uy hiếp tàu Việt Nam và nắm tình hình.

Ngoài ra, tàu cá Trung Quốc tiếp tục ngăn cản việc đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng đánh cá truyền thống cách  giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 30 hải lý, buộc ngư dân VN rời ngư trường.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc không dùng tàu quân sự bảo vệ giàn khoan, tuy nhiên, ông Thu khẳng định tàu quân sự Trung Quốc thường xuyên có mặt ở hiện trường, tổng cộng đã có 6 loại tàu chiến.

Ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: Chúng tôi bác bỏ thông tin bình luận về phát ngôn của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc rằng tàu Việt Nam quấy rối, chủ động đâm va vào tàu Trung Quốc.

Các tàu cá của Việt Nam cũng như tàu kiểm ngư, cảnh sát biển hoạt động trên vùng biển Việt Nam là hoàn toàn bình thường theo luật pháp quốc tế.

Từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam, các tàu Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc đâm va, dùng biện pháp manh động để cản trở. Các hành động này là chủ động, có tổ chức, được tính toán trước, cố tình gây thiệt hại cho tàu Việt Nam.

Đã có 27 tàu Kiểm ngư bị đâm va, gây thiệt hại, có 15 kiểm ngư viên bị thương.

Phía Trung Quốc cho rằng sáng 23-6, tàu kéo Việt Nam đi vào vùng tác nghiệp bình thường của Trung Quốc, tôi xin cung cấp thông tin: Khi thực hiện nhiệm vụ, tàu kiểm ngư 951 bị 4 tàu của Trung Quốc chủ động bao vây, đâm va, gây hư hỏng nặng. Hành động này rất manh động, nguy hiểm, có tính toán để gây thiệt hại.

Lúc 9g20 phút, cách giàn khoan 981 khoảng 11,5 hải lý, đã bị hai tàu kéo chủ động áp sát, phun nước. Sau đó tàu kéo Mỹ Liên 09 dùng tốc độ cao đâm vào tàu kiểm ngư Việt Nam, không cho tàu Kiểm ngư vòng tránh, để tàu khác đâm trực diện vào tàu Kiểm ngư Việt Nam.

Tàu Việt Nam đã bị hư hỏng toàn bộ phòng y tế, gây thiệt hại các thiết bị trên tàu.

TPO/TTO

;
.
.
.
.