.

Trường Sa - Đất nước nơi đầu sóng

.

“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa…”. Những lời thơ của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cứ day dứt và vọng mãi trong tôi trong hải trình đến với Trường Sa trong chuyến đi do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân các hoạt động triển lãm tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”.

Thị trấn Trường Sa (thủ phủ của huyện đảo Trường Sa) được bao phủ bởi màu xanh của cây phong ba, bão táp, cây tra, bàng vuông.... Ảnh: Hà An
Thị trấn Trường Sa (thủ phủ của huyện đảo Trường Sa) được bao phủ bởi màu xanh của cây phong ba, bão táp, cây tra, bàng vuông.... Ảnh: Hà An

Hành trình trên đảo

Đoàn chúng tôi gồm 181 thành viên xuất phát từ cảng Cam Ranh trên con tàu HQ-561. Hành trình ra đảo lần này có sự góp mặt của 4 đơn vị công tác trong ngành thông tin truyền thông, tuyên giáo, Cục Quân nhu - Tổng cục Hậu cần và 15 người của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ. Tuy mỗi người công tác một lĩnh vực khác nhau nhưng đến với Trường Sa lần này tất cả đều có khát vọng về lòng tự tôn dân tộc, yêu biển khơi và luôn hướng về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ cảng Cam Ranh đến Đá Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Trường Sa Đông, Đá Tây, Trường Sa Lớn, nhà giàn Phúc Tần, Vũng Tàu Cát Lái với hành trình hơn 1.000 hải lý, mỗi nơi đến đều để lại một dấu ấn khó quên đối với các thành viên trong đoàn. Điểm đến đầu tiên - đảo chìm Đá Lớn - để lại cho mọi người nhiều cảm xúc khó quên, bởi nơi đây dẫu có nhiều khó khăn về vật chất nhưng những người lính đảo đều tự hào và quyết tâm bám biển. Tôi gặp trên đảo Đá Lớn B một chàng trai thư sinh, người con của thành phố Tuy Hòa vừa ra đảo tròn 5 tháng nhưng rất vững tin và yêu đời. Còn Nguyễn Văn Hòa, một chiến sĩ mới tăng cường về đảo tâm sự với tôi: Dù máy bay Trung Quốc, tàu nước ngoài xuất hiện và tăng cường trong vùng lãnh hải, nhưng bọn em vẫn luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảo trưởng Phan Văn Huỳnh cũng thể hiện chung quyết tâm ấy, anh bảo, mình luôn vững tin và kiên định một lòng thủy chung với biển thì chẳng sợ gian nguy, kể cả phải hy sinh vì Tổ quốc.

Cuộc sống của người lính trên các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn tuy có nhiều khó khăn, vất vả nhưng vẫn chưa sánh bằng sự thiếu thốn của các chiến sĩ nhà giàn và đảo chìm: Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát… Song, họ đều chung ý tưởng quyết tâm bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc và vượt khó vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Gặp chúng tôi tại nhà giàn DK1/17, anh Nguyễn Minh Thân - người con quê lúa Thái Bình - từng có 15 năm bám biển và từng làm nhiệm vụ qua nhiều nhà giàn. Với anh, biển đảo là cuộc sống, là một thứ gì đó rất đỗi thiêng liêng, bởi vậy mà mỗi lần về đất liền nghỉ phép, anh lại nhớ biển, nhớ đồng đội đến nao lòng.

Với hành trình trên đảo lần này, ngoài các buổi giao lưu, tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo, đoàn còn tặng bản đồ, các thiết bị viễn thông, nghe nhìn đến các đảo, nhà giàn và khai trương các điểm bưu điện tại nhiều điểm đảo. Tại đảo Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng tư liệu và bản đồ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Các tư liệu được trao tặng tại Nam Yết, Sinh Tồn và tại triển lãm gồm các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong đó đáng chú ý là bộ sưu tập gồm 19 châu bản của vương triều Nguyễn, có niên đại từ triều Minh Mạng (1820-1841) đến triều Bảo Đại (1925-1945) phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục dưới triều Nguyễn, do Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) nghiên cứu, tuyển chọn, biên dịch, công bố và do nhà nghiên cứu Phan Thuận An sưu tầm và hiến tặng, 5 văn bản Hán Nôm từ năm Gia Long thứ 2 (1803) đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) ghi lại việc thành lập đội quân ra khảo sát các xứ của Hoàng Sa, 60 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay. 15 văn bản hành chính thuộc Pháp và Việt Nam Cộng hòa về việc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Bên lề cuộc triển lãm, chúng tôi được biết thông tin chính xác: Bộ Thông tin và Truyền thông vừa được một doanh nghiệp tài trợ mua bộ Atlas bản đồ thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827. Hiện tại bộ Atlas đang trên đường chuyển về Việt Nam, được biết đây là một trong những tư liệu quý và cũng là bằng chứng thép làm tăng thêm bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Những chiến sĩ trung kiên

Quá nửa chặng hành trình, chúng tôi đã qua các đảo nổi, đảo chìm với gần 600 hải lý. Ở đâu, chúng tôi cũng có những ấn tượng sâu sắc và tình cảm thân thương dành cho các cán bộ, chiến sĩ. Hôm chia tay các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, khi nghe tiếng phát thanh viên dịu dàng: “Đoàn chúng ta đang tiến dần đến đảo Cô Lin”, ai nấy đều trào dâng một cảm xúc nghẹn ngào.

Tôi đã được thông tin trước khi xuống tàu là hơn 60 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, tôi cũng được biết nhiều người lính đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Các anh người yên nghỉ trong nghĩa trang của đảo, người vĩnh viễn nằm lại trong muôn trùng sóng vỗ, linh hồn các anh đang phiêu du cùng những con sóng bạc đầu.

Trong lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma của hành trình chuyến đi lần này, mọi người bồi hồi nhớ lại về một trận chiến không cân sức nhưng trên hết là tinh thần quyết chiến, quên mình bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc của các chiến sĩ hải quân Việt Nam năm 1988. Lễ tưởng niệm diễn ra trang nghiêm, xúc động làm không ít người trong đoàn rơi lệ. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông  Nguyễn Thành Hưng, Trưởng đoàn công tác cũng không cầm nổi nước mắt. Khói hương tưởng niệm làm mọi người nhớ tới trận chiến năm 1988, khi Trung Quốc đưa quân ra chiếm bãi đá Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Ba đảo này chỉ cách nhau vài hải lý, hợp thành một cụm đảo trong nhóm đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa). Trung Quốc đưa hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu chiến hoạt động ở đây thường xuyên có từ 9 tàu đến 12 tàu gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ và một số tàu hỗ trợ khác như 3 tàu vận tải LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông-tông lớn.

Trận chiến có tất cả 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma. Việt Nam bảo vệ được Cô Lin và Len Đao.

Trong trận chiến ấy, những tấm gương bất khuất, đầy mưu trí như thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, cùng đồng đội chiến đấu kiên cường như Lê Hữu Thảo, Phạm Xuân Trường, Nguyễn Văn Thông... Họ còn đó như những nhân chứng lịch sử cho sự oai hùng và bi tráng và vẫn ngày đêm miệt mài lao động góp sức mình dựng xây Tổ quốc, nêu gương sáng của những người chiến sĩ năm xưa.

Trong cuộc chiến không cân sức, các chiến sĩ của ta chiến đấu chỉ với cuốc, xẻng, xà beng trong tay, trong khi chúng được trang bị súng AK với lưỡi lê lao lên chiếm đảo và giật hạ cờ Việt Nam. Thiếu úy Trần Văn Phương dùng hết sức giữ chắc cột cờ; uy hiếp tinh thần và giằng co mãi không nổi, chúng bất ngờ nổ súng. Trước khi ngã xuống, một tay anh vẫn giữ chắc cột cờ, miệng hô to khẩu hiệu: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”.

Binh nhất Nguyễn Văn Lanh lao vào đỡ lá cờ trên tay Thiếu úy Phương, đá văng khẩu súng trên tay tên sĩ quan Trung Quốc. Một tên lính gần đó đâm lưỡi lê vào binh nhất Lanh. Anh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ. Liền sau đó, tiếng đạn nổ chát chúa, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo. Với Thiếu úy Trần Văn Phương, ngày hy sinh vì Tổ quốc, anh không hề biết mình sắp có một người con gái. Trong trận chiến ấy có đến 15 người con quê hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và 9 người con quê lúa Thái Bình. Sự hy sinh của các anh đã hóa thành mạch nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ, thôi thúc các thế hệ hôm nay có trách nhiệm với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những người lính trong trận chiến Gạc Ma họ đã trở thành bất tử.

Trở về đất liền, khi tôi ngồi viết bài viết này cũng là lúc Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam, làm cho lòng người phẫn nộ và bị thế giới cực lực phản đối. Chúng ta vững niềm tin với quyết sách ngoại giao khôn khéo nhưng cương quyết của Ðảng và Nhà nước, Trung Quốc sẽ phải rút giàn khoan trái phép ra khỏi thềm lục địa Việt Nam. Bởi truyền thống kiên cường, bất khuất, anh hùng của người dân đất Việt cùng đạo lý Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo... của dân tộc Việt Nam luôn là chân lý chiến thắng.

PHẠM CÔNG ĐẢO

;
.
.
.
.
.