.

Từ chuyến đi thực tế

.

Để có những bức ảnh báo chí tốt đi kèm với bài viết hay là ước muốn của một phóng viên. Trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua, tôi may mắn có được những buổi học và chuyến đi thực tế bổ ích cùng các đồng nghiệp đến từ các cơ quan báo của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên trong khóa bồi dưỡng nghiệp vụ “Ảnh báo chí” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng tổ chức. Qua khóa học đó, những phóng viên, biên tập viên như chúng tôi đã có được cái nhìn rõ hơn, chân thực và trách nhiệm hơn đối với mỗi bức ảnh.

Phóng viên các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đang tác nghiệp tại biển Cửa Đại (Quảng Nam).
Phóng viên các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đang tác nghiệp tại biển Cửa Đại (Quảng Nam).

13 giờ 30 một ngày cuối tuần, những phóng viên trẻ chúng tôi đã có mặt tại trụ sở Báo Đà Nẵng để bắt đầu chuyến thực tế về Hội An. Sau hơn 1 ngày được nhà báo Khắc Hường, Trưởng phòng Ảnh, Báo Nhân Dân truyền tải các kiến thức về ảnh báo chí, nhóm phóng viên chúng tôi đã tự tin hơn với những bức ảnh mình sẽ chụp trong buổi chiều đi thực tế này.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là biển Cửa Đại. Vào những ngày hè nên biển rất đông khách du lịch đến tham quan và nghỉ dưỡng. Nhờ thế, chúng tôi được thỏa thích lựa chọn góc chụp để có những bức ảnh đẹp. Nhà báo Khắc Hường nói với chúng tôi: “Nhiều phóng viên cứ trăn trở, tại sao cùng một dòng máy ảnh nhưng người này lại có bức hình tốt, người kia lại không? Đó cơ bản là do chính người chụp ảnh. Trước khi chụp họ phải biết mục đích, ý đồ chụp của mình, đồng thời, phải luôn học hỏi để hiểu về máy ảnh, hiểu về ảnh mình sẽ chụp thì mới có những bức ảnh tốt”.

16 giờ, chúng tôi vào phố cổ Hội An. Mặc dù đã đến đây nhiều lần, nhưng điều hấp dẫn tôi vẫn là những mái nhà cổ phủ đầy rêu xanh và khung cảnh khách du lịch đông nhưng yên bình đến lạ. Phóng viên Phạm Hải (Báo Quảng Nam) cho chúng tôi biết: “Đến Hội An nên ở lại đêm, vì đêm Hội An sẽ trở nên lung linh huyền ảo bởi ánh sáng từ những chiếc đèn lồng. Lúc đó, mình mới cảm nhận được nét đặc trưng của Hội An và có thể lưu lại cho mình những tác phẩm ảnh đẹp”.

Thật đúng vậy, chỉ ở lại Hội An vài giờ đồng hồ nhưng nét cuốn hút của Hội An rất mãnh liệt. Rời Hội An khi phố đã lên đèn, vẫn còn đó giọng rao dân giã của những gánh hàng rong trong phố cổ hòa quyện với điệu hò khoan, bài chòi văng vẳng dưới bến sông…

Ngư dân Quảng Nam thể hiện tài quăng lưới trên sông cho các du khách xem.
Ngư dân Quảng Nam thể hiện tài quăng lưới trên sông cho các du khách xem.

Giá trị ảnh báo chí nằm trong chính sự am hiểu của mỗi phóng viên. Nhà báo Khắc Hường nói như vậy. Ngoài việc làm chủ máy ảnh, xác định được bố cục, phóng viên nên chú tâm vào các chi tiết để chọn được những chi tiết “đắt” cho bức ảnh của mình. Ngoài ra, phóng viên khi chụp ảnh cần chú ý đến hậu cảnh, đừng đứng quá xa, hạn chế để góc nhìn bị nghiêng và phải biết “chớp” được khoảnh khắc để có được các bức ảnh tốt. “Là một phóng viên ảnh không phải cứ nhìn thấy gì là chụp nấy mà phải chụp bằng sự hiểu biết của chính mình, chụp những cái mà người khác không nhìn thấy được. Giá trị của mỗi bức ảnh vì thế không phải bắt nguồn từ cái mà nhà nhiếp ảnh mô tả mà bắt nguồn từ sự am hiểu nó, nhận thức về nó, cách diễn đạt nó cũng như cách tái hiện nó”.

Sau những buổi học cùng chuyến đi thực tế cùng nhà báo Khắc Hường, những phóng viên viết như chúng tôi đã nhận ra rằng: Bấy lâu chúng tôi chỉ để ý đến việc viết bài và “quên” đi giá trị của từng bức ảnh. Nếu mỗi bài viết đi qua, dù hay nhưng cuối cùng chỉ đọng lại là câu chữ, còn hình ảnh trong bài viết mới thực sự có sức mạnh và tạo cảm xúc lớn trong lòng người đọc, người xem. Ngoài những vấn đề từ phía phóng viên thì trên các tờ báo ngày càng thiếu đi những bức ảnh “đinh”, có lẽ một phần cũng do các tờ báo vẫn coi ảnh báo chí như những hình ảnh mang tính minh họa. Vì thế, qua khóa học nghiệp vụ về “Ảnh báo chí”, đội ngũ phóng viên, biên tập viên chúng tôi một lần nữa có cái nhìn đúng hơn về vấn đề ảnh báo chí trên mỗi tờ báo. Và từ đó có những quan tâm, đầu tư phù hợp để mỗi phóng viên đều có thể trở thành “đa năng”, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của công chúng trong thời bùng nổ thông tin như hiện nay.

THANH TÌNH
 

;
.
.
.
.
.