Ngoài trường hợp tàu cá ĐNa 90152 TS của vợ chồng ngư dân Trần Văn Vốn - Huỳnh Thị Như Hoa bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm gây thiệt hại lớn, được rất nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ hàng tỷ đồng để sớm đóng tàu mới đi biển thì hàng trăm ngư dân khác của quận Thanh Khê cũng được hỗ trợ để tiếp thêm niềm tin bám biển.
Hàng nghìn tàu cá neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang đang sẵn sàng ra khơi. |
Mới đây nhất, quận Thanh Khê đã trích ngân sách 103 triệu đồng để hỗ trợ cho 103 ngư dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng hỗ trợ ngư dân Thanh Khê mỗi người 500.000 đồng. Đặc biệt, các doanh nghiệp quan tâm đến đời sống của ngư dân đánh bắt xa bờ đã hỗ trợ hơn 150 triệu đồng, kịp thời động viên ngư dân đưa tàu thuyền ra khơi đánh bắt. Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê Lê Minh Trung, ngay sau sự việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và tàu Trung Quốc cố ý đâm chìm tàu cá của ngư dân Thanh Khê, địa phương tích cực sát cánh cùng ngư dân, tiếp thêm sự tự tin, gan dạ, dũng cảm để từng ngư dân ý thức việc đánh bắt hải sản ở những ngư trường truyền thống trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa sẽ góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, riêng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã hỗ trợ đóng 1 tàu cá với kinh phí hơn 410 triệu đồng, nâng tổng chi phí hỗ trợ từ năm 2012 đến nay hơn 5,54 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ ngư dân xây dựng 9 hầm bảo quản hải sản, nâng cao năng lực khai thác hải sản của tàu cá với kinh phí 400 triệu đồng. Ngoài ra, thành phố đã hỗ trợ 3.132 thẻ bảo hiểm y tế cho thuyền viên làm việc trên các tàu từ 50 CV trở lên với tổng kinh phí hơn 180 triệu đồng.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Tám (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), mặc dù thiên tai gây thiệt hại nặng về người và tàu thuyền, nhưng bằng lòng quả cảm, ngư dân vẫn kiên cường bám biển với nhiều vụ mùa đánh bắt bội thu. “Bây giờ dẫu Trung Quốc có hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế, có những việc làm đi ngược với mong muốn của người dân yêu chuộng hòa bình, có hành vi dã tâm, thô bạo với ngư dân Việt Nam, nhưng chúng tôi quyết giữ biển của mình”, ông Nguyễn Văn Tám khẳng định.
Chính nhờ những hoạt động tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tích cực, kịp thời của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, Mặt trận và các hội, đoàn thể, doanh nghiệp… nên trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Đà Nẵng vẫn diễn ra bình thường. Theo ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng đánh bắt hải sản của Đà Nẵng ước đạt gần 23.000 tấn, đạt 65% kế hoạch cả năm, tăng gần 3% so với cùng kỳ. Trước những diễn biến phức tạp trên biển, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã chỉ đạo củng cố các tổ, đội và phối hợp hỗ trợ nghiệp đoàn nghề cá; tổ chức tập huấn tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho 250 ngư dân, thông tin để ngư dân nắm rõ, qua đó phối hợp với ngành để xử lý kịp thời.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG