Sáng 11-6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Những vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong giáo dục hiện nay như: đào tạo ĐH, CĐ bất hợp lý dẫn đến hàng chục ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp, tình trạng bệnh thành tích trong dạy học phổ thông, việc đổi mới giáo dục, sách giáo khoa... được các đại biểu (ĐB) đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải có trả lời.
Lo lắng chất lượng đào tạo
Là người đầu tiên nêu câu hỏi, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) chất vấn: “Vì sao chưa đổi mới chương trình, Bộ đã đổi mới thi cử và coi đây là khâu đột phá?”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải trình: Quá trình triển khai đổi mới có những thay đổi thi cử dẫn đến thay đổi dạy và học. Thi tốt nghiệp vừa qua đã có những thay đổi căn bản, trước đây là kiểm tra học thuộc, nay là kiểm tra cách vận dụng, từ một bài học sang tổng hợp, từ kiến thức chính trị sang kiến thức công dân... Học sinh, phụ huynh, thầy cô đã hình dung cần thay đổi, chuyển từ việc dạy truyền thụ kiến thức sang dạy kỹ năng.
Trả lời câu hỏi việc xóa bỏ điểm sàn có nhằm giải quyết tình trạng nhiều trường thừa chỉ tiêu nhưng thiếu sinh viên hay không, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Chúng tôi không bỏ điểm sàn”. Ông nói rằng, điểm sàn không quyết định chất lượng tuyển sinh, mà chỉ là mức đánh giá năng lực cần có để học ĐH. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường là căn cứ vào số lượng giảng viên cơ hữu thực có và diện tích của nhà trường, chứ không phải điểm sàn.
Về vấn đề không đọc thông viết thạo vẫn được lên lớp, Bộ trưởng thừa nhận đây là một tồn tại liên quan đến bệnh thành tích, liên quan đến việc đánh giá thầy cô, chất lượng giáo dục. “Chúng tôi đã loại bỏ các quy định đánh giá giáo viên, cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của học sinh”. Ở những nơi tồn tại vấn đề này, Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục khắc phục, đồng thời nhấn mạnh: Khi chuyển được nền giáo dục đang nặng kiến thức một chiều sang phát triển năng lực học sinh, vấn đề này sẽ được xử lý tận gốc.
ĐB Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) băn khoăn về việc học lệch nếu để học sinh tự chọn môn thi tốt nghiệp. Phân tích thực trạng này, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, học sinh có tâm lý chú trọng những môn thi THPT và thi ĐH, dẫn đến việc học đối phó với các môn không thi. Từ thực tế đó, Bộ đã có những thay đổi và sẽ tiếp tục có những điều chỉnh để nội dung kiểm tra sát với năng lực học sinh, nhưng sẽ là những thay đổi phù hợp, không gây sốc.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nêu thực trạng đáng buồn hiện nay là hơn 72.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, do đào tạo bất hợp lý, không đúng với yêu cầu thị trường của lao động và do cơ cấu bất hợp lý về đào tạo. “Vậy Bộ có chính sách, biện pháp gì trong vấn đề này”, đại biểu Thân Đức Nam hỏi. Đồng thời, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt ra vấn đề triển khai tràn lan các trường ĐH như hiện nay, chủ yếu đào tạo các ngành nghề khoa học xã hội mà không tập trung đào tạo các ngành nghề khoa học, kỹ thuật đã làm méo mó cung cầu thị trường lao động.
Trả lời câu hỏi của ĐB Thân Đức Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận tình trạng chất lượng đào tạo thấp. Ông cho biết, mỗi năm có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ; trong 5 năm có 2 triệu người tốt nghiệp. Theo thống kê, có hơn 72.000 người có bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ không có việc làm.
Theo Bộ trưởng, thực tế cho thấy, trong một thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH, chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức các điều kiện bảo đảm chất lượng; nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, thi cử của các trường chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của các nhà trường, tổ chức đào tạo mà chưa chú ý đến việc đáp ứng nhu cầu của xã hội; quy trình cấp phép hoạt động cho các trường ĐH, CĐ thiếu chặt chẽ, chưa chú trọng đến nhu cầu thực tế của xã hội và địa phương; chương trình đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn trong nước và thế giới; nội dung đào tạo nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, nhẹ thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ...
Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới
Tại phiên trả lời chất vấn chiều 11-6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới.
Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu vấn đề: Dư luận người dân, báo chí và ngay tại diễn đàn Quốc hội, đã có ĐB nêu hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ, ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc có nhiều quy định theo hướng tạo thuận lợi cho việc quản lý của các cơ quan công quyền, đẩy khó khăn về phía người dân. Là người đứng đầu cơ quan thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp khi có nhận định rằng, việc vừa thiết kế vừa thi công trong xây dựng cơ bản rất ít khi được chấp nhận nhưng việc vừa soạn thảo luật, vừa xử lý chính sách lại đang là thực tế khá phổ biến ở nước ta, dẫn đến tình trạng chính sách không được làm rõ trong luật nên khi triển khai thực hiện không đạt kết quả như mong muốn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp lý giải, hiện nay theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp được giao thẩm định các loại văn bản quy phạm pháp luật từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ thì giao cho bộ phận pháp chế của các bộ. Từ quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến, đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày. Các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Bộ Tư pháp có vai trò thẩm định, phát biểu ý kiến là dự thảo đó có phù hợp với đường lối chính sách của Đảng hay không.
Bộ trưởng khẳng định: Với quy trình như vậy, câu chuyện có cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định của Chính phủ trở lên chưa phải là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề là đứng từ phía nào để chúng ta nhìn xem có lợi ích nhóm.
ĐB Trần Du Lịch (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề phát mãi tài sản thế chấp không có nơi nào thủ tục nhiêu khê phức tạp như Việt Nam. “Một tài sản phát mãi phải mất 4 năm do vấn đề phi thị trường làm tắc nghẽn”, ông nói. ĐB Trần Du Lịch cho rằng, Bộ Tư pháp dường như nể nang để lợi ích cục bộ cho các bộ khác khi ban hành văn bản, nhằm “quyền nặng cho mình mà trách nhiệm nhẹ đi”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận ý kiến của ĐB Trần Du Lịch nhưng ông giải thích quy trình phát mãi tài sản (nhất là bất động sản) có liên quan đến vấn đề giá cả, thị trường nóng nguội. Thi hành án thường liên quan đến giá cả do bản án tuyên (hiện nay giá nhà đất thấp), nên việc đánh giá thế nào để định giá tài sản thi hành án vẫn còn khó.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: “Từ khi thực hiện công việc đổi mới thì chúng ta mới quan tâm đến công tác xây dựng văn bản pháp luật và thấy là còn nhiều chồng chéo. Chẳng có quốc gia nào hệ thống pháp luật lại phức tạp như hiện nay. Nhiều luật mẹ chưa có nhưng đã có luật con”. Sau khi phân tích nhiều quy định pháp luật dẫn chứng, người đứng đầu ngành tư pháp kết luận: “Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới”.
“Chúng ta vay Trung Quốc không nhiều” Khẳng định tại phiên chất vấn sáng 11-6 về mức độ phụ thuộc và lệ thuộc nếu có về tài chính của Việt Nam đối với Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Mức độ chúng ta vay của Trung Quốc không nhiều”. ĐB Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) hỏi: “Xin cho biết bằng thông tin và số liệu mức độ phụ thuộc và lệ thuộc nếu có về tài chính của Việt Nam đối với Trung Quốc? Cụ thể là nợ công mà chủ nợ là Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc, nguồn vốn, vốn ODA từ Trung Quốc và các dự án liên quan. Hiệu quả chất lượng của các dự án này? Vốn của các doanh nghiệp tư nhân, hoặc Nhà nước Trung Quốc trong các công ty cổ phần hóa của Việt Nam (nếu có)?”. Ngoài ra, ĐB Trương Trọng Nghĩa yêu cầu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ “tình hình các doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm và chi phối nền kinh tế Việt Nam, thị trường Việt Nam thông qua hoạt động mua bán công ty, các chính sách, biện pháp của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng để khắc phục tình trạng, nguy cơ lệ thuộc tài chính Trung Quốc”. Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mức độ chúng ta vay của Trung Quốc không nhiều. Đề cập kỹ về đầu tư chứng khoán, Bộ trưởng Dũng nói: “Đầu tư trong lĩnh vực này của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam đã được thống kê rất sát là chỉ 0,33% so với quy mô thị trường chúng ta. Đây là mức không lớn. Trong đó có hai nhà đầu tư lớn, số còn lại là nhà đầu tư nhỏ, không đáng kể. Hai nhà đầu tư lớn là dài hạn nên chúng tôi nghĩ rằng không lo ảnh hưởng lớn”. Về những thông tin liên quan đến tổng số nợ vay, ODA, các dự án của Trung Quốc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng xin phép Quốc hội được trả lời trực tiếp với ĐB. “Bộ đã chuẩn bị toàn bộ số liệu, văn bản này rồi. Chúng tôi cho rằng, các con số này không ảnh hưởng lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh. |
PHẠM HỮU HOA - B.T