.

6 ngư dân Việt Nam đang bị giữ tại cảng Tam Á (Trung Quốc)

.

Từ 15g chiều ngày 10-7, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ. Người chủ trì là ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trả lời các câu hỏi của phóng viên.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Các câu hỏi được đặt tại cuộc họp hầu hết xoay quanh những diễn biến trên Biển Đông, trong đó có vụ việc Trung Quốc bắt giữ tàu cá cùng 6 ngư dân Quảng Ngãi và vị trí của giàn khoan Nam Hải 09.

Trả lời câu hỏi về ý kiến và bình luận của Bộ Ngoại giao về việc Trung Quốc bắt giữ tàu cá Quảng Ngãi QNg  94912 TS cùng 6 ngư dân Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết: Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có những biện pháp bảo vệ người dân Việt Nam cũng như xác định thông tin trên.

Theo thông tin mới nhất, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã tiến hành thăm lãnh sự cũng như có các biện pháp bảo vệ cần thiết đối với ngư dân.

Phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Hiện nay, sức khỏe của các ngư dân đang hoàn toàn ổn định. Sáu ngư dân bị bắt hiện đang bị lưu giữ tại cảng Nam Á, Trung Quốc. 

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu nói riêng cũng như các cơ quan chức năng Việt Nam nói chung đang phối hợp với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để làm rõ vụ việc.

Ông Lê Hải Bình cũng cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đang theo dõi sát sao các hoạt động của giàn khoan Nam Hải 09 cũng như các tàu hộ tống hoạt động xung quanh giàn khoan.

Hiện tại, giàn khoan này vẫn giữ nguyên tọa độ như đã được công bố vào ngày 26-6.

Về một số vụ việc lộn xộn trước Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, ông Bình nói rõ: Việc môt số thành phần cực đoan tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Prom-penh, Campuchia là hành động sai trái, có tính phá hoại đối với mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hòa hảo giữa hai nước.

Phía Việt Nam đã yêu cầu chính phủ Campuchia có các biện pháp ổn định và duy trì trật tự.

5 tàu quân sự Trung Quốc vẫn hiện diện ở Hoàng Sa

Cùng ngày, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, hôm nay Trung Quốc duy trì khoảng 103 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó có 41 tàu Hải cảnh, 18 tàu vận tải, 16 tàu kéo, 23 tàu cá và 5 tàu quân sự.

Lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam phát hiện máy bay cánh bằng số hiệu CMS-B3808 bay 3 lượt trên khu vực tàu Việt Nam hoạt động, ở độ cao 200-300m, sau đó rời khu vực theo hướng Đông Bắc.

Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc ở khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Ảnh: Cảnh sát biển)
Tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc ở khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Ảnh: Cảnh sát biển)

Các tàu Kiểm ngư của Việt Nam thực hiện các đợt tiếp cận cách giàn khoan 10-11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Khi các tàu Việt Nam tiến vào gần giàn khoan thì các tàu của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc độ, áp sát, ngăn cản và hú còi, không cho các tàu Việt Nam vào gần giàn khoan (có lúc cách tàu Cảnh sát biển 100m) nhưng các tàu của Việt Nam vẫn chủ động tiến gần giàn khoan để thực hiện nhiệm vụ.

Tàu cá Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt ở Tây Tây Nam, cách giàn khoan 42-45 hải lý. Hàng chục tàu cá vỏ sắt dưới sự hỗ trợ của tàu Hải cảnh và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn cản, ép hướng các tàu cá của Việt Nam.

TTO/Bizlive/VOV

;
.
.
.
.
.