Gần 60 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, quan hệ quốc tế đã chuyển sang một trang mới, nhưng với tinh thần tôn trọng lịch sử, đánh giá đúng thành công và hạn chế của Hội nghị Genève trong bối cảnh chiến trường Đông Dương và tình hình quốc tế nửa sau những năm 50 của thế kỷ XX để rút ra những bài học vẫn còn là vấn đề có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc đối với Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Bài học về sử dụng con đường đàm phán hòa bình, tăng cường đối thoại và hợp tác để giải quyết các vấn đề xung đột trong quan hệ quốc tế, giữ vững ổn định và cùng phát triển.
Hòa bình không chỉ là nguyện vọng của dân tộc Việt Nam mà còn là nguyện vọng chung của nhân loại. Cùng với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng Lao động Việt Nam chủ trương dùng biện pháp đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh. Ngày 26-11-1953, khi trả lời phỏng vấn của một nhà báo Thụy Điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Nếu Chính phủ Pháp “đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”.
Thực tiễn cho thấy chiến tranh và vũ lực không thể chấm dứt được mọi tranh chấp quốc tế. Việc sử dụng chiến tranh và vũ lực trong thế giới ngày nay là hành động không văn minh và không thông minh. Đàm phán hòa bình và hợp tác là con đường phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc và toàn nhân loại. Chính vì thế, mà ngay từ khi mới thành lập (1945), Liên Hợp Quốc đã tuyên bố một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Từ Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương đến Hội nghị Á - Âu (xuất hiện cuối những năm 90 của thế kỷ XX), quan hệ Đông - Tây đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, từ quan hệ đối tượng sang quan hệ đối tác. Hòa bình, đối thoại và hợp tác là một trào lưu quốc tế, một xu thế chủ yếu của thế giới sau Chiến tranh lạnh.
Bài học về tăng cường thực lực của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại, bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.
Bao giờ cũng vậy, sức mạnh toàn diện của đất nước là cơ sở cho hoạt động đối ngoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thực lực là cái chiêng. Ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Sẽ không giành thế thắng lợi trên bàn đàm phán nếu không có thắng lợi trên chiến trường. Trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nỗ lực cứu vãn một nền hòa bình mong manh, dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột với Pháp, nhưng không mang lại kết quả, vì thực dân Pháp đang hăm hở giành thắng lợi bằng quân sự. Câu trả lời của họ là gửi tối hậu thư đòi nhân dân Việt Nam phải hạ vũ khí đầu hàng. Từ ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946) đến đầu tháng 3-1947, với tinh thần “còn nước còn tát”, 8 lần Hồ Chí Minh gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, nêu rõ nguyên nhân xung đột, đề nghị ngừng bắn và nối lại các cuộc đàm phán để vãn hồi hòa bình, nhưng một lần nữa, thiện chí hòa bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam được thực dân Pháp trả lời bằng một cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc. Nhưng đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, tình hình hoàn toàn thay đổi. Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội và nhân dân Việt Nam đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở thực lực về quân sự cho cuộc đấu tranh ngoại giao để kết thúc cuộc kháng chiến.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thay cho những khó khăn ác liệt trong thời kỳ chiến tranh là những thử thách rất lớn trong quá trình phát triển và hội nhập. Mặt trận quân sự đã nhường chỗ cho sự phát triển kinh tế và văn hóa, vì mục tiêu “hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì sự hợp tác quốc tế không chỉ trên một lĩnh vực, mà ngày càng toàn diện.
Để hội nhập thành công, Việt Nam đã và đang xây dựng và củng cố thực lực của đất nước về mọi mặt. Sự nghiệp đổi mới đã tạo ra bộ mặt mới cho kinh tế Việt Nam. Trong xu thế toàn cầu hóa, vừa có những mặt thuận lợi vừa có nhiều vấn đề bất trắc, thì quan hệ đối ngoại không chỉ là ra sức tranh thủ thuận lợi cho sự phát triển của đất nước mà còn phải tích cực và chủ động góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, góp phần xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế dân chủ, công bằng.
Đ.L (tổng hợp)