.

Chuẩn bị cho "Chính quyền điện tử" ở Liên Chiểu

.

Quận Liên Chiểu vừa đưa vào vận hành hệ thống “Quận, phường điện tử” (QPĐT) tại UBND quận và UBND 2 phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Bắc có tích hợp phần mềm “một cửa điện tử” mới, hiện đại hơn.

Hệ thống “phường điện tử” tại UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu vừa khai trương ngày 18-7-2014.
Hệ thống “phường điện tử” tại UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu vừa khai trương ngày 18-7-2014.

Hệ thống “một cửa điện tử” mới này cũng được cài đặt cho 3 phường còn lại. Hệ thống này có khả năng cung ứng 141 dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Tuy nhiên đã xuất hiện vấn đề: Hệ thống trang thiết bị hiện đại song việc người dân biết đến và chủ động sử dụng DVC trực tuyến còn rất ít. Làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả “Chính quyền điện tử” (CQĐT), tránh lãng phí đang là vấn đề không chỉ của riêng quận Liên Chiểu

Hiện đại và thủ công cùng tồn tại

Theo thông tin công bố tại lễ khai trương vận hành hệ thống QPĐT, phần mềm “một cửa điện tử” mới tích hợp trong hệ thống CQĐT hiện đại, có nhiều tiện ích hơn hệ thống cũ. Phần mềm này có các ứng dụng hỗ trợ quản lý trong các lĩnh vực: Công chứng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dự án xây dựng, thi đua khen thưởng, đăng ký lao động, hộ gia đình, khiếu nại tố cáo, thông tin xử phạt hành chính, đất đai... Hiện đại hơn là phần mềm này kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu phục vụ tác nghiệp thủ tục hành chính do Sở Thông tin và Truyền thông tích hợp. Mục tiêu hướng đến của việc áp dụng hệ thống QPĐT là chuyển đổi phương thức quản lý Nhà nước từ phương thức thủ công sang phương thức quản lý điện tử hiện đại.

Theo ông Đinh Hữu Phúc, Phó phòng Nội vụ quận Liên Chiểu, việc xây dựng và vận hành hệ thống QPĐT thấy rõ trước mắt là làm cho diện mạo cơ quan công quyền trở nên thân thiện, hiện đại, tăng tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC). Tuy chưa tính được cụ thể thời gian rút ngắn trên mỗi TTHC nhưng rõ ràng với máy móc, phần mềm hiện đại thì công tác giải quyết việc cho tổ chức, công dân nhanh hơn. Ông Thân Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cũng khẳng định hệ thống QPĐT đem lại hiệu quả trong hoạt động điều hành, quản lý, trao đổi thông tin của chính quyền địa phương. Thông tin được trao đổi, lấy ý kiến góp ý, chỉnh sửa, phê chuẩn của lãnh đạo đều thực hiện trên môi trường mạng. Cuối cùng mới đến bộ phận văn thư - lưu trữ ban hành văn bản giấy, trình lãnh đạo ký rồi đóng dấu. Phương thức này góp phần giảm hội ý, triệu tập họp hành không cần thiết, tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, theo ý kiến phản ánh của công chức ở quận và phường, do chưa có quy định pháp luật về quy trình giải quyết TTHC phù hợp với hệ thống CQĐT nên hiện nay hai hình thức “hiện đại và thủ công” cùng tồn tại. Việc chuyển thông tin hồ sơ, văn bản qua mạng Internet vẫn thực hiện kèm với việc chuyển hồ sơ, văn bản giấy và thông tin trên giấy tờ vẫn là căn cứ để giải quyết TTHC. Thông tin từ Phòng Nội vụ và phường Hòa Khánh Bắc cho hay: Mặc dù hệ thống QPĐT có khả năng cung ứng 77 DVC trực tuyến cấp quận và 64 DCV cấp phường nhưng sau khi khai trương vận hành vẫn chưa chạy dịch vụ nào. Phòng CCHC, Sở Nội vụ cũng xác nhận chưa thẩm định để tham mưu UBND thành phố cho phép áp dụng. Trước đó, hệ thống cũ của quận vẫn cung cấp 7 DVC trực tuyến.

Rất ít người dân tiếp cận DVC trực tuyến

Không có con số đầy đủ và chính thức đầu tư cho hệ thống QPĐT ở quận Liên Chiểu nhưng chắc chắn đó là khoản đầu tư ngân sách không nhỏ. Chỉ tính khoản đầu tư cơ sở vật chất mà quận Liên Chiểu công khai cho báo chí biết là ngân sách chi cho các mô hình “một cửa điện tử”, “văn phòng không giấy” ở quận từ cuối năm 2011 đến nay đã gần 6,5 tỷ đồng. 3 phường (Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Bắc) đầu tư hơn 2 tỷ đồng để có được hệ thống phường điện tử. Một trong những mục tiêu của chính quyền điện tử là phục vục người dân tốt hơn, văn minh, thuận lợi hơn, hạn chế được tiêu cực trong cán bộ, công chức bằng việc tăng cường cung ứng DCV trực tuyến cả số lượng và mức độ.

Thế nhưng, theo phản ánh ở các địa phương, số lượng hồ sơ trực tuyến rất ít, đặc biệt là ở cấp phường hầu như không có. Phường Hòa Minh với mô hình phường điện tử đi vào hoạt động hơn một năm qua cũng không có hồ sơ trực tuyến nào. Nguyên nhân là do trình độ ứng dụng CNTT trong đại bộ phận người dân còn thấp là một rào cản lớn khi tiếp cận DVC trực tuyến. Thứ hai là do thói quen, tâm lý phải gặp trực tiếp CBCC mới tin là yêu cầu của mình sẽ được giải quyết. Thứ ba là các DVC trực tuyến chưa được phổ biến thường xuyên đến tận tổ dân phố/thôn cho người dân biết. Đại đa số người dân cũng chưa có thói quen chủ động tìm hiểu và sử dụng DVC trực tuyến khi có nhu cầu.

Ông Thân Đức Minh cũng thừa nhận hệ thống QPĐT mới phục vụ tốt nhu cầu tác nghiệp của CBCC nhưng còn rất nhiều người dân chưa có khả năng tiếp cận DVC trực tuyến. QPĐT chỉ thực sự hiệu quả khi nó vừa hữu ích cho chính quyền vừa hữu ích cho đại đa số người dân. Theo ông Đinh Hữu Phúc, phải xây dựng được rồi thì mới có điều kiện tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân sử dụng DVC trực tuyến. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để trong cộng đồng hình thành một thế hệ công dân trẻ hiểu biết về CNTT thì việc cung ứng DVC trực tuyến mới hiệu quả. Cho nên, việc cần thiết hiện nay là phổ biến, vận động người dân tập làm quen với sử dụng DVC trực tuyến.

Bài và ảnh: SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.