Có mấy dịp ngồi tâm sự với ông Phạm Dính, Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) 194, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) mới cảm nhận hết sự nặng nhọc của công việc tổ trưởng TDP, mà mọi người vẫn gọi vui là nghề “vác tù và hàng tổ”.
Muốn có điện thì phải kéo dây, có cột điện. Để làm trụ điện, dĩ nhiên phải tốn tiền. Người dân sống trong khu dân cư (KDC) chủ yếu là lao động phổ thông, làm nghề biển, đồng tiền kiếm được ngày có ngày không. Sống trong kiệt hẻm, “nhà điện” không thể vươn tới tận nóc nên cũng phải tự góp tiền làm trụ. Thế nhưng, chiến dịch “góp tiền làm trụ điện” không đơn giản. “Có 7 hộ cùng đường điện. Trụ điện chính xa quá, phải làm trụ để kéo dây về tận nhà. Không kéo thì dây điện đi qua, sà xuống mái nhà người khác, không ai chấp nhận. Nhưng khi làm trụ, mình bỏ tiền túi mua vật liệu, đổ trụ, dựng cọc để kéo dây. Xong xuôi, “trình” hóa đơn cho mọi người xem để... thu tiền từng người một. Rồi cũng xong, nhưng mệt mỏi vì không biết bao nhiêu vòng vào ra nhà các hộ để thu tiền”, ông Phạm Dính kể.
Ông Dính kể về con đường làng nguyên hàng mấy chục năm tồn tại như “cầu nối tình làng nghĩa xóm”. Đường cát bụi in dấu chân bao nhiêu đời người dân Hòa Phú (khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh - PV) nơi đây, nhưng cũng là hình ảnh hằn dấu nhọc nhằn của những người nông dân suốt ngày chân lấm tay bùn, người ngư dân bán mình trên ngọn sóng. Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân bắt đầu quen với đời sống đô thị, rồi đường bê-tông thay thế đường cát bụi.
“Đời sống phố thị xâm nhập nhanh vào mọi tầng lớp cư dân, nhưng tầng lớp thanh niên trở nên khó bảo hơn trước. Đường bê-tông sạch sẽ đấy, nhưng xe máy đi ào ào, mà trẻ con trong vùng lại nhiều, vốn quen chơi ở ngoài đường hơn trong nhà. Nguy hiểm trăm bề khi ban đêm không một ánh đèn đường soi rọi. Xin miết 2, 3 năm nay có được giải quyết đâu. Xin vậy thôi, cũng chẳng gay go làm gì với nhà điện, họ thương thì cho vậy. Mà người dân ở đây, ai cũng muốn ánh sáng đèn đường, rồi thì cứ... dúi cho tổ trưởng “đứng mũi chịu sào”... làm tất. Nghe “nhà điện” hứa rồi, thời gian nữa sẽ có, nhưng không biết bao giờ có”, ông Dính nói.
Mới đây, đường liên tổ 193 và 194 cũng được Nhà nước đầu tư bê-tông hóa. Để con đường sạch đẹp, tổ trưởng Dính quyên góp mỗi hộ 100.000 đồng làm quỹ làm đường, rồi xin các hộ có diện tích đất dôi ra ngoài lòng đường hiến đất để “nắn” lại đường cho thẳng thớm. Câu chuyện đi xin quỹ làm đường ông kể là hành trình đi mưa về nắng, kể lại mà ông vẫn cảm thấy có chút buồn buồn. “Có phải gặp ai cũng vui cười đưa tiền ngay đâu. “Chín người mười ý”, dù biết rõ mười mươi là để góp làm đường cho sạch, cho thẳng, cho mỹ quan chung của cả tổ nhưng vẫn ì èo. Mình cũng công khai cho toàn dân, số tiền dư sau làm đường để đấy xin làm đường điện cho bà con…”, ông Dính trải lòng. Song, nỗi buồn của ông chỉ thoáng qua khi ông bảo: “Nghĩ vậy thôi, mình còn sức, trời còn thương cho mạnh khỏe, giúp được gì cho dân thì cứ làm. Có mấy hộ khó khăn, không có tiền góp, tôi cũng cho không luôn, chứ bắt góp sao đành”.
Vui đó, buồn đó, nhưng ngày ngày, ông Dính vẫn làm công việc “vác tù và hàng tổ”. Thỉnh thoảng tôi lại nghe mấy người dân trong tổ nhờ ông viết giúp lá đơn xin “nhà điện” cho mấy cây trụ điện dựng theo con đường bê-tông mới để kéo dây đỡ sà vào nhà khi mùa mưa bão đến...
TRỌNG HUY