.

Đẩy mạnh thực hiện Năm Doanh nghiệp, giải quyết nợ đất tái định cư

.

ĐNĐT - Sáng ngày 9-7, kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố bước vào phiên thảo luận tại hội trường với 21 lượt phát biểu ý kiến tập trung cho 20 vấn đề. Buổi thảo luận được Chủ tọa kỳ họp Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá có chất lượng, giảm ý kiến một chiều, kể lể thành tích.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố TRần Thọ điều hành phiên chất vấn chiều ngày 9-7.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ điều hành phiên thảo luận tại hội trường vào sáng ngày 9-7. Ảnh: VĂN NỞ

Giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc

Các đại biểu (ĐB) tham gia ý kiến bày tỏ sự đồng tình với việc HĐND sẽ thảo luận để ra Nghị quyết về Biển Đông, phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đề cập đến chủ trương "Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014", nhiều ý kiến đánh giá cao việc thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

ĐB Võ Thành Nhân đề nghị thành phố nên có tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo mức đóng thuế trên 10 tỉ đồng hoặc sử dụng trên 1.000 lao động, hoặc có vốn đầu tư lớn để tìm hiểu và có chính sách hỗ trợ sát thực đối với từng nhóm doanh nghiệp. Đồng thời, thành phố cũng cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường để định hướng phát triển cho doanh nghiệp.

ĐB Nhân nêu số lượng phòng khách sạn của Đà Nẵng tăng nhanh trong vài năm gần đây trong khi công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn cao nhất chỉ đạt 40%. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố nhưng chỉ đông khách vào mùa hè và lễ, Tết. Thành phố cần tổ chức xúc tiến du lịch ra nước ngoài nhằm thu hút du khách đến Đà Nẵng thường xuyên hơn vào mùa khác.

ĐB Nguyễn Đức Trị đề nghị thành phố hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất thành phố có giải pháp giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, cụ thể là giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc, thận trọng hơn với các nhà thầu Trung Quốc. Cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bảo vệ sở hữu trí tuệ các sản phẩm, tăng cường tuyên truyền, vận động người Việt dùng hàng Việt.

ĐB Trương Phước Ánh đề xuất giải pháp cụ thể: Doanh nghiệp phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu khác, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc; chuẩn bị tốt để đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Mặt khác, thành phố cần có cơ chế quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố.

ĐB Lê Văn Quang thì cho rằng trong quy hoạch phát triển kinh tế biển, thành phố cần chú ý vấn đề: Khu neo đậu và khu hậu cần kỹ thuật cho tàu thuyền hiện rất chật chội trước yêu cầu phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm nghề cá; thành phố cần quy hoạch tốt để phát triển và nâng cao năng lực khai thác của cảng biển Đà Nẵng.

3 phương án giải quyết nợ đất tái định cư

Nhiều ĐB nêu lại tình trạng thành phố nợ đất tái định cư (TĐC) kéo dài qua nhiều kỳ họp của HĐND thành phố và đặt vấn đề phải giải quyết dứt điểm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã nêu những nguyên nhân nợ đất TĐC, trong đó đáng lưu ý là tình hình ngân sách thành phố khó khăn nên không đủ cùng lúc vừa đền bù, vừa đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC.

Ông Khương đề xuất các phương án giải quyết tình trạng nợ đất TĐC: Tiếp tục triển khai các dự án TĐC, trả tiền cho người dân tự tìm nơi TĐC, mua đất của nhà đầu tư tại các khu có sẵn hạ tầng kỹ thuật để bố trí TĐC. Phương án 1: thời gian triển khai lâu nhất; phương án 2: ít được người dân đồng tình; phương án 3: hợp lý vì giá mua đất của doanh nghiệp tương đương với mức đền bù, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

ĐB Thái Thanh Hùng rất đồng tình và đề nghị thành phố cho người dân tự lựa chọn 1 trong 3 phương án này.

Chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ khẳng định, trong tháng 7, 8 và 9, Thường trực HĐND cùng lãnh đạo UBND thành phố sẽ làm việc cụ thể với từng quận để xử lý phần nào tình trạng nợ đất tái định cư. Đề cập một vấn đề cử tri bức xúc là việc các khu TĐC đã có dân ở nhưng chưa hoàn thành thảm nhựa đường, hệ thống điện, nước, Chủ tọa yêu cầu chỉ cần 50% hộ dân đến ở, UBND thành phố phải tổ chức hoàn thành việc này.

 đại biểu Trần Đình Hồng đề nghị không xem xét lại dự án thủy điện Sông Nam- Sông Bắc; đồng thời yêu cầu cần công bố công khai thiết kế dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi vì cử tri đang lo ngại dự án này sẽ tác động xấu đến những hộ dân trong vùng dự án.
 ĐB Trần Đình Hồng đề nghị không xem xét lại dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc; đồng thời yêu cầu cần công bố công khai thiết kế dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Ảnh: VĂN NỞ

Còn gây khó cho dân về thủ tục hành chính

Theo ý kiến của nhiều ĐB, thành phố đạt nhiều tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên hiện tại, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân.

ĐB Nguyễn Nho Trung chỉ rõ các ban quản lý dự án khiến dân phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục đền bù giải tỏa, tái định cư. Số tiền đền bù và hỗ trợ của người dân không nhiều nhưng các ban quản lý dự án buộc dân phải đi lại nhiều lần mới nhận được hết.

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Công Chánh thừa nhận, trong giải quyết thủ tục hành chính còn tình trạng chậm trễ hồ sơ trong lĩnh vực đất đai, có hồ sơ trễ hẹn từ 8 tháng đến một năm. Tình trạng trễ hẹn thường xảy ra đối với các hồ sơ hành chính giải quyết theo cơ chế "một cửa liên thông" do các cơ quan có trách nhiệm thực hiện quy chế phối hợp không nghiêm túc. Giải pháp khắc phục là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng quy chế phối hợp cùng thực hiện một lần đối với 18 thủ tục hành chính giải quyết theo "một cửa liên thông", không đợi sở này làm xong mới đến sở khác làm.

Đặt hàng Bệnh viện Ung thư

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đặt vấn đề làm rõ cơ chế quản lý Bệnh viện Ung thư của Hội Bảo trợ Phụ nữ nghèo và Trẻ em bất hạnh.

Các ĐB đánh giá công trình Bệnh viện Ung thư là một công trình đầy tính nhân văn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, các ĐB thắc mắc: Bệnh viện Ung thư tổ chức theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng lại được ngân sách thành phố hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và chi thường xuyên. Như vậy không rõ bệnh viện công hay tư. Một số ĐB đề nghị chuyển bệnh viện này sang bệnh viện công để thành phố quản lý.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Sang đã trình bày tờ trình UBND thành phố đặt hàng Bệnh viện Ung thư hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hằng năm là 300 giường bệnh với dự toán định mức đặt hàng là 52 triệu đồng/giường bệnh/năm và tổng giá trị đặt hàng là 15,6 tỉ đồng. Việc đặt hàng sẽ thí điểm trong hai năm 2015, 2016.

Theo yêu cầu của Chủ tọa kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã trả lời thắc mắc của các ĐB.

Theo đó, cho biết việc tổ chức bệnh viện theo mô hình công ty TNHH Một thành viên nhưng lại được hỗ trợ từ ngân sách, viện trợ, hỗ trợ của doanh nghiệp thì không đúng. Cơ chế đặt hàng của thành phố đối với Bệnh viện Ung thư được Bộ Tài chính đồng ý nhưng cách tính định mức 52 triệu đồng/giường bệnh/năm thì đây là bệnh viện công. Việc chi hỗ trợ bệnh viện mua sắm trang thiết bị từ nguồn thu xổ số cũng thuộc ngân sách thành phố. Theo Kiểm toán Nhà nước thì chi thường xuyên từ ngân sách cho bệnh viện tư là không đúng quy định. Việc xác định cơ chế quản lý bệnh viện này sẽ được trình HĐND thành phố quyết định.

Kết luận buổi thảo luận, Chủ tọa kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ ghi nhận tinh thần trách nhiệm của các ĐB đã tham gia thảo luận, hiến kế một cách thẳng thắn, dân chủ. Chủ tọa kỳ họp đánh giá cao các ý kiến đồng tình việc HĐND thành phố sẽ ra Nghị quyết về Biển Đông, phản đối hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong số 20 vấn đề được trình bày tại buổi thảo luận, Thường trực HĐND thành phố sẽ giải trình, tiếp thu 14 vấn đề, 6 vấn đề sẽ tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.

Sơn Trung - Mai Trang

;
.
.
.
.
.