.

Hải quân Việt Nam sẽ có thêm 10 tàu chiến hiện đại

.

Nếu không có gì thay đổi, trong 3 năm tới Hải quân Việt Nam sẽ được bổ sung thêm 10 tàu chiến hiện đại thuộc 4 loại khác nhau.

Tàu hộ vệ tên lửa Sigma góp mặt

Tàu chiến lớp Sigma.
Tàu chiến lớp Sigma.

Nhiều nguồn tin tức cho biết Việt Nam đã đàm phán với Tập đoàn Damen của Hà Lan để mua 2 tàu hộ vệ tên lửa Sigma. Năm 2013, truyền thông Hà Lan cho biết Damen chính thức xác nhận rằng họ đã đạt thỏa thuận với Việt Nam về hợp đồng đóng 2 tàu hộ vệ lớp Sigma với giá trị lên đến 500 triệu USD.

Hồi tháng 2 năm nay, tại Triển lãm quốc tế về công nghệ đóng tàu do Việt Nam tổ chức, Tập đoàn đóng tàu Damen Hà Lan đã công khai mô hình 2 tàu hộ vệ Sigma 9814 mà tập đoàn này dự kiến sẽ xuất khẩu cho Việt Nam.

Cả hai mô hình đều có các thông số kỹ thuật: chiều dài 99,91m, rộng 14,02m, mớn nước 3,75m, lượng giãn nước 2150 tấn, số lượng thuyền viên 103 người. Tàu có hỏa lực mạnh với 8 tên lửa hành trình diệt hạm Exocet MM40 tầm bắn 180 km của Pháp. Có tin phía Pháp đã đồng ý cung cấp tên lửa loại này cho Việt Nam. Ngoài ra có 1 pháo hạm 76,2mm ở mũi cùng 2 pháo phòng không cao tốc một ở mũi, một ở đuôi tàu.

Sự khác biệt giữa 2 mô hình nằm ở thiết kế nhà chứa trực thăng. Tàu Sigma được thiết kế một sân đỗ cho trực thăng chống ngầm ở đuôi tàu. Tuy nhiên mô hình số 1 có nhà chứa trực thăng còn mô hình số 2 không có.

Tờ báo NRC Handelsblad của Hà Lan nhận xét nhiều khả năng một chiếc Sigma sẽ được đóng tại Hà Lan và chiếc còn lại sẽ đóng ở Việt Nam vì hiện tại Damen đã liên doanh xây dựng một nhà máy đóng tàu hiện đại tại Việt Nam.

Như vậy không bao lâu nữa Hải quân Việt Nam sẽ được trang bị tàu hộ tống Sigma để bổ sung vào đội tàu mặt nước còn hạn chế của mình.

Bổ sung thêm hai chiến hạm Gepard

Chiến hạm Gepard của Việt Nam.
Chiến hạm Gepard của Việt Nam.

Sau hợp đồng mua 2 tàu khu trục tên lửa Gepard đầu tiên, Hải quân Việt Nam đã ký tiếp hợp đồng mua 2 chiếc nữa nâng tổng số tàu Gepard trong biên chế của mình lên 4 chiếc. Theo báo cáo tài chính năm 2013 của nhà máy đóng tàu Zelenodolsky Gorky công bố hôm 1-4 vừa qua, 2 chiến hạm Gepard mới này sẽ về Việt Nam trong năm 2017.

Cũng theo báo cáo của Zelenodolsky Gorky, ngày 18/12/2013 các tàu mới đã được nghiệm thu giai đoạn I với sự chứng kiến của một phái đoàn các quan chức Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng các bên liên quan của Nga.

Theo lộ trình, lễ bàn giao chính thức 2 chiến hạm Gepard 3.9 thứ ba và thứ tư sẽ diễn ra tại căn cứ hải quân Cam Ranh của Việt Nam lần lượt vào tháng 2 và tháng 6/2017. Zelenodosky sẽ bảo hành các tàu này 15 tháng.

Một điều cần lưu ý là so với 2 chiến hạm Gepard 3.9 đầu tiên, cặp tàu thứ 2 thì cặp tàu sẽ có những cải tiến để nâng cao năng lực chống ngầm và phòng không cũng như các hệ thống máy móc hiện đại khác.
Cụ thể hệ thống pháo/tên lửa phòng không tầm gần Palma trên tàu có thể được trang bị loại tên lửa Sonar-M mới nhất với tính năng vượt trội so với hệ thống tương tự ở hai tàu đã mua.

Khác biệt lớn nhất trong các tàu mới là chiều rộng tăng thêm hơn 1m (14,4m so với 13,09m) và được trang bị hệ thống định vị thủy âm gắn trên thân tàu để phát hiện tàu ngầm. Và Gepard mới cũng được trang bị hệ thống vũ khí chống ngầm mạnh mẽ. Tuy chưa công bố chi tiết các vũ khí chống ngầm đó là gì nhưng thông cáo báo chí của Zelenodolsky đã gọi các tàu Gepard mới của Việt Nam là “tàu chiến săn ngầm”. Điều đó khẳng định các tàu trong hợp đồng thứ 2 sẽ được tăng cường đáng kể về khả năng săn ngầm.

Tàu ngầm

Tàu ngầm Việt Nam.
Tàu ngầm Việt Nam.

Bên cạnh hợp đồng đóng mới 2 chiếc Gepard, đối tác Nga cũng đang tiếp tục hoàn thành hợp đồng đóng tàu ngầm Killo cho Việt Nam. Hiện tại Nga đã bàn giao 2 chiếc cho Hải quân Việt Nam. Chiếc thứ 3 mang tên Hải Phòng hiện đã hoàn thành và được bàn giao cho Việt Nam tại Nga.

Truyền thông Nga cho biết tàu ngầm Hải Phòng đã hoàn thành các thử nghiệm bắt buộc theo quy chuẩn quốc gia của Nga. Tổng cộng tàu đã thực hiện hơn 20 cuộc lặn với hơn 60 giờ dưới nước. Hiện tại tàu đang chờ đợi thủy thủ đoàn Việt Nam. Dự kiến quá trình thực hành ven biển của thủy thủ đoàn Việt Nam trên tàu này sẽ bắt đầu từ cuối tháng 5 và đến cuối năm 2014 tàu sẽ về đến Việt Nam.

Như vậy đến hết năm 2014, Lữ đoàn tàu ngầm 189 của Việt Nam sẽ có 3 chiếc tàu ngầm. 3 chiếc còn lại của hợp đồng ký năm 2009 với Nga sẽ được bàn giao lần lượt trong năm 2015 và 2016.

Tàu tên lửa Molniya

Tàu HQ-378, một trong 2 tàu lớp Molniya đầu tiên do Việt Nam tự đóng.
Tàu HQ-378, một trong 2 tàu lớp Molniya đầu tiên do Việt Nam tự đóng.

Hôm 25-6 vừa qua, hai tàu tên lửa lớp Molniya trong dự án 12418 đã được Công ty Ba Son hạ thủy và 2 ngày sau đó được bàn giao cho Hải quân Việt Nam. Việt Nam dự định đóng 10 tàu tên lửa lớp này.

Tính thêm 2 chiếc mới hạ thủy, hiện tại tổng số tàu tên lửa Molniya đã có 6 chiếc gồm 2 chiếc được đóng tại Nga và 4 chiếc do Việt Nam tự đóng. Hai chiếc tiếp theo đang tiếp tục được đóng tại nhà máy đóng tàu Ba Son và một trong hai chiếc đã được lắp ráp tổng thành các mô-đun.

Tàu tên lửa Molniya là lớp tàu đa năng hiện đại nhất do Việt Nam tự đóng. Tàu có trọng tải nhỏ với hơn 500 tấn khi toàn tải nhưng trang bị hỏa lực cực mạnh với 16 tên lửa diệt hạm Kh-35 Uran E (gấp đôi số tên lửa cùng loại trên tàu Gepard) và vận tốc tối đa đạt tới 38 hải lý/h.

Ngoài ra tàu cũng được trang bị đồng bộ các loại vũ khí và trang bị hiện đại khác.

Từ thời gian hạ thủy cặp tàu tên lửa đầu tiên đến cặp thứ 2 chỉ mất 1 năm. Như vậy nhiều khả năng bằng giờ này năm sau, sẽ có một cặp tàu tên lửa nữa được hạ thủy.

Theo Người đưa tin

;
.
.
.
.
.