Cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Navarre. Bị thất bại nặng nề trên chiến trường, thực dân Pháp đã phải chấp nhận tham dự Hội nghị Genève về thương lượng việc giải quyết hòa bình cho vấn đề Đông Dương.
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Genève (Thụy Sĩ) dự Hội nghị bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương, 1954. (Ảnh tư liệu) |
Sau những năm tháng chưa giành được sự công nhận ngoại giao rộng rãi của cộng đồng quốc tế, lần đầu tiên Đoàn đại biểu Chính phủ ta có cơ hội tham gia một cách bình đẳng vào công việc của một hội nghị quốc tế tầm cỡ như vậy cho thấy vị thế quốc tế của nước ta đã được nâng cao.
Theo nội dung Hiệp định Genève, quân đội và vũ khí nước ngoài phải rút khỏi nước ta. Miền Bắc nước ta từ vĩ tuyến 17 trở ra được hoàn toàn giải phóng, có điều kiện xây dựng trong hòa bình, làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến tiếp theo nhằm hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
Có được những kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ, những hy sinh lớn lao và lòng quả cảm phi thường của quân dân ta mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ từng nói: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là cái chiêng rất to phát ra tiếng vang lớn ngân vang toàn cầu, dội mạnh vào Hội nghị Genève làm thay đổi hẳn cục diện đàm phán.
Vậy, do đâu có Hội nghị Genève về Đông Dương năm 1954? Thật ra lúc đầu, Hội nghị Genève do các nước lớn là Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ triệu tập để bàn về các vấn đề châu Âu là chính. Vào đầu những năm 50 thế kỷ 20, cuộc “chiến tranh lạnh” ở vào đỉnh điểm với cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng, nhất là về vũ khí hạt nhân. Hai nhà nước Đức: Cộng hòa Dân chủ ở phía Đông, Cộng hòa Liên bang ở phía Tây ra đời; các nước phương Tây lập ra khối NATO, các nước xã hội chủ nghĩa lập ra khối Warszawa… Nói một cách khác, hình hài cục diện “hai phe, hai cực” đã lộ rõ và an bài. Cũng vào lúc này đã diễn ra hai cuộc “chiến tranh nóng” là chiến tranh Triều Tiên (1951-1953) và chiến tranh Đông Dương (từ 1946) phần nào phản ánh sự đối đầu giữa hai phe.
Vào nửa đầu những năm 50 của thế kỷ 20, ở cả hai phe đều diễn ra một số thay đổi quan trọng. Ở Liên Xô, nhà lãnh đạo tối cao Stalin từ trần vào năm 1952, tình hình chính trị và kinh tế khó khăn, ban lãnh đạo mới chủ trương hòa hoãn với phương Tây, đề ra chính sách đối ngoại “chung sống hòa bình, thi đua hòa bình và quá độ hòa bình”. Pháp chịu thất bại ngày càng nghiêm trọng trong cuộc chiến Đông Dương đưa tới khủng hoảng nội bộ hết sức sâu sắc, đòi hỏi phải tìm ra lối thoát. Nước Anh suy yếu nhiều lại phải đối mặt với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa của Anh nên cũng có yêu cầu hòa hoãn ở châu Âu. Riêng Mỹ muốn thao túng Tây Âu, duy trì đối đầu căng thẳng với Liên Xô nhưng cũng không thể đứng ngoài những thu xếp giữa Liên Xô và Tây Âu.
Trong bối cảnh đó, Liên Xô và Tây Âu, sau đó cả Mỹ thỏa thuận triệu tập Hội nghị Berlin (từ 25-1-1954 đến 18-2-1954), để giải quyết các vấn đề ở châu Âu, chủ yếu là vấn đề Đức. Tham gia Hội nghị Berlin có Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô. Tuy nhiên, do lập trường quá khác nhau nên họ không đi đến thỏa thuận nào bèn quay sang bàn hai vấn đề ở “ngoại vi” là vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương. Sau khi kết thúc Hội nghị Berlin không đạt được kết quả, Liên Xô, Anh, Pháp và Mỹ đã lên kế hoạch tổ chức tiếp Hội nghị Genève.
Với lập luận không thể thảo luận các vấn đề Viễn Đông nếu không có Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô yêu cầu mời Trung Quốc tham dự. Các nước phương Tây cần Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Riêng Anh có vấn đề Hồng Kông và cần thị trường Trung Quốc. Pháp cần vai trò Trung Quốc trong một giải pháp cho vấn đề Đông Dương. Mỹ miễn cưỡng phải chấp nhận để Trung Quốc tham gia hội nghị nhưng “không bắt tay” với Trung Quốc theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Trung Quốc tham dự hội nghị để xác lập vai trò nước lớn của mình trong việc giải quyết các công việc quốc tế, thiết lập quan hệ ngoại giao và kinh tế với các nước phương Tây.
Như vậy là Hội nghị Genève về Đông Dương xuất phát từ nhu cầu của các nước lớn. Vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia đã được sử dụng để phục vụ cho những lợi ích và sự dàn xếp của họ.
G.H tổng hợp