Việc ký Hiệp định Genève là một dấu mốc quan trọng, một thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là một thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị Genève. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Trải qua 75 ngày thương lượng căng thẳng với 31 phiên họp, ngày 20-7-1954 (trong đó có 8 phiên toàn thể và 23 phiên họp cấp trưởng đoàn), Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết. Với Hiệp định Genève, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được một cam kết chính trị có tính chất pháp lý quốc tế quan trọng, ghi nhận thắng lợi to lớn có tính chất bước ngoặt của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, buộc Pháp phải chấp nhận đình chiến trên toàn cõi Đông Dương, cam kết rút quân khỏi Đông Dương.
Hội nghị Genève có sự tham gia của 9 đoàn đại biểu chính thức: Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia và chính quyền Bảo Đại. Đoàn đại biểu Chính phủ ta do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, cùng Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu...
Cuộc đàm phán về Đông Dương tại Genève diễn ra gay gắt trong ba giai đoạn, từ ngày 8-5 đến 21-7-1954 tại Genève, Thụy Sĩ do ông Eden làm Chủ tịch. Giai đoạn đầu từ 8-5 đến 19-6-1954, hội nghị lắng nghe lập trường của các bên. Giai đoạn 2 từ 20-6 đến 10-7, chủ yếu dành thời gian để các trưởng đoàn về nước xin ý kiến Chính phủ và tổ chức trao đổi ở hành lang. Giai đoạn 3 từ 11 đến 21-7, các bên đàm phán về những vấn đề then chốt của một giải pháp.
Sau hơn hai tháng đấu tranh trên bàn hội nghị, mọi tranh chấp đã được giải tỏa. 24 giờ ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Tạ Quang Bửu và đại diện Chính phủ Pháp - Thiếu tướng Đentây. Ngày 21-7-1954, Hội nghị Genève về Đông Dương họp phiên toàn thể, ra Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điểm, trong đó điều khoản các nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Hiệp định Genève được ký kết với các văn kiện chính thức gồm: Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, 3 hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Hiệp định ghi nhận các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; giới tuyến quân sự (vĩ tuyến 17) chỉ có tính chất tạm thời không được coi là ranh giới về chính trị hay lãnh thổ và Việt Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7-1956.
Ngay sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Trung ương Đảng ta đã ra Lời kêu gọi trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta phải ra sức phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc… Toàn dân, toàn quân và toàn Đảng ta phải hết sức tỉnh táo đề phòng, luôn luôn nâng cao chí khí chiến đấu, ra sức khắc phục những tư tưởng chủ quan khinh địch, cầu an, thỏa hiệp, tự mãn, tự kiêu”. Xem như vậy ta không mơ hồ, ảo tưởng, không rời bỏ các mục tiêu cơ bản, lâu dài mang tính chiến lược. Toàn bộ cuộc chiến đấu anh dũng trong 20 năm sau đó cho tới thắng lợi lịch sử 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã chứng tỏ điều đó.
G.H tổng hợp