.

Huy động tổng lực xóa ô nhiễm khu đất trống

.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và địa phương bàn giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm triền miên đối với các khu đất trống. Đây là việc tồn đọng lâu, đã và đang gây bức xúc về mỹ quan đô thị.

Khu đất trống gây mất mỹ quan đô thị phía bờ đông cầu Trần Thị Lý.
Khu đất trống gây mất mỹ quan đô thị phía bờ đông cầu Trần Thị Lý.

Tràn lan ô nhiễm từ các khu đất trống

Ông Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đưa ra một danh sách dài về địa điểm những khu đất đã lập quy hoạch, giao đất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình. Thế nhưng, nhiều năm qua, các khu đất, lô đất cứ bời bời cỏ dại; đất hoang không người quản lý nên kéo theo việc đổ giá hạ, rác thải làm cho môi trường ô nhiễm. Bảng tổng hợp “danh sách đen về ô nhiễm môi trường” có 132 khu đất trống. Ở quận Hải Châu có 26 vị trí đất trống gây ô nhiễm môi trường, trong đó có 14 điểm nhấn kiến trúc đô thị.

Quận Thanh Khê có 11 vị trí với 1 vị trí điểm nhấn kiến trúc. Quận Liên Chiểu có 12 vị trí với 1 điểm nhấn kiến trúc. Quận Sơn Trà có 29 vị trí đất trống với 17 vị trí điểm nhấn kiến trúc. Quận Ngũ Hành Sơn có 22 vị trí với 6 điểm nhấn kiến trúc. Quận Cẩm Lệ có 31 vị trí với 1 điểm nhấn kiến trúc. Vùng nông thôn Hòa Vang cũng có 1 vị trí đất trống gây ô nhiễm môi trường.

Trên địa bàn quận Hải Châu có Dự án Trung tâm biểu diễn xiếc và nghệ thuật tổng hợp quốc gia do Liên đoàn Xiếc Việt Nam làm chủ đầu tư với diện tích 37.493m2. Suốt 4 năm qua, dự án để cỏ dại mọc um tùm, ngập ngụa rác thải sinh hoạt. Dự án Khu phức hợp do Công ty TNHHH Daewon Cantavil làm chủ đầu tư và nay được chuyển nhượng cho Công ty CP Bất động sản Lighthoure Tuyên Sơn có diện tích 43.000m2. Khu đất đường dẫn phía bắc lên cầu Tiên Sơn có dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp do Công ty TNHH Krever Development đầu tư với diện tích 88.176m2.

Phần lớn các khu đất trống gây ô nhiễm môi trường đều có các chủ đầu tư vốn có thương hiệu trong phát triển kinh tế, phát triển thị trường bất động sản như Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (SunGroup), Nam Trí, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Công ty CP SHB Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư-thương mại dầu khí Sông Hồng… Ngoài ra, còn có Trung tâm Khai thác quỹ đất thành phố.

Tìm hướng xử lý

Ông Vũ Quang Hùng cho biết, Sở Xây dựng thành phố đã đề xuất quản lý đối với các khu đất trống trên địa bàn. Theo đó, tại các vị trí điểm nhấn kiến trúc mà chủ đầu tư chưa có điều kiện xây dựng thì chủ đầu tư phải làm nền chống cỏ mọc, trồng cây xanh, cây cảnh; không được đầu tư xây dựng tạm hay bãi đỗ xe. Đối với những khu đất công cộng, thương mại-dịch vụ, chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết, cam kết tiến độ triển khai. Chủ đầu tư được xây dựng tạm sử dụng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, vui chơi giải trí cho trẻ em, dịch vụ sân bóng đá, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe… với thời hạn từ 3-5 năm. Khi xây dựng tạm, chỉ giới xây dựng mặt tiền lùi 4 mét có trồng cây xanh. Kết cấu vật liệu dễ tháo dỡ nhưng bảo đảm quy trình kỹ thuật xây dựng. Chủ đầu tư có cam kết tự tháo dỡ khi hết thời hạn cấp phép tạm.

Nhiệm vụ trước mắt là tìm hướng xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Theo đề xuất của Sở Xây dựng, các đơn vị chức năng yêu cầu chủ đầu tư dọn vệ sinh khu đất đầu tư, lập hồ sơ bảo đảm thiết kế mỹ quan đô thị. Trường hợp chủ đầu tư cố tình chây ỳ, chính quyền thành phố đầu tư rào chắn, tổng dọn vệ sinh môi trường cho các khu đất trống, thu hồi kinh phí từ chủ dự án. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, UBND thành phố sớm sửa đổi Quyết định số 23 ngày 10-8-2010 về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Nội dung sửa đổi quy định xử lý hành vi vi phạm môi trường đối với các khu đất trống. Cụ thể, chủ dự án phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo đảm mỹ quan đô thị; có trách nhiệm chi trả phí dịch vụ dọn dẹp vệ sinh môi trường, thi công rào chắn… Nếu chủ dự án không thực hiện sẽ dừng cấp quyền sử dụng đất, dừng cấp phép xây dựng. Quy định chức năng, nhiệm vụ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường ở các khu đất trống đối với cơ quan quản lý nhà nước như sau: Ở cấp thành phố sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý đối với các khu đất trống tại các tuyến đường từ 10,5 mét trở lên; cấp quận, huyện quản lý tuyến đường dưới 10,5 mét; cấp xã, phường quản lý các tuyến đường dưới 5,5 mét.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, UBND thành phố vừa chi 3,4 tỷ đồng để triển khai nhiệm vụ xử lý vệ sinh môi trường đối với các khu đất trống. Theo đó,  tập trung xử lý ở các vị trí đất trống khu vực trung tâm, các tuyến đường phố chính. Sự chỉ đạo, điều hành và tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, quản lý đô thị đang được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như mong muốn mà trong đó có nguyên nhân khách quan từ ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng; công tác quản lý sử dụng đất chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng chuyển nhượng, đổi chủ đầu tư…

Lập đường dây nóng xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường

“UBND các quận, huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND phường, xã, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị và các bộ phận liên quan (Công an phường, dân quân tự vệ…) tăng cường trách nhiệm quản lý, tổ chức tiếp nhận thông tin; tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường trên địa bàn mình quản lý. Theo đó, lập đường dây nóng, công khai đến tận tổ dân phố để người dân biết và tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh việc đổ xà bần, giá hạ, phế thải xây dựng trái phép, không đúng nơi quy định. Bố trí lực lượng túc trực kể cả ngoài giờ hành chính để tiến hành kiểm tra xử lý theo thông tin phản ánh của người dân”.

(Nguồn: Thông báo 136 ngày 4-6-2014 của UBND thành phố)

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

 

;
.
.
.
.
.