.

Người lính Cụ Hồ với phong trào "Quê hương xanh"

.

Khoảng 5 giờ hằng ngày, đi dạo trên đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), tôi thường gặp một người dáng cao, gầy, nhưng rắn rỏi, nhanh nhẹn, trên tay ông là mấy vỏ chai nhựa nhặt được trên đường đi bộ tập thể dục. Ông là Thượng tá Đoàn Minh Vương, Bí thư Chi bộ 36, thuộc Đảng bộ phường Thuận Phước.

Việc thu gom phế liệu - sáng kiến của ông Đoàn Minh Vương - được thực hiện để tặng học bổng cho học sinh nghèo và hỗ trợ gia đình đặc biệt khó khăn.
Việc thu gom phế liệu - sáng kiến của ông Đoàn Minh Vương - được thực hiện để tặng học bổng cho học sinh nghèo và hỗ trợ gia đình đặc biệt khó khăn.

Ông Vương có 34 năm tham gia quân đội, là sĩ quan “quân hàm xanh” thuộc một đơn vị biên phòng, chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia. Tháng 10-2009, ông Vương nghỉ hưu. Ngay lập tức, Bí thư chi bộ tóc bạc trắng đến nhà thăm hỏi, đề nghị người Thượng tá quân đội làm bí thư khu dân cư. Lúc ấy, ông Vương muốn nghỉ ngơi để dưỡng bệnh sau thời gian công tác nơi biên giới, rừng thiêng nước độc, nhưng trách nhiệm người đảng viên, tình quân dân lại thôi thúc. Thế là ông đảm nhận công tác mới: Bí thư Chi bộ 35 (nay là Chi bộ 36), phụ trách hai tổ dân phố (nay là 6 tổ), với gần 140 hộ dân. Chi bộ có 8 đảng viên, nhưng thực chất chỉ có 4 người đủ sức khỏe, điều kiện để tham gia sinh hoạt tại khu dân cư.

Song, việc “dân” khác xa so với việc “quân”, không phải hô đi là đi, không phải hô đứng là đứng như quân đội nên ông Vương gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, hai tổ dân phố mà chi bộ ông phụ trách là hai tổ có phong trào yếu.

Điều đầu tiên mà ông Vương nhận thấy là có rất nhiều việc phải làm để cải thiện cuộc sống của những hộ nghèo và môi trường ở khu dân cư. Với kinh nghiệm của người lính, ông bàn với chi bộ và đội ngũ quân dân chính “đánh một mũi tên trúng 2 đích”: việc thu gom phế liệu (rác thải còn tái sử dụng được) trong các gia đình tại khu dân cư, bán hỗ trợ cho con em nghèo,vừa góp phần làm sạch môi trường, vừa có tiền hoạt động phong trào.

Ông Vương nhẩm tính, 1 hộ dân trong 1 tuần phải bỏ đi bao nhiêu vỏ chai nhựa hay vỏ lon bia, nước ngọt. Nếu thu gom hết sẽ bán được số tiền kha khá. Nếu không thu gom kịp thời sẽ lãng phí, mất vệ sinh, làm phố phường nhếch nhác. Sau khi bàn bạc, ông nhận thấy chủ trương của chi bộ phù hợp với với chương trình “5 không - 3 sạch - 2T” mà Hội Phụ nữ phường đang phát động, trong đó có tiêu chí sạch nhà, sạch bếp, sạch phố; các phong trào “người đảng viên sống đẹp” của Đảng bộ, “Gia đình 4 tốt” của Mặt trận.

Với ông, “đã quyết là đánh, đã đánh là phải thắng”. Theo phương châm “cán bộ, đảng viên đi trước, làm trước”, ông phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên; tổ chức công tác tiếp cận, tuyên truyền cho người dân, những hộ chưa hưởng ứng. Không những thế, ông còn trực tiếp đến từng nhà vận động.

Xe thu gom phế liệu không có, ông Vương đi mượn tạm xe, gắn vào dòng chữ “Thu gom phế liệu: sạch môi trường - giúp học sinh nghèo”. Trước ngày ra quân một tuần, ông vận động mọi người tích lũy phế liệu. Đúng ngày ra quân vào sáng chủ nhật, chiếc xe thu gom do ông chỉ huy với 5 thành viên từ từ lăn bánh. “Chú Vương ơi, vỏ lon bia đây, vỏ chai đây, giấy vụn đây…”, chiếc xe cứ thế càng đi về cuối khu dân cư càng ì ạch vì đã quá tải. Mồ hôi đã lấm tấm trên khuôn mặt của mọi người. Trong ngày đầu tiên đã thu được hơn 25.000 đồng, số tiền tuy rất nhỏ nhưng ai cũng thấy vui về thành quả ban đầu.

Từng ngày, từng ngày trôi qua, ông Vương đứng mũi chịu sào trong các hoạt động của khu dân cư. Chính những việc làm tận tụy, thường ngày của ông đã lay động lòng người. Đến nay, 100% các hộ gia đình trong 6 tổ dân phố đều mong được góp tấm lòng của mình vào một việc có ích. Có gia đình không có phế liệu nhưng xin góp tiền. Việc thu gom, bán phế liệu (rác thải còn tái sử dụng được) của khu dân cư cứ thế dần đi vào nền nếp. Khu phố không còn vỏ lon, chai nhựa, giấy vụn vứt bừa bãi, trở nên đẹp hẳn lên. Với số tiền thu gom phế liệu, ông Vương tổ chức mua vôi quét trắng các hàng cây, trang trí ngày lễ, mua chậu hoa cây cảnh thay thế dần chậu hư, chậu bể.

Việc thu gom phế liệu và bán lấy tiền vốn đã khó, nhưng việc chọn đối tượng để được hỗ trợ từ nguồn quỹ này thì càng khó hơn. Việc bình xét, chọn đối tượng được tổ chức trao trước toàn thể nhân dân hai tổ dân phố, công khai, minh bạch, với sự chứng kiến của lãnh đạo phường nên nhân dân rất đồng tình ủng hộ.

Qua 3 năm hoạt động môi trường, thu gom phế liệu, số tiền tích góp được để tổ chức trao học bổng, hỗ trợ các gia đình khó khăn của khu dân cư lên đến 34.089.000 đồng. Bất ngờ hơn nữa, ngày 19-9-2012, khu dân cư của ông Vương được ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thưởng 10 triệu đồng. Đến nay, khu dân cư vẫn duy trì đều đặn việc thu gom phế liệu nhằm duy trì môi trường sạch đẹp, với tổng số tiền thu gom được là 43.769.000 đồng.   

Hình ảnh người cựu chiến binh Đoàn Minh Vương luôn để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc và cả sự kính trọng. Bởi lẽ, ông đã thể hiện phẩm chất cao đẹp của người lính giữa đời thường, được dân tin yêu. Ông Vương chia sẻ, ông là con liệt sĩ, là cháu nội của Bà mẹ Việt Nam anh hùng thì không có nhiệm vụ nào không hoàn thành. “Hoạt động sống, giá trị sống phải được gắn với giá trị bền vững. Muốn phát triển bền vững thì phải song hành với bảo vệ môi trường tự nhiên trong sạch, lành mạnh, mọi người phải thể hiện ở thái độ và cách hành xử với tự nhiên môi trường, trước hết là nơi mình sinh sống, công tác”, ông Vương tâm sự.

Bài và ảnh: PHẠM CÔNG LƯƠNG

;
.
.
.
.
.