.
Nhìn lại những luận điểm áp đặt của Trung Quốc về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Kỳ 1: Chứng cứ của Trung Quốc là ngụy tạo, giả dối

.

Tháng 5-1909, Đô đốc Lý Chuẩn theo lệnh của Tổng đốc Lưỡng Quảng đưa ba tàu ra vùng quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam lúc đó do Pháp là người đại diện. Đến tháng 5-2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và cho rằng “đây là điểm bước ngoặt và là cấp độ quyết đoán mới” của Trung Quốc (lời của Hồng Lỗi, người ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc).

Đây là mốc đánh dấu quá trình 105 năm, Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam. Trong 105 năm đó, để biện hộ cho những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc tập trung lực lượng tìm kiếm, kể cả việc ngụy tạo chứng cớ, chuẩn bị dư luận và lựa chọn cơ hội để từng bước vi phạm chủ quyền đến xâm chiếm lãnh thổ trên biển và tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bài viết này phân tích những căn cứ, chứng cứ lịch sử thiếu cơ sở khoa học và pháp lý để thấy được âm mưu và hành động độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, từ đó tin tưởng vào lập trường chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hiện nay.

Khách quốc tế xem triển lãm bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 6-2014.                               Ảnh: Đoàn Lương
Khách quốc tế xem triển lãm bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 6-2014. Ảnh: Đoàn Lương

Để chứng minh cho chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), từ những năm 1950, Trung Quốc tập trung lực lượng nghiên cứu để tìm ra những chứng cứ lịch sử và đã công bố trong các sách, kỷ yếu và trên các báo: Nhân Dân nhật báo, Quang Minh nhật báo, Học thời dự, Thất thập niên đại nguyệt san. Các tác giả Trung Quốc viện dẫn những chứng cứ lấy từ trong sử sách Trung Quốc cổ chép về các đời Đông Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh để đi đến kết luận về chủ quyền trên hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Theo họ: Từ thời Đông Hán trong cuốn “Dị vật chí”, Dương Phu đã chép “Ở vùng hiểm nguy đảo Hải Nam nước biển không sâu mà có nhiều từ thạch khiến những chiếc thuyền lớn của người ngoại quốc có đóng chốt sắt, tới nơi đó thì có chất từ thạch nên không qua được”. Từ đoạn miêu tả này, các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng: “Đó là chỉ vào quần đảo Tây Sa của Trung Quốc”. Trong bài “Vu Thành phú” của Bảo Chiếu viết vào đời Nam Bắc triều, có câu: “Nam trì Thương Ngô trướng hải, bắc tấu tử tái nhạn môn”. Ý nói rằng: “Từ phía cực nam đến cực bắc nước Tàu. Lại nữa, danh từ Trướng Hải bao quát biển Nam Hải lẫn các đảo ở đó” (1).

Trong cuốn “Chư phiên chí” của Triệu Nhữ Quát có chép rằng: “Về đời Đường, niên hiệu Trinh Nguyên năm thứ 5 (Công nguyên 789) Trung Quốc đặt quốc phủ ở Quỳnh Sơn và ở phía đông Hải Nam có Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Sàng (có lẽ là Thạch Đường) và khỏi đó là biển cả mênh mông, trời biển một màu, tàu bè qua lại phải dùng kim chỉ nam và ngày đêm phải giữ gìn cẩn thận nếu không lỡ ra có thể nguy hại cho tính mạng”. Từ đó họ cho rằng, Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Sàng nói đến trong câu trên là những quần đảo trên biển Nam Hải của Trung Quốc.

Trong cuốn “Tống sử ký sự bản mạt”, quyển 188, chương I nhan đề “Nhị Vương chi lập”, có chép như sau: “Nguyên tướng Lưu Sâm tấn công nhà vua ở Vịnh Thiển (Thiển Loan), Trương Thế Kiệt đánh không lại, phò tá nhà vua chạy đi núi Tú (Tú Sơn) đến Vụng Tỉnh (Tỉnh Áo), Nguyên tướng Lưu Sâm đánh đến Vụng Tỉnh, nhà vua chạy ra eo biển Tạ Nữ (Tạ Nữ Hiệp), rồi ra biển đến Thất Lý Dương, có ý muốn qua Chiêm Thành, nhưng không xong”. Từ đó, họ viện dẫn, Thất Lý Dương tức là Tây Sa quần đảo.

Trong “Nguyên sử”, quyển 162, có truyện Sử Bật chép rằng “Về đời Nguyên, niên hiệu Chí Nguyên. Năm 29 (Công nguyên 1292) tháng Chạp, Sử Bật cùng với 5.000 người họp quân xuất phát đi Tuyền Châu (lúc đó gió to sóng mạnh, thuyền bè tròng trành, sĩ tốt mấy ngày không ăn uống được, qua khỏi Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường tới địa giới Giao Chỉ và Chiêm Thành”. Từ đó, họ viện dẫn, Thất Châu Dương, Vạn Lý Thạch Đường là chỉ Tây Sa và Nam Sa quần đảo.

Đời Minh, có Mao Nguyên Nghi soạn sách “Vũ bị chí”, trong đó có chép rằng: “Đời Minh từ năm thứ 3 niên hiệu Vĩnh Lạc, đến năm thứ 5 niên hiệu Tuyên Đức (Công nguyên 1405 đến 1433) Trịnh Hòa bảy lần xuống Tây Dương đã từng qua Vạn Lý Thạch Đường. Vạn Lý Thạch Đường tức là Nam Sa quần đảo. Trên quần đảo này nơi cao nhất đã đào bới được thứ tiền đồng niên hiệu Vĩnh Lạc”.

Trong bài: “Quần đảo Nam Sa và các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa đều là lãnh thổ Trung Quốc”, tác giả Chu Kiệt viện dẫn rằng, từ thế kỷ XV khi Trịnh Hòa viễn du Tây Dương, xuất phát từ Trung Quốc đến Chiêm Thành, “thế tất phải đi qua Tây Sa và Trung Sa quần đảo, xem thế đủ biết nước ta ngay từ đầu thế kỷ XV đã sớm chiếm lĩnh Tây Sa và Trung Sa quần đảo rồi”; còn về “Nam Sa quần đảo (chỉ quần đảo Trường Sa), thời muốn tới Tô Lộc Quốc (nay là một đảo của Philippines) và Bột Nê Quốc (nay là một đảo của Indonesia) tất nhiên phải qua đó”; và “người nước ta di dân đến Nam Dương, tất nhiên đã phải lấy Nam Sa quần đảo làm một trạm trung gian, và trên thực tế đã sớm chiếm hữu và khai thác nó” (2). Từ đó, cho rằng cách đây hơn 500 năm, đã có người Trung Quốc trú cư ở đó rồi. Hơn nữa, cho tới ngày nay, trong Tây Sa quần đảo và Nam Sa quần đảo vẫn còn giữ lại những danh xưng Tuyên Đức quần đảo và Vĩnh Lạc quần đảo.

Tháng 5-1909, Tổng đốc Lưỡng Quảng phái Thủy sư Đề đốc là Lý Chuẩn điều khiển ba chiếc quân hạm Phục Ba thăm chớp nhoáng các đảo Hoàng Sa. Những sự việc này, theo tác giả, cũng được chép trong các cuốn “Hải Quốc kiến văn lục” và “Lý Chuẩn tuần hải ký”. Đến niên hiệu Tuyên Thống năm thứ ba (năm 1911) ở tỉnh Quảng Đông có xuất bản một cuốn địa đồ, trong đó nêu rõ các đảo trên biển Nam Hải là một bộ phận của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Dựa vào những “phát hiện” đó, ngày 30-1-1980, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công bố tài liệu có tên “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các đảo Tây Sa và Nam Sa”, khẳng định: “Một số lớn sách lịch sử và các tài liệu cũng như rất nhiều các di vật khảo cổ khai quật được đều chứng minh rõ rằng các đảo Tây Sa và Nam Sa từ lâu đời đã là lãnh thổ của Trung Quốc” (3).

Chứng cứ áp đặt, không thuyết phục

Những chứng cứ và sự viện dẫn mà Trung Quốc đưa ra để chứng minh cho chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa  (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) chỉ là sự áp đặt, không có sức thuyết phục.

Trước hết, dưới góc độ địa lý, cho thấy sự không nhất quán về bối cảnh, thời gian và không gian mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đưa để Chính phủ nước họ đặt tên các vùng biển và các quần đảo. Vì vậy, dẫn đến tình trạng đặt để tên gọi các quần đảo ở Biển Đông rất không trật tự.

Quan sát bản đồ Trung Quốc hiện nay có thể thấy, việc xác định tên các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa không biết dựa trên hệ quy chiếu nào so với lục địa? Nếu lấy Bắc Kinh làm trung tâm thì Tây Sa phải ở hướng Tân Cương, Tây Tạng hoặc Vân Nam. Nếu lấy Quảng Châu, thủ phủ Quảng Đông làm trung tâm, thì cả Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa đều chỉ dọc về hướng nam. Còn lấy Trung Sa làm trung tâm đúng như tên gọi của nó, thì quần đảo Đông Sa phải gọi là Bắc Sa mới đúng vì nó nằm ở hướng bắc so với Trung Sa (4).

Thứ hai, dưới góc độ lịch sử, do việc xử lý sử liệu một cách không trung thực và thiếu khoa học, các nhà nghiên cứu Trung Quốc xuyên tạc và có tính gán ghép lịch sử nên đưa ra những lập luận mơ hồ và võ đoán. Việc trích dẫn một câu có liên quan đến quần đảo Tây Sa của Trung Quốc trong cuốn “Dị vật chí” của Dương Phu đời Đông Hán và cho đó chỉ quần đảo Tây Sa của Trung Quốc. Nhưng chi tiết nào xác nhận Tây Sa là của Trung Quốc thì các tác giả không dẫn ra được. Các tác giả Trung Quốc viện dẫn những chứng cứ trong cuốn “Chư phiên chí” của Triệu Nhữ Quát đời Tống, có nói tới Thiên Lý Trường Sa (thuộc quần đảo Hoàng Sa chứ không phải là Trường Sa của Việt Nam, mà người Trung Quốc gọi là Nam Sa) và Vạn Lý Thạch Sàng, nhưng không thấy có chi tiết nào nói rõ những đảo đó thuộc quản lý của Hải Nam. Cả đến Thất Lý Dương  trong “Tống sử kỷ sự bản mạt”, quyển 188, chương I, cũng được dẫn ra, tuy là một biệt xưng của đảo Hoàng Sa về đời Tống, nhưng trong sử liệu trên cũng không có chỗ nào chép rằng Thất Lý Dương thuộc lãnh thổ Trung Quốc đời Tống.

Trong truyện Sử Bật đời Nguyên, có chép đến Thất Châu Dương và Vạn Lý Thạch Đường mà các tác giả Trung Quốc đã vin vào đó để cho rằng, Thất Châu Dương và Vạn Lý Thạch Đường là Tây Sa và Nam Sa quần đảo. Nhưng theo Groeneveldt dịch truyện Sử Bật ra tiếng Anh, Thất Châu Dương là quần đảo Paracels, tức là quần đảo mà Trung Quốc mệnh danh là Tây Sa quần đảo và Vạn Lý Thạch Đường tức là Macclesfield bank, tức là Đảo Dư được Trung Quốc mệnh danh là Trung Sa quần đảo (5).

Trung Quốc đề cập đến sự kiện Trịnh Hòa bảy lần “hạ Tây Dương”, tất phải đi qua Tây Sa và Trung Sa quần đảo và cho rằng, Trung Quốc đã chiếm lĩnh quần đảo Tây Sa và Trung Sa. Như vậy, nếu lập luận trên con đường biển mà người Trung Quốc đi qua, dù là viễn chinh hay di dân, bất kể biển đó rộng hàng ngàn kilômét như Biển Đông, hễ cứ có đảo nào mà họ đã tới thì các đảo ấy thuộc về họ, thì các đảo trên nhiều vùng biển khác ngoài Biển Đông mà tàu thuyền của Trung Quốc xưa nay đã từng đi lại cũng phải thuộc về họ chăng? Việc Trung Quốc xác định chủ quyền quốc gia đối với các đảo trên biển như vậy là mơ hồ, võ đoán và không có cơ sở khoa học (6).

Còn về các loại tiền đồng của Trung Quốc mà họ nói là đã “khai quật” được ở quần đảo này, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy chúng ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước ở Đông Nam châu Á và trên thế giới. Đó rõ ràng là kết quả của quá trình giao lưu kinh tế và văn hóa, do chiến tranh xâm lược, do di dân, do sản xuất lại tại nước sở tại theo mẫu của nước sáng chế... Nếu những hiện vật mà Trung Quốc công bố là đã tìm thấy ở Hoàng Sa là có thật và đúng niên đại đoán định cho các hiện vật mà phía Trung Quốc đã đưa ra, thì sự có mặt của các hiện vật đó tự chúng cũng không thể chứng minh được rằng “Trung Quốc là chủ nhân chính ở nơi này”. Việc Trung Quốc dùng các hiện vật phát hiện ở Hoàng Sa để nói Trung Quốc có chủ quyền lâu đời đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là ngụy biện, gán ép và phản khoa học.

Thực sự hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (cái mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) chưa từng xuất hiện trong sách lịch sử, địa lý; trong lịch sử phương chí và trong địa đồ hành chính của Trung Quốc.

Là một quốc gia vốn là nơi có truyền thống lâu đời về sử học, địa lý nói chung và địa đồ nói riêng, các biên chép về lịch sử, địa dư luôn liên tục, nhưng trong chính sử Trung Quốc, từ Nhị thập tứ sử (bộ chính sử được tất cả các triều đại Trung Quốc thừa nhận), tức sử ký ghi chép từ Thượng cổ đến Tần, Hán, cho đến Minh sử và Thanh sử cảo soạn thời Dân Quốc ở các mục địa lý chí (nơi ghi chép để xác định chủ quyền) đều không đề cập đến các hòn đảo ở xa hơn đất Nhai Châu, Quỳnh Châu, tức Hải Nam ngày nay. Còn phương chí là các loại sách địa lý của Trung Quốc, bao gồm các loại: tổng chí (chép về cả nước), thông chí (chép về một tỉnh) và địa phương chí (chép về một phủ, châu, huyện…). Tuy nhiên, loại phương chí chép về đơn vị hành chính cực nam của Trung Quốc cũng chưa nói đến Hoàng Sa và Trường Sa mà theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa và Nam Sa hoặc có nhắc đến (với tên gọi khác) nhưng không thuộc quyền quản lý hành chính của Trung Quốc.

Các địa đồ được xem là thể hiện cương vực quốc gia, từ Cửu vực thú lệnh đồ có niên đại vào năm 1121 (đời Tống), đến các địa đồ sau này trải qua các triều đại Nguyên, Minh, Thanh, là những địa đồ hành chính toàn quốc, được thực hiện theo chủ trương của chính quyền Trung ương các đời, đều vẽ điểm cực Nam của Trung Quốc trong cương vực tổng thể vẫn không quá đảo Quỳnh Châu (Hải Nam). Thậm chí, các địa đồ hành chính và quân sự tiêu biểu trong tập Quảng Châu sử địa đồ tinh túy xuất bản năm 2003, do phòng Lưu trữ hồ sơ lịch sử số 1 thuộc Tổng cục Lưu trữ Trung ương Trung Quốc phối hợp với Cục Lưu trữ thành phố Quảng Châu công bố cũng cho thấy cương giới phía nam Trung Quốc chỉ đến phủ Quỳnh Châu (Hải Nam).

Các loại tư liệu sách lịch sử, địa lý, phương chí và bản đồ của các triều đại Trung Quốc là những loại tài liệu chính thức, do chính quyền trung ương hoặc chính quyền địa phương (đối với thông chí hoặc địa phương chí) chỉ đạo biên soạn. Việc các tài liệu chính thức không đề cập đến Tây Sa, Nam Sa (tên Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa), chứng tỏ các triều đại Trung Quốc chưa từng quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

PGS, TS TRƯƠNG MINH DỤC


(1) Giáo sư Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham: “Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”. In trong : Nguyễn Q. Thắng: “Hoàng Sa, Trường Sa lãnh thổ Việt Nam – nhìn từ công pháp quốc tế”, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2009, tr. 241.

(2) Chu Kiệt: Quần đảo Nam Sa và các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa đều là lãnh thổ Trung Quốc, Quang Minh Nhật báo ngày 7 tháng 6 năm 1956. Trích lại từ: Văn Trọng: Hoàng Sa quần đảo Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1979, tr. 57.

(3) Bản tin Trung Quốc học, số 8, năm 1988. Dẫn theo: Monique Chemillier - Gendreau: Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Sách tham khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.81.

(4) Xem: GA.thuhuong: Vì sao các học giả Trung Hoa cho rằng quần đảo Hoàng Sa là của họ?,  http/Hoang Sa và Trường Sa, cập nhật, ngày 04 tháng 04 năm 2010.

(5)  Giáo sư Lãng Hồ Nguyễn Khắc Kham: Sđd, tr. 245 – 248.

(6) Văn Trọng:  Sđd, tr. 59.

;
.
.
.
.
.