.
Nhìn lại những luận điểm áp đặt của Trung Quốc về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam

Kỳ cuối: Trung Quốc cố tình diễn giải sai lịch sử

.

Trung Quốc viện dẫn Công thư của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958 gửi Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và cho rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 để củng cố yêu sách của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.

Mọi người đều biết rằng, ngày 4-9-1958, Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai công khai tuyên bố với quốc tế quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Hoa lục, có đính kèm bản đồ vẽ ranh giới lãnh hải, trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó đã công nhận bản Tuyên cáo trên của Trung Quốc. Ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có Công thư gửi Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai. Nội dung cụ thể như sau:

“Thưa đồng chí Tổng lý

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.

Dựa vào bức công thư này, Trung Quốc lập luận rằng chính Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của họ trên hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Theo tiến sĩ luật học Từ Đặng Minh Thu, những lời tuyên bố trên không có hiệu lực, vì trước năm 1975, Việt Nam Dân chủ cộng hòa không quản lý những đảo này. Lúc đó, những đảo này nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hòa và chính phủ Việt Nam Cộng hòa luôn luôn khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Còn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng không tuyên bố điều gì làm phương hại đến chủ quyền này cả. Tiến sĩ Monique Chemiller - Gendreau cho rằng: “Trong bối cảnh đó, các tuyên bố hay các lần biểu thị lập trường có thể có của nhà chức trách Bắc Việt Nam không có hậu quả đối với danh nghĩa chủ quyền. Đó không phải là chính phủ về mặt lãnh thổ có thẩm quyền đối với các quần đảo. Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có quyền lực”. (1)

Mặt khác, theo tiến sĩ luật học Từ Đặng Minh Thu, đứng trên phương diện pháp lý, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp. Nếu coi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thì dựa trên luật quốc tế, những lời tuyên bố đó cũng không có hiệu lực.

Hơn nữa, vào thời điểm năm 1958, hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa rất thân thiện, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, những lời tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng hoàn toàn do tình hữu nghị  Việt - Trung. Lời văn của bản tuyên bố cũng không hề nói rõ ràng minh bạch là công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa mà chỉ nói: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy (quyết định ấn định lãnh hải 12 dặm của Trung Quốc) và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”. Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có thể hiểu là lời hứa đơn phương, sẽ tôn trọng quyết định của Trung Quốc trong việc ấn định lãnh hải của Trung Quốc và sẽ ra lệnh cho các cơ quan công quyền của mình tôn trọng lãnh hải đó của Trung Quốc.

Việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung Quốc, không hề có ý định nói đến vấn đề chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, do trình trạng khẩn trương, chiến tranh với Mỹ bắt đầu leo thang, Hạm đội 7 của Mỹ hoạt động trên eo biển Đài Loan và đe dọa Trung Quốc, Thủ tướng Việt Nam đã phải lập tức lên tiếng để ủng hộ Trung Quốc nhằm gây một lực lượng chống đối lại với mối đe dọa của Mỹ.

Như vậy, tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là một sự phát biểu có ý nghĩa chính trị trong tình huống cụ thể thời chiến, so với lập trường và thái độ của Việt Nam nói chung từ thế kỷ XVII đến nay. Do đó, chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc đã viện dẫn từ bức Công thư này là rất yếu, phần lớn các tác giả luật gia chuyên về luật quốc tế, trừ những tác giả Trung Hoa, đều công nhận đều này. (2)

Trên thực tế, những kết luận mà Trung Quốc đưa ra cũng mâu thuẫn với chính các phát biểu của Trung Quốc, trong đó có phát biểu của chính nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Tháng 9-1975, 17 năm sau Công thư nói trên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói với nhà lãnh đạo Việt Nam Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng: “Trung Quốc có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng với nguyên tắc thông qua Hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”. Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12-5-1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của Đặng Tiểu Bình, thể hiện nhận thức của Trung Quốc rằng vấn đề chủ quyền không được dàn xếp có lợi cho phía Trung Quốc qua các phát biểu hay thỏa thuận trước đây. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề quần đảo Hoàng Sa. (3)

Như vậy, có thể kết luận những chứng cứ và viện dẫn mà Trung Quốc đưa ra để chứng minh chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa là sự áp đặt, không có cơ sở lịch sử và pháp lý có tính thuyết phục. Việc cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là nhằm thỏa mãn tham vọng làm bá chủ Biển Đông đúng như Thời báo Thương mại Thái Lan từ năm 1978 đã tiên lượng: “Trung Quốc còn sửa soạn yêu sách không những Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Trường Sa, mà còn cả toàn bộ thềm lục địa phía Đông” (4). Chính âm mưu và tham vọng này mà Trung Quốc đã bất chấp công luận đòi hỏi các nước không được dùng vũ lực, phải thông qua thương lượng để giải quyết những tranh chấp về chủ quyền nếu có. Không chứng minh được chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc dùng vũ lực, dùng sức mạnh quân sự chiếm đoạt trái phép Hoàng Sa và một số đảo của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động đó của Trung Quốc đã phơi bày trước thế giới là hành xử chính sách biên giới theo lập trường sức mạnh.

PGS, TS  TRƯƠNG MINH DỤC


(1) Monique Chemillier - Gendreau: Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Sách tham khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.176.

(2) Nguyễn Q. Thắng:  Sđd, tr. 159 - 167.

(3) Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Lập trường chính thức của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, http://www. dantri.com.vn

(4) Văn Trọng: Sđd, tr. 78.

;
.
.
.
.
.