.
NHỮNG NGÀY Ở BIỂN HOÀNG SA

Bài cuối: Sẵn sàng vươn khơi giữ biển

.

“Mấy chục năm làm nghề biển, tôi đã hai lần bị giông bão nhấn chìm tàu, phải trôi dạt trên biển cả chục ngày, nhịn ăn nhịn uống mà không sợ, thì tôi sợ chi tàu Trung Quốc!”, thuyền viên tàu ĐNa 90328 Nguyễn Văn Đông (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) chia sẻ.

Hai cha con lão ngư Nguyễn Hậu và Nguyễn Văn Phương cùng tham gia giữ biển.
Hai cha con lão ngư Nguyễn Hậu và Nguyễn Văn Phương cùng tham gia giữ biển.

Biển còn, ngư dân còn!

Trông khuôn mặt đen sạm của lão ngư Nguyễn Văn Đông già hơn so với cái tuổi 55. Không già sao được khi cái nghề “hồn treo cột buồm” của ông có biết bao thăng trầm. Chưa đầy 15 tuổi, ông Đông đã đi biển làm thuê, từ vùng lộng đến biển khơi. Suốt chừng ấy thời gian, ông đối mặt với những hiểm nguy trên biển. Ông cho biết, nếu mạng ông không lớn có lẽ bây giờ đã về với ông bà, tổ tiên.

Cách đây khoảng 16 năm, ông Nguyễn Văn Đông cùng với 15 lao động đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa thì bất ngờ bão đến. Không nắm được thông tin để trú tránh bão, tàu bị đánh chìm ngay sau đó. 16 lao động chỉ kịp leo lên hai chiếc thuyền thúng nhỏ. Không thức ăn, không nước uống. “Giữa biển cả mênh mông, không ai tin nổi mình sẽ sống sót. Một ngày trôi qua, hai ngày, lại 3 ngày, khát khô cổ, người đói không còn gượng được sức. 9 ngày trôi qua, sự sống tưởng chừng đã tắt, nhưng đến ngày thứ 10 chúng tôi gặp được hai tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang trú tránh bão ở quần đảo Hoàng Sa nên họ đã cứu được chúng tôi”, ông Đông nhớ lại.

Tuy nhiên, sau khi vào một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa ăn một bữa cơm lấy sức để trở về đất liền, lúc khởi hành chưa được bao lâu thì tàu chở ông Đông cùng 15 lao động khác bị một cơn bão bất ngờ ập đến quật chìm tàu. Các ngư dân, một lần nữa may mắn sống sót. “Hiểm nguy như thế tôi đã từng trải qua thì sự va đâm, truy đuổi của tàu Trung Quốc có sá gì. Tôi không bao giờ sợ họ”, ông Đông khẳng khái.

Còn thuyền trưởng Nguyễn Phú Hùng, dù tuổi còn trẻ nhưng rất can trường. Cơn bão Chanchu năm 2006, anh điều khiển tàu mình không để bị bão nhấn chìm, đồng thời vớt được nhiều thi thể của ngư dân đưa về đất liền. Có 2 thi thể không tìm được thân nhân, Hùng đã tự chôn cất, làm ngày giỗ xem như đó là thân nhân của mình. Chuyến biển Hoàng Sa vừa qua, một lần nữa Hùng thể hiện sự mưu trí, dũng cảm của mình khi phải thường xuyên đối đầu với những “quái vật” trên biển muốn ăn tươi, nuốt sống anh cùng các ngư dân. “Tổ quốc còn, biển còn thì ngư dân chúng tôi còn. Do đó, ngư dân chúng tôi không bao giờ biết sợ”, Nguyễn Phú Hùng khẳng định.

Tiếp tục vươn khơi

10 phương tiện và 100 lao động của hai quận Thanh Khê, Sơn Trà tuy mới về đất liền chưa đầy một tuần nhưng trong tâm thế của họ đã sẵn sàng cho chuyến ra khơi mới.

Sáng 20-7, hai cha con ngư dân Nguyễn Hậu và Nguyễn Văn Phương (tàu ĐNa 90438, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cùng các thuyền viên chuẩn bị bốc 250 cây đá, đổ 3.000 lít dầu cùng nhiều vật phẩm chuẩn bị cho chuyến biển ra khơi làm nghề lưới vây vào tối cùng ngày. Ông Hậu cho biết: “Tổng chi phí chuyến đi biển lần này khoảng 100 triệu đồng. Mặc dù sau gần một tháng miệt mài trên biển với biết bao mệt nhọc, nhưng khi về đất liền, anh em muốn vươn khơi tiếp tục để đánh bắt hải sản”.

Ở quận Thanh Khê, 50 ngư dân đi trong chuyến khai thác, kết hợp bảo vệ chủ quyền trở về vừa qua, giờ cũng đang rục rịch ra khơi. Thuyền trưởng tàu ĐNa 90328 Lê Văn Phi cho biết, đầu tháng 7 âm lịch tới sẽ cho tàu ra khơi Hoàng Sa. “Lẽ ra sẽ ra khơi sớm, nhưng giờ phải lên đà để sửa chữa một số hư hỏng nhỏ sau chuyến biển Hoàng Sa vừa qua”, anh Phi tâm sự. Thuyền viên Nguyễn Văn Đông của tàu ĐNa 90328 dù chân phải đang đau, đi khập khiễng sau chuyển biển dài ngày vừa rồi, nhưng giờ vẫn quyết tâm vươn khơi.

“Máu nghề biển ăn sâu vào trong tâm trí của tôi, ở nhà khó chịu lắm. Hiện tại sức khỏe chưa tốt lắm, nhưng tôi quyết tâm sẽ ra khơi bám biển dài ngày cùng với anh em để vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền”, ngư dân Nguyễn Văn Đông nói. Còn thuyền trưởng Nguyễn Phú Hùng cũng đang thúc giục đơn vị sửa chữa tàu để sớm đưa tàu ra biển. “Chắc đầu tháng 7 (âm lịch) này mình cũng cho tàu ra biển thôi. Làm thuyền trưởng mà ở nhà buồn lắm”, anh Hùng tâm sự…

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết: Ngư dân quận Sơn Trà nói riêng, Đà Nẵng nói chung đều có tinh thần yêu biển đảo quê hương, yêu nước, mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để bám biển, giữ chủ quyền. Ra biển, họ đối đầu với nhiều thứ nguy hiểm, nhưng họ vẫn hiên ngang, vững vàng làm “cột mốc sống” trên biển. Tinh thần ấy xứng đáng được biểu dương, ghi nhận.

Hai cha con cùng giữ biển

Trong chuyến khai thác ngư trường Hoàng Sa, có hai cha con ông Nguyễn Hậu (50 tuổi) và anh Nguyễn Văn Phương (30 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), chủ tàu và thuyền trưởng tàu ĐNa 90438. Lão ngư Nguyễn Hậu có thâm niên hơn 35 năm làm nghề biển, chịu biết bao sóng gió, nhiều lúc tàu trôi dạt hàng chục hải lý vì hư hỏng. Ấy vậy, ông không bao giờ sợ sệt. Và mỗi lần bị tàu Trung Quốc uy hiếp, xua đuổi không cho đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, ông cũng không bao giờ nao núng.

Giống như ông, con trai Nguyễn Văn Phương, thuyền trưởng ĐNa 90438 cũng rất gan dạ. Dù còn trẻ, nhưng Phương tự tin điều khiển con tàu vượt qua biết bao vòng vây của tàu vỏ thép Trung Quốc để tiến sát khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép để đánh bắt, khai thác hải sản, kết hợp đẩy đuổi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.