.

Quản lý học sinh dịp hè

.

Bàn giao học sinh về địa phương là hoạt động thường xuyên của các trường học mỗi dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, để hoạt động sinh hoạt hè thật sự hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và địa phương trong công tác bàn giao, quản lý học sinh, trong đó vai trò của các tổ chức Đoàn, Đội rất quan trọng.

Một buổi sinh hoạt hè tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.
Một buổi sinh hoạt hè tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

1/3 số học sinh tham gia sinh hoạt hè

Hè năm nay, các quận, huyện Đoàn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã triển khai chương trình hoạt động hè cho thanh-thiếu nhi theo kế hoạch của Ban chỉ đạo hoạt động hè. Ngoài sinh hoạt múa hát tập thể, các đơn vị chú trọng đổi mới hình thức, làm phong phú hơn chương trình hoạt động nhằm thu hút học sinh. Cụ thể, Quận Đoàn Liên Chiểu đã tổ chức chương trình “Ngày chủ nhật xanh”, vận động các em tham gia công tác vệ sinh môi trường tại địa phương; tổ chức các lớp năng khiếu bóng đá, bóng bàn; tổ chức giải bóng đá, hội trại hè…

Không chỉ đa dạng về hình thức, các đơn vị còn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Chẳng hạn, Quận Đoàn Thanh Khê tuyên truyền về phòng chống tai nạn thương tích; tổ chức tham quan các di tích cách mạng, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử…

Tuy nhiên thực tế, hoạt động hè chỉ thu hút hơn 1/3 số học sinh tại địa phương. Lý giải điều này, anh Phan Công Bằng, Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, học sinh con các gia đình có điều kiện thường được cha mẹ cho đi du lịch, tham gia các lớp học năng khiếu. Thứ hai, dù có đổi mới so với trước đây nhưng thực sự các hoạt động của Đoàn vẫn chưa phong phú, muốn tổ chức các hình thức tham quan bảo tàng, dã ngoại thì không có kinh phí… Thứ ba, ý thức của học sinh về các hoạt động sinh hoạt hè chưa cao; các cán bộ tại chi đoàn khu dân cư vẫn chưa thể hiện hết vai trò của mình, chưa có nhiều hoạt động sáng tạo…

Là người gắn bó với phong trào Đoàn cấp cơ sở, anh Lê Trường Tiệp, Bí thư Đoàn phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) chia sẻ: “Chúng tôi phải tìm đến tận nhà để kêu gọi các em tham gia sinh hoạt hè. Nhiều em khi hỏi phiếu sinh hoạt hè thì nói không có, thậm chí không biết sinh hoạt hè tại đâu… mặc dù chúng tôi đã niêm yết chương trình hoạt động hè tại UBND phường”.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Trước kỳ nghỉ hè, Sở GD-ĐT và Thành Đoàn đã có kế hoạch phối hợp trong công tác quản lý học sinh dịp hè. Các trường lập danh sách học sinh gửi về địa phương, kết hợp với địa phương quản lý học sinh bằng phiếu sinh hoạt hè. Kết thúc 3 tháng nghỉ hè, học sinh trở lại trường sẽ nộp phiếu sinh hoạt hè có xác nhận của địa phương để làm cơ sở đánh giá xếp loại hạnh kiểm.

Tuy nhiên, công tác quản lý phiếu sinh hoạt hè lâu nay vẫn bỏ ngỏ, như ý kiến của chị Trâm Anh, phụ huynh một học sinh: “Cần có sự ràng buộc trách nhiệm của học sinh đối với hoạt động sinh hoạt hè tại địa phương, nhất là thông qua phiếu sinh hoạt hè. Khi các em chưa ý thức được mặt tích cực của hoạt động hè thì cứ buộc các em tham gia, sau đó các em sẽ thích. Nhất thiết phải cổ vũ các em tham gia sinh hoạt hè. Nên chăng xem phiếu sinh hoạt hè như chứng chỉ học quân sự ở bậc đại học để ràng buộc các em?”.

Theo anh Phan Công Bằng, Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu, những người làm công tác Đoàn đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề này, nhưng các ban, ngành liên quan cho rằng, sinh hoạt hè là sự tham gia tự nguyện của học sinh nên vấn đề đặt ra là Đoàn Thanh niên phải vận động, thu hút các em tham gia. “Thời gian tới, để quản lý tốt học sinh dịp hè, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GD-ĐT và Thành Đoàn; Phòng Giáo dục và các quận, huyện Đoàn.

Trong cuộc họp triển khai kế hoạch cấp cơ sở, cần có sự tham gia của hiệu trưởng các trường, bí thư Đoàn trường và Đoàn phường, UBND phường... Như vậy, mới thực hiện đồng bộ hoạt động. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cần tham gia Ban chỉ đạo hoạt động hè để có kế hoạch hướng dẫn chi tiết theo hệ thống ngành dọc; đồng thời phải làm chặt chẽ phiếu sinh hoạt hè, có quy định khen, phạt rõ ràng những học sinh tham gia và không tham gia. Về phía Đoàn, nên khắc phục những mặt hạn chế, tự tìm kinh phí để làm phong phú hoạt động Đoàn, quảng bá hình ảnh, hoạt động của Đoàn đến gần thanh-thiếu niên”, anh Bằng đề xuất.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.