Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 15-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), thảo luận về chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (Điều 56), nhiều ý kiến tán thành cần có quy định này trong dự án luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị vấn đề môi giới bất động sản cần phải được quản lý chặt chẽ. Đại biểu Phan Trung Lý cho rằng hiện nay “cò đất, nhà” thì nhiều nhưng người môi giới ít. Dự án luật cần quy định chặt chẽ nội dung này nhằm đưa hoạt động môi giới bất động sản vào trật tự.
Việc quy định chặt chẽ thể hiện qua việc quy định cụ thể về điều kiện để trở thành môi giới, ai sẽ là người tổ chức sát hạch...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá việc quy định cụ thể, chặt chẽ về môi giới bất động sản trong dự án Luật sẽ giúp người mua và người bán đi đến giá trị thực của bất động sản. Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu rõ việc quy định nội dung về chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trong dự án Luật là việc cần thiết. Bộ trưởng cho biết qua tìm hiểu, các nước quản lý rất chặt vấn đề này vì liên quan trực tiếp quyền lợi khách hàng và người bán.
Đánh giá dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là bước đi quan trọng đưa quản lý vốn Nhà nước theo một trật tự và tăng tính hiệu quả, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị cần làm rõ Nhà nước còn đầu tư nguồn vốn của mình vào sản xuất kinh doanh nào khác ngoài doanh nghiệp hay không và làm rõ nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước là vốn gì; điều này có liên quan mật thiết tới phạm vi điều chỉnh của dự án luật, có chồng chéo với một số luật, dự án luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, dự án Luật này chỉ quy định các nội dung về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đối với các quy định đầu tư vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội... được quy định trong Luật Đầu tư công; đối với quy định về quản trị doanh nghiệp được quy định ở dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này không chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan.
TTXVN