.

Tập trung thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm

.

Trong phiên thảo luận tại tổ chiều ngày 8-7, đại biểu HĐND thành phố tập trung thảo luận chung quanh các nhóm vấn đề: Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh phát triển kinh tế biển, thu hút đầu tư nước ngoài; tăng đầu tư cho văn hóa có trọng điểm và giải quyết tình trạng quá tải các trường học, kiềm chế tội phạm và tai nạn giao thông…

 Đại biểu Lê Thị Như Hồng đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng các trường học ở ngoại ô là phương pháp bền vững để giải quyết dứt điểm nạn chạy trường chạy lớp và giảm áp lực cho các trường Trung tâm thành phố.
Đại biểu Lê Thị Như Hồng đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng các trường học ở ngoại ô để giải quyết dứt điểm nạn chạy trường, chạy lớp và giảm áp lực cho các trường ở trung tâm thành phố.

Cần hỗ trợ ngư dân, nông dân

Các đại biểu (ĐB) đánh giá cao những nỗ lực và những kết quả kinh tế-xã hội của thành phố đạt được trong 6 tháng đầu năm 2014. Nhiều ý kiến của Tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị Thanh Khê và Liên Chiểu tập trung vấn đề phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, trước tình hình Trung Quốc có hành động gây hấn, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều ĐB đồng tình với gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân và trang bị cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư mà Quốc hội vừa thông qua. Triển khai chính sách này tại Đà Nẵng, cần phải xây dựng quy hoạch phát triển nghề cá một cách đồng bộ cả đóng mới tàu cá vỏ sắt công suất lớn, bao tiêu sản phẩm cho ngư dân, mở rộng nơi neo đậu tàu thuyền.

ĐB Trần Văn Lĩnh nêu bức xúc của ngư dân hiện nay là âu thuyền Thọ Quang đã quá chật chội so với lượng tàu hơn 1.800 chiếc, chưa tính lượng tàu cá ngoài địa phương ghé vào tránh trú mỗi khi có bão lên đến 900 chiếc. ĐB Nguyễn Quốc Bình đồng tình với ý kiến này đồng thời nêu bức xúc tại vịnh Mân Quang hiện nay thành phố phải thuê sà lan làm cầu tàu cá tốn 780 triệu đồng/năm để ngư dân làm thủ tục xuất, nhập bến. Cùng với việc mở rộng âu thuyền, thành phố cần sớm triển khai dự án xây dựng cầu tàu.

ĐB Nguyễn Hoàng Sơn nêu tình trạng ngư dân quận Thanh Khê khi khai thác ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa luôn bị Trung Quốc quấy nhiễu. Sản phẩm khai thác đưa vào bờ bán giá rẻ cho đầu nậu, trong khi đó giá xăng dầu tăng cao làm cho phí tổn đi biển tăng dẫn đến lỗ, có ngư dân đã phải bán tàu. ĐB Đặng Công Thắng đề nghị đưa việc lập Quỹ hỗ trợ ngư dân vào nghị quyết của HĐND thành phố để tạo cơ sở pháp lý vừa để huy động nhân dân thành phố đóng góp vào nguồn quỹ để hỗ trợ ngư dân Đà Nẵng vươn khơi.

ĐB Trần Đình Hồng cho rằng, chính sách hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp do ảnh hưởng giải tỏa, không sản xuất được làm chưa tốt. Hiện nay, đất dự trữ ven sông Cẩm Lệ không thể sản xuất được vì không có nước. Vì vậy, đề nghị thành phố thu hồi hẳn, đền bù cho nhân dân theo quy định, chứ năm nào thành phố cũng có chính sách hỗ trợ vụ mùa là giải pháp không hiệu quả.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn, mặc dù  thành phố đã có chính sách hỗ trợ cho nông dân, nhưng đây chỉ là giải pháp một phần cho người nông dân. Vấn đề rất bức xúc hiện nay là nông dân không có việc làm; bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát dưới sông, khai thác đá… gây sạt lở, lấp đồng ruộng, gây ô nhiễm và thiếu nước. Tình trạng sa mạc hóa sau khi lấy đất là hiện trạng phổ biến, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị HĐND thành phố quan tâm đến vấn đề này.

Nên gộp thành Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch

Giải thích về việc thu hút vốn đầu tư ngoài trong 6 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm ngoái, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thành phố Lâm Quang Minh cho rằng là do tình trạng khó khăn chung về kinh tế của cả nước và cũng chịu ảnh hưởng của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Mặt khác sau một thời gian phát triển, thành phố thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, bảo đảm môi trường. Ông Minh đề nghị nên nhập 3 trung tâm xúc tiến trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch làm một như các địa phương khác đang làm.

Nhiều ĐB ở các tổ đề nghị thành phố phải có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đất tái định cư. ĐB Thái Thanh Hùng nêu vấn đề thành phố còn nợ hơn 1.400 lô đất tái định cư, trong đó gần một nửa số lô đã giao mặt bằng từ năm 2011 trở về trước.

Các hộ dân bị nợ đất tái định cư được hỗ trợ tiền thuê nhà nhưng người dân phải đi lại nhiều lần đến các ban quản lý dự án mới nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà. Về vấn đề giải quyết nợ đất tái định cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, do tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh và thành phố thực hiện giải tỏa xong mới tái định cư nên nợ đất tái định cư còn nhiều. Thành phố đã có lộ trình để giải quyết tình trạng này.

Tăng đầu tư cho văn hóa, giảm tải học sinh

Đề cập đến vấn đề văn hóa, nhiều ĐB đánh giá cao sự quan tâm đầu tư của thành phố cho văn hóa trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, đầu tư văn hóa cho đối tượng công nhân lao động (CNLĐ) ở các khu công nghiệp (KCN) chưa được quan tâm. ĐB Đặng Thị Kim Liên nêu thực trạng 6 KCN của thành phố hiện nay chưa có thiết chế văn hóa cho CNLĐ. ĐB đề nghị thành phố hỗ trợ 1 tỷ đồng để Liên đoàn Lao động thành phố triển khai xây dựng Cung văn hóa Lao động tại KCN Hòa Khánh.

ĐB Kiều Văn Toàn cho rằng, mặc dù là quận trung tâm của thành phố nhưng so với quận Thanh Khê, quận Hải Châu còn thiếu nhiều thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở, do đó thành phố cần quan tâm quy hoạch xây dựng Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận, bên cạnh đó xem xét dành các lô đất trống và di dời các công sở để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở.

ĐB Hoàng Giang Yên Thủy cũng đề nghị thành phố nên quan tâm xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em. ĐB Nguyễn Thị Phượng bày tỏ ủng hộ việc xã hội hóa Công viên 29-3 và đề nghị thành phố có kế hoạch đầu tư xây dựng rõ ràng đối với các công trình văn hóa trọng điểm để tránh việc người dân phải chờ đợi lâu. Đối với việc đầu tư thiết chế văn hóa cho các xã, phường, thành phố cần rà soát nhu cầu thực tế để tránh lãng phí.

ĐB Lê Văn Quang đánh giá thành phố chưa dự báo được tình trạng quá tải học sinh tại các trường tiểu học, đặc biệt là những khu vực tái định cư. Do vậy, thành phố sẽ khó đạt được chỉ tiêu 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày vào năm học 2015-2016. Để giảm tải học sinh ở trung tâm thành phố, ĐB Lê Thị Như Hồng đề nghị thành phố cần có chính sách điều chuyển giáo viên ở trung tâm ra các trường ở ngoại ô thành phố.

Theo ĐB Hồng đây là giải pháp lâu dài còn việc quản lý bằng đăng ký hộ khẩu chỉ là giải  pháp tình thế. ĐB Hồng cũng cho rằng, hiện nay một số địa phương như các tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam không thực hiện thi tuyển sinh lớp 10 và đề nghị ngành giáo dục nên xem xét thực hiện ở Đà Nẵng để giảm áp lực cho học sinh.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Trung Chinh cho biết, ngành cũng đã quan tâm đến điều này từ lâu nhằm giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh; tuy nhiên, nếu thành phố thực hiện bỏ tuyển sinh lớp 10 sẽ gây nên các tiêu cực khác ở trường học và chạy hộ khẩu. Do đó, để giảm áp lực cho học sinh, sắp tới ngành tiếp tục thực hiện tuyển sinh lớp 10 nhưng không ra đề thi quá khó.

Về việc điều chuyển giáo viên, ông Chinh cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã trình kế hoạch cho UBND thành phố nhưng đây không phải là giải pháp tối ưu vì còn phải kèm theo các chế độ chính sách cho giáo viên. ĐB Ngô Thị Kim Yến cho rằng, hiện nay tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học và sau đại học thất nghiệp ngày càng đông, do đó thành phố cần phân luồng ngay từ lớp 12 và thành lập một hội đồng xác định nhu cầu của thành phố để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Xác định cơ chế quản lý Bệnh viện Ung thư

ĐB Nguyễn Đăng Hải đề nghị cần làm rõ cơ chế quản lý Bệnh viện Ung thư để nâng cao hơn hiệu quả hoạt động của bệnh viện. ĐB Ngô Thị Kim Yến đặt vấn đề việc bố trí ngân sách năm 2014 hỗ trợ xây nhà cho nhân viên của Bệnh viện Ung thư có theo cơ chế chính sách thu hút của thành phố hay không. Hiện nay Bệnh viện Ung thư không phải là bệnh viện công, cũng không phải là bệnh viện tư nên không được quyền quyết định giá dịch vụ của bệnh viện. Trong khi một số bệnh viện công trên địa bàn thành phố được thực hiện dịch vụ theo yêu cầu thì Bệnh viện Ung thư không được thực hiện nên rất khó khăn.

ĐB Tạ Tự Bình cho rằng tai nạn giao thông trong 6 tháng qua vẫn là nỗi ám ảnh của người dân, đặc biệt là tai nạn giao thông đường sắt. Theo ĐB, thành phố cần phải thực hiện triệt để Đề án phân bổ dân cư nhằm giảm mật độ người tham gia giao thông trong khu vực trung tâm thành phố và giảm tai nạn giao thông. ĐB Bình cũng lo ngại diễn biến tội phạm trên địa bàn thành phố vẫn phức tạp, nhất là những vụ giết người vì nguyên nhân xã hội.

Liên quan đến vấn đề thu phí giao thông đường bộ đối với xe máy, ĐB Nguyễn Thị Kim Hồng cho biết, thành phố cần sớm có giải pháp thu phí đồng bộ, nhằm tránh tình trạng nơi thu được nơi không, gây bức xúc trong nhân dân. ĐB Vũ Hùng cũng tán thành với tờ trình của UBND thành phố về việc thu phí giao thông đường bộ đối với xe máy. Theo ĐB Hùng, để tăng thêm nguồn thu trong lĩnh vực này, thành phố nên để thêm lại nguồn tiền thu phí giao thông đường bộ đối với xe máy cho phường, xã để đầu từ tu sửa đường, cầu…

S.TRUNG - T.HÙNG - Đ.LƯƠNG

;
.
.
.
.
.