.

Tổ chức tôn giáo tích cực tham gia xã hội hóa y tế, giáo dục, từ thiện

Ngày 29-7, Đoàn công tác của Hội đồng tư vấn về tôn giáo (thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) do GS, TS Đỗ Quang Hưng dẫn đầu có buổi làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và khảo sát một số mô hình của các tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tham gia xã hội hóa trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhân đạo-từ thiện.

Báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tại buổi làm việc cho biết, các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận trên địa bàn thành phố đều hoạt động ổn định. Cùng với hoạt động tôn giáo, các tổ chức tôn giáo có những đóng góp tích cực cho phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham gia các hoạt động y tế, giáo dục, nhân đạo-từ thiện là điểm nổi bật của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả và thiết thực: Cơ sở Tuệ Tĩnh đường (chùa Pháp Lâm) hoạt động 24 năm qua đã khám, chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm nghìn lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; Phòng khám tình thương của các nữ tu Dòng thánh Phao-lô tại 154 Trần Phú duy trì đều đặn khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo vào các ngày thứ ba, năm, bảy trong tuần và còn tổ chức khám, chữa bệnh lưu động ở vùng sâu, vùng xa; Hội Thánh Tin lành tổ chức mỗi năm 5 đợt khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, phối hợp với Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em tặng hàng trăm xe lăn, nạng chống, khung tập đi cho người tàn tật...

Các mô hình tham gia xã hội hóa giáo dục nổi bật là: Trường mầm non Ánh Dương, cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật của các nữ tu Dòng thánh Phao-lô là những cơ sở uy tín về chất lượng giáo dục và hỗ trợ, miễn giảm cho hàng nghìn học sinh nghèo, trẻ khuyết tật. Trên lĩnh vực nhân đạo-từ thiện, hầu hết các tổ chức tôn giáo đều tham gia rất tích cực. Phật giáo có đóng góp rất lớn cho “Quỹ Vì người nghèo” và an sinh xã hội của thành phố; chương trình Nhà đồng tâm của Tòa Giám mục Giáo phận Đà Nẵng hỗ trợ xây mới và sửa nhà cho 520 hộ nghèo; các tổ chức tôn giáo đều có chương trình “nồi cháo tình thương”, “suất ăn tình thương” giúp các bệnh nhân nghèo tại các bệnh biện trong và ngoài thành phố...

Các tổ chức tôn giáo kiến nghị Nhà nước cần có văn bản tạo hành lang pháp lý về cơ chế, chính sách, về huy động tài chính để các tổ chức tôn giáo tham gia tích cực hơn trong xã hội hóa y tế, giáo dục và thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. Chính quyền, Mặt trận các cấp cần thông tin kịp thời đến các tổ chức tôn giáo tình hình thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, các văn bản chính sách về công tác từ thiện-nhân đạo.

S.TRUNG
 

;
.
.
.
.
.