.

Trẻ em hãy mạnh dạn lên tiếng!

.

Tháng 6 - Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”. Những câu chuyện trẻ em bị bạo lực, xâm hại dã man đã, đang và vẫn diễn ra trong cuộc sống.

Điều đáng nói là không chỉ người ngoài mà ngay cả những người thân trong gia đình cũng có những hành vi bạo hành đối với các em. Điển hình vào năm 2013, trên địa bàn thành phố xảy ra vụ siết cổ con của người tình, nạn nhân là em Trương Văn Tuấn (SN 2005, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Năm 2014, em Phan Ngô Việt Phong (SN 2002, trú tổ 5, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) bị người thuê nhà mình đánh gây nứt xương vai…

“Hành động để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành và xâm hại thân thể” sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu người trong gia đình mặc nhiên cho rằng “con tôi, tôi đánh”; người ngoài thờ ơ sợ liên lụy nên “mặc kệ nó”; các động thái từ cơ quan chức năng thì còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của trẻ em. Không ít nơi lập số điện thoại để trẻ gọi khi cần giúp đỡ, nhưng làm cách nào để hầu hết trẻ em biết và thuộc những con số đó (nhiều khi chẳng dễ nhớ) lại là vấn đề ít được quan tâm… Yêu trẻ em là chúng ta đang yêu tương lai của chính mình. Hãy chăm sóc, giáo dục trẻ bằng tình yêu thương để các em lớn lên lành mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần.

Xung quanh vấn đề bảo vệ trẻ em tránh khỏi bạo lực và xâm hại, bà Hà Thị Kim Ánh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng) cho biết:

- Hiện nay, bạo hành trẻ em đang trở thành vấn đề nóng, cần sự quan tâm của cộng đồng và toàn xã hội. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy rằng những vụ bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra, tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em.
Bạo hành xảy ra dưới nhiều hình thức như: hành hạ, đánh đập, chửi bới, quấy rối, lăng nhục, xúc phạm nhân phẩm, danh dự... Tất cả những điều này làm tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Trên địa bàn Đà Nẵng, từ năm 2010 đến nay, theo số liệu của các địa phương và qua theo dõi, tình trạng trẻ em bị bạo hành, ngược đãi xảy ra không nhiều, chủ yếu ở dạng đánh đập, xâm phạm thân thể...

* Khi gặp tình huống bị bạo hành, xâm hại, trẻ em nên phản ứng như thế nào?

- Trước tình huống bị bạo hành, chắc chắn mỗi trẻ sẽ có cách giải quyết khác nhau. Nhưng dù trẻ có cách giải quyết thế nào thì cũng đừng nên cam chịu, nhẫn nhục, có thể tự bảo vệ mình theo các cách sau đây:

Nếu trẻ gặp phải bất cứ hành vi bạo hành nào, hãy mạnh dạn nói chuyện với bố mẹ, ông bà, thầy cô giáo, bạn bè, các cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em… để nhận được sự giúp đỡ. Đừng lo sợ bị trách mắng hay xấu hổ mà giấu giếm sự việc đã xảy ra với mình. Bởi hậu quả của việc đối xử bạo hành với trẻ có thể rất nghiêm trọng, có thể lặp đi lặp lại nhiều lần và cần có sự giải quyết, can thiệp kịp thời của người lớn, của pháp luật và các ban, ngành liên quan.

Nếu ở nơi công cộng, hãy kêu to để mọi người có thể nghe tiếng kêu cứu và giúp trẻ. Hãy tạo ra những hành động làm rối trí bằng cách la lên, đá, cắn hoặc cào, dùng các vật dụng có trong người để đánh vào người đó hoặc nói dối để chạy thoát khỏi nơi đó.

* Giải quyết vấn đề bạo hành trẻ em hiện nay gặp những khó khăn gì?

- Bạo hành trẻ em để lại những hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, học tập, tương lai sau này của trẻ, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi bạo hành đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức.

Cộng đồng, xã hội coi vấn đề bạo hành trẻ em là chuyện thông thường, chuyện riêng của mỗi gia đình; sự can thiệp, lên án của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính chất nhất thời, mờ nhạt. Do đó, bạo hành trẻ em vẫn có điều kiện tồn tại và ngày càng gia tăng. Những trẻ bị bạo hành, ngược đãi do tuổi còn nhỏ, sức yếu, tâm lý sợ hãi, nhút nhát trước những lời hăm dọa, cảnh báo nên các em tự cam chịu, không chia sẻ, không hề cầu cứu nên việc phát hiện gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chế độ thông tin báo cáo của đội ngũ cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ quận, huyện, đến xã, phường, cộng tác viên chưa kịp thời, nhất là các vụ việc về bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em chưa được quan tâm, phát hiện và báo cáo kịp thời (thực tế các trường hợp thành phố phát hiện chủ yếu qua kênh báo chí hoặc kênh thông tin khác). Công tác xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn hạn chế.

* Xin cảm ơn bà!

Khi cần sự hỗ trợ bảo vệ hoặc lên tiếng phòng chống bạo hành, trẻ em liên hệ theo các địa chỉ sau:

- Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): 18001567 (miễn phí, 24/24 giờ, 7 ngày/tuần).

- Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), 342 Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng. ĐT: 0511.3827407.

- Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng, 64 Đống Đa, thành phố Đà Nẵng. Điện thoại đường dây nóng: 0511.3818787.

- Công an xã/phường, quận/huyện.

- Cán bộ phụ trách công tác gia đình và trẻ em xã/phường.

- Tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn.

- UBND các xã, phường.

- Hội LHPN xã/phường.

- Đoàn Thanh niên xã/phường.

- Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện.

HƯỚNG DƯƠNG thực hiện

;
.
.
.
.
.