Tại Đà Nẵng, Ban liên lạc cựu binh Trường Sa vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày nhận nhiệm vụ trên đảo. Những người lính từng cầm súng bảo vệ quần đảo Trường Sa từ năm 1980-1988 của 12 tỉnh, thành phố tụ họp bên nhau, mang theo bao ký ức không thể nào quên về những ngày chung chiến hào giữa biển khơi muôn trùng sóng gió.
Các cựu binh Trường Sa đóng góp ủng hộ xây dựng đảo. |
Cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Xuất Ánh trên đường Trường Sa (Đà Nẵng) của ông Trần Văn Xuất, Trưởng ban liên lạc cựu binh Trường Sa thành phố Đà Nẵng hôm nay bỗng đông đúc, nhộn nhịp hơn. Bên cạnh cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông được xây dựng ngay trong khuôn viên của cơ sở đá mỹ nghệ là khẩu hiệu “Biển đảo mãi mãi trong trái tim tôi”. Không khí nóng dần lên với sự tụ họp của gần 200 cựu binh - những người lính từng sống, chiến đấu và bảo vệ quần đảo Trường Sa từ năm 1980-1988. Những cựu binh có mặt để tham dự lễ kỷ niệm ngày đầu tiên họ đặt chân lên đảo Trường Sa cách đây tròn 30 năm.
Đến từ 12 tỉnh, thành phố, từ Thái Bình vào tận Vĩnh Long, những chiến sĩ Trường Sa ngày nào giờ mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống khác nhau, nhưng trong tim họ vẫn vẹn nguyên tình yêu biển đảo. Cùng nhau trải qua những ngày gian khổ khi đất nước còn vô vàn khó khăn, cuộc sống của lính đảo ngày ấy thiếu thốn trăm bề, từ ngọn rau xanh đến giọt nước uống. Tất cả đều là thử thách với những người lính trẻ. Ông Nguyễn Văn Tho, cựu binh Trường Sa đến từ thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) vẫn còn nhớ như in: “Hai năm trên đảo, xung quanh chỉ có mênh mông sóng biển trời mây, chúng tôi đã vượt qua nỗi nhớ đất liền, người thân, cầm chắc tay súng quyết tâm giữ gìn biển đảo”.
Chính tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo đã gắn kết họ với nhau để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Ngày xuất ngũ, cuộc sống cuốn họ đi mỗi người một ngả với nỗi lo mưu sinh. Nhiều người đã vươn lên và thành đạt, nhưng vẫn có rất nhiều người còn khó khăn. Chính tình đồng đội và tình yêu biển đảo đã thôi thúc họ tìm được nhau để thành lập Ban liên lạc cựu binh Trường Sa ở nhiều tỉnh, thành phố và hoạt động rất tích cực.
Hầu như năm nào các thành viên trong hội cũng gặp gỡ nhau ít nhất một lần, cùng động viên nhau giữ vững phẩm chất người lính Trường Sa kiên cường, đồng thời tìm cách giúp đỡ các hội viên gặp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn. Ông Trần Văn Xuất, một trong những người thành đạt, đã dành nhiều thời gian và tiền của xây dựng một cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông ngay trong khuôn viên cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của mình. Từ cột mốc này, ông đã tìm và tập hợp được nhiều đồng đội Trường Sa trên khắp đất nước.
Lần gặp nhau trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày đặt chân lên đảo cũng đúng vào lúc tình hình Biển Đông căng thẳng. Từ Thái Bình, từ Vĩnh Long xa xôi, những người lính Trường Sa lặn lội về khúc ruột miền Trung. Ông Nguyễn Văn Tho bày tỏ: “Chúng tôi là những người lính từng cầm súng bảo vệ biển đảo của quê hương, giờ đây chúng tôi càng thấy mình phải làm gì đó để góp phần bảo vệ biển đảo. Dù đã là cựu binh, nếu Tổ quốc cần, chúng tôi lại sẵn sàng lên đường làm người lính ra tận Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời tích cực động viên con cháu cũng như người thân và mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Với ông Xuất, mỗi chiều ngồi nhìn ra khơi xa, ông lại nhớ Trường Sa. Ông tâm sự: “Mới đây, tôi vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân cho ra thăm lại đảo Trường Sa, thấy cuộc sống của đồng đội trên đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tôi muốn phát động trong cựu binh Trường Sa phong trào góp đá xây Trường Sa”. Và hôm nay, ý tưởng của ông Xuất đã thành hiện thực. Trong ngày kỷ niệm 30 năm đặt chân lên đảo, những người lính Trường Sa năm xưa đã đóng góp hơn 13 triệu đồng gửi đến những người đang giữ đảo.
Sau 30 năm, những người lính Trường Sa năm xưa giờ đây lại cùng đứng chung chiến hào, thể hiện tình yêu biển đảo bằng những suy nghĩ và hành động cụ thể, thiết thực nhất. Với họ, Trường Sa, Hoàng Sa luôn là máu thịt.
CÁT TƯỜNG