.

Từ một chương trình thí điểm

.

Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, lao động luôn được các cấp Công đoàn quan tâm. Năm 2012, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hội nghị tổng kết chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc do LĐLĐ thành phố tổ chức.
Hội nghị tổng kết chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc do LĐLĐ thành phố tổ chức.

Trong hơn 50.000 công nhân, lao động đang tham gia lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, phần đông là lao động nhập cư, thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, trình độ học vấn còn hạn chế và chưa đồng đều, ít có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần; đặc biệt là công nhân lao động ở các khu công nghiệp - chế xuất (KCN-CX). Điều này dễ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, nếu công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật không được quan tâm đúng mức. Đó là lý do mà thời gian qua các cấp Công đoàn luôn quan tâm, chú trọng, đặc biệt đưa chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc vào triển khai ở các doanh nghiệp ở khu vực này.

Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng được LĐLĐ thành phố chọn làm thí điểm triển khai chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc trong năm 2012, đồng thời tiến hành tuyên truyền tại 15 đơn vị khác trong các năm tiếp theo. Mục tiêu mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc được triển khai tại Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng là hướng đến xây dựng chính sách phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc, đào tạo đội ngũ báo cáo viên nòng cốt của công ty có những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS và có khả năng đứng báo cáo trong các buổi tuyên truyền, truyền thông trực tiếp cho công nhân lao động, cấp phát tờ gấp, bao cao su, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS…

Sau 2 năm triển khai chương trình, LĐLĐ thành phố đã đào tạo được 30 công nhân, lao động đáp ứng yêu cầu; tổ chức 15 buổi truyền thông trực tiếp với gần 3.000 công nhân, lao động tham dự, giúp họ ý thức rõ hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống HIV/AIDS cũng như cách bảo vệ mình trước tác động của đại dịch; góp phần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, bảo vệ sức khỏe của người lao động, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp... Đánh giá kết quả đạt được qua việc thí điểm tại Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Lê Quốc Linh  cho biết: Chương trình đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao từ lãnh đạo Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, đã tạo mọi điều kiện để Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở triển khai tốt các hoạt động, vì vậy chương trình đã đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, với khuôn khổ của một chương trình thí điểm, qua thực tế mới thấy rằng công nhân, lao động tại các KCN-CX cần nhiều hơn thế. Anh Phan Thế Huy Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng mong muốn: “Chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa và kết quả của chương trình, tuy nhiên cần có kế hoạch thực hiện chương trình trong một thời gian dài và liên tục để công tác tuyên truyền đem lại kết quả cao hơn. Đồng thời, đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt do chương trình đào tạo nên được trang bị kỹ năng nhiều hơn nữa để đáp ứng công tác tuyên truyền tại doanh nghiệp như chương trình đề ra lúc đầu”. Do kinh phí dành cho công tác truyền thông hạn chế nên việc đưa các lớp tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đến với công nhân, lao động còn khó khăn. Vì thế, với 15 buổi truyền thông trực tiếp cho gần 3.000 công nhân lao động tham dự so với con số hơn 50.000 công nhân, lao động đang tham gia lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thì còn quá ít.

Hy vọng, cùng với sự nỗ lực của các cấp Công đoàn và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc thời gian đến sẽ đạt nhiều kết quả hơn nữa.

Bài và ảnh: TRÀ GIANG
 

;
.
.
.
.
.