Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, Đà Nẵng không những là địa phương có tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm (MBH) cao nhất cả nước mà người dân còn rất ý thức trong việc sử dụng loại MBH đạt chất lượng.
Từ trung tâm thành phố đến... vùng ngoại ô gần như 100% người dân thành phố khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, mô-tô đều đội mũ bảo hiểm. |
Sáng kiến của Đà Nẵng
Hình ảnh người dân thành phố đội MBH gần như tuyệt đối khi tham gia giao thông đã trở thành ấn tượng đẹp với những người từ địa phương khác đến Đà Nẵng. Đây là kết quả của những sáng kiến mang tính đột phá của thành phố được người dân nhiệt tình ủng hộ. Đầu tiên là việc thành phố mời gọi doanh nghiệp chuyên sản xuất MBH chất lượng cao là Công ty TNHH Sản xuất-thương mại Nhựa Chí Thành đến Đà Nẵng xây dựng nhà máy và ưu đãi cho thuê 5.000m2 đất, đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp 8 tỷ đồng. Đổi lại, trong 3 năm doanh nghiệp cung cấp cho thành phố 100.000 MBH đạt chất lượng. Với nguồn MBH này, Ban ATGT thành phố triển khai chương trình đổi MBH đạt chất lượng và đạt kết quả cao.
Thông qua sự phối hợp với ngành giáo dục, các địa phương, các ngành và hội, đoàn thể, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á tổ chức các chương trình tuyên truyền về việc đội MBH đạt chất lượng để bảo đảm an toàn. Chương trình có sức lan tỏa rộng lớn đến với mọi người dân thành phố, đặc biệt ngành Giáo dục-đào tạo đạt kết quả cao nhất với 100% học sinh các trường tiểu học ở thành phố đội MBH khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Ban ATGT các quận, huyện còn phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra và đổi MBH cho người dân. Chính nhờ hoạt động này đã có hàng chục ngàn người đã được mua MBH đạt chất lượng với giá chỉ có 100.000 đồng/chiếc.
Để chứng minh với người dân về những chiếc MBH không đạt chất lượng, các tổ kiểm tra đều được trang bị máy kiểm tra về độ va đập, độ xuyên thấu, qua đó tác động mạnh mẽ và thuyết phục người dân quyết định chọn lựa sử dụng MBH đạt chất lượng thay vì đội MBH thời trang. Trong công tác kiểm tra cũng có nhiều cách làm hay, như: việc thực hiện đổi bán MBH ngay tại chỗ, trong trường hợp người tham gia giao thông không có tiền thì vẫn bán MBH cho người dân nhưng sẽ tạm giữ giấy tờ xe và sẽ hoàn trả lại khi người dân trả tiền MBH.
Chính nhờ cách làm này, đến nay thành phố đã cấp đổi được gần 80.000 MBH đạt chất lượng và đang phấn đấu hoàn thành 100.000 MBH vào cuối tháng 9-2014. Về phía Công ty TNHH Sản xuất-thương mại Nhựa Chí Thành, thông qua kênh bán lẻ tại thành phố đã có trên 50.000 MBH được bán cho người dân thành phố.
Hiệu quả của chương trình
Thống kê của Ban ATGT thành phố cho thấy, từ năm 2007 đến 2012, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.080 vụ TNGT, làm chết 816 người và bị thương 830 người. Đặc biệt, trong hai năm 2009 và 2010 (thời điểm chưa triển khai chương trình bán MBH), tình hình TNGT diễn biến khá phức tạp với số vụ và người chết vì TNGT đều tăng. Nhưng, từ khi thành phố triển khai công tác tuyên truyền, đặc biệt là chương trình đội MBH đạt chất lượng, tình hình đã chuyển biến rất tích cực với việc TNGT đã giảm trên cả 3 tiêu chí qua từng năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng ATGT thành phố, thông qua các hoạt động tuyên truyền về ATGT nói chung cũng như về MBH nói riêng đã tạo nên sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội và nhận được sự ủng hộ của người dân. Hiện nay, không những gần 100% người dân thành phố khi tham gia giao thông đội MBH mà còn sử dụng loại MBH đạt chất lượng.
Theo phản ánh của các đội CSGT làm nhiệm vụ trên đường, trong số những người đi đường vi phạm lỗi không đội MBH hoặc sử dụng MBH không đạt chất lượng, chủ yếu là người địa phương khác đến. Có thể nói, mục tiêu đến cuối năm 2014, thành phố có 100% người dân tham gia giao thông đội MBH đạt chất lượng là trong tầm tay.
Lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra MBH UBND thành phố Đà Nẵng vừa ra Quyết định số 3769/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH trên địa bàn thành phố. Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng: Chi cục Quản lý thị trường, CSGT, Cảnh sát Kinh tế, Sở Công thương, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng; có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh buôn bán MBH giả mạo, mũ không phải MBH dành cho người đi mô-tô, xe gắn máy, xe máy điện. Đoàn kiểm tra bắt đầu hoạt động từ 15-6 đến 30-6-2014. Từ ngày 1-7-2014, lực lượng CSGT sẽ ra quân kiểm tra chuyên đề về MBH đối với người tham gia giao thông. Cách thức chọn mua MBH hợp quy và đạt chất lượng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (Bộ khoa học và Công nghệ) vừa có hướng dẫn giúp người dân qua quan sát bằng mắt thường để chọn mua được loại MBH hợp quy và đạt tiêu chuẩn phải đảm bảo các yếu tố sau: Cấu tạo: Kết cấu của MBH phải có đủ 3 bộ phận là vỏ mũ (phần vỏ bên ngoài có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội); đệm hấp thụ xung động (hay còn gọi là đệm bảo vệ) bên trong vỏ mũ (phải đủ rắn chắc, có tác dụng làm giảm chấn động tới đầu người đội); quai đeo (phải đủ bền chắc, có tác dụng giữ chắc mũ vào đầu người đội). - Bề mặt phía ngoài của vỏ mũ và các bộ phận lắp vào mũ phải nhẵn, không có vết nứt, không có gờ và cạnh nhọn, sắc. Đầu đinh tán, bu-lông không được cao hơn 2 mm so với bề mặt phía ngoài của vỏ mũ. - Nhãn mũ: Phải có đầy đủ các thông tin như: Tên sản phẩm là “Mũ bảo hiểm cho người đi mô-tô, xe máy”; tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc tên và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, xuất xứ - trong trường hợp là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất; dấu hợp quy CR. - Mũ bảo hiểm đội phải vừa đầu, bảo đảm góc nhìn và bảo đảm phạm vi che phủ theo từng loại mũ. |
Trần Luân Sơn