Đi trên những con đường rộng đến 7,5 mét, cứ tưởng đây là những khu dân cư được quy hoạch bài bản trong khu vực nội thành. Nhưng không, đây là những tuyến đường liên thôn mang tên: Trà Kiểm, Quá Giáng 2, Nhơn Thọ 1… của xã Hòa Phước. Từ những con đường như thế mà người dân xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) thắt chặt tình đoàn kết, tạo tiếng nói đồng thuận cho mọi phong trào.
Diện mạo nông thôn mới Hòa Vang ngày càng hiện đại. Ảnh: N.C |
Đi tắt, đón đầu
Một trong những trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện Hòa Vang về chương trình xây dựng nông thôn mới chính là tiêu chí môi trường rất khó thực hiện, bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan. Do điều kiện kinh tế hạn hẹp, phong tục, ý thức sinh hoạt cũ… khiến cho hàng ngàn nhà vệ sinh của người dân không đạt chuẩn. Nhưng cách mà Mặt trận xã Hòa Phước đón đầu, không trông chờ ỷ lại được nhiều xã khác khâm phục. Đó là năm 2012, qua khảo sát, xã còn 65 hộ dân có nhà vệ sinh không đạt chuẩn. Do vậy, Mặt trận xã đứng ra nhận trách nhiệm chuẩn hóa 100% nhà vệ sinh cho dân trong 2 năm 2012 và 2013. Thông qua vận động mạnh thường quân, chủ doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp vật liệu xây dựng và tiền, đến cuối năm 2013, xã Hòa Phước hoàn thành tiêu chí về môi trường. Cũng chính làm sớm nên khi nguồn kinh phí 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân Hòa Vang xây nhà vệ sinh, xã Hòa Phước không nhận hỗ trợ mà san sẻ cho những xã khó khăn hơn.
Khi phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy lên cao trào thì song song với công tác vận động, Mặt trận xã Hòa Phước chủ động tham gia giám sát xây dựng chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, chất lượng thi công các công trình hạ tầng nông thôn như: công trình thủy lợi, đường bê-tông nông thôn, nhà văn hóa thôn, khu vui chơi, chợ… được giám sát chặt chẽ. Do vậy, từ năm 2011 đến nay, xã Hòa Phước không để xảy ra đơn thư tồn đọng kéo dài cũng như không có khiếu kiện đông người. Các công trình xây dựng cơ bản thực hiện đúng thiết kế, chất lượng bảo đảm, không tác động xấu đến môi trường và tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
Từ dân mà ra
Để tạo được những đổi thay kỳ diệu bộ mặt nông thôn mới ở xã vùng ven Hòa Phước như ngày hôm nay, ngoài sự chung tay giúp sức của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Phước không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do địa phương phát động, nhất là phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt, nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ được các tầng lớp nhân dân Hòa Phước hưởng ứng bằng tinh thần làm theo. Nhiều tấm gương tiêu biểu là cán bộ, nông dân… được thành phố và huyện Hòa Vang tuyên dương.
Từ năm 2009 đến 2014, Mặt trận xã Hòa Phước vận động Quỹ vì người nghèo được 218 triệu đồng. Nguồn quỹ này dành hỗ trợ sinh kế giúp 267 hộ nghèo theo tiêu chí cũ và 160 hộ nghèo theo tiêu chí mới thoát nghèo, hỗ trợ đồ dùng học tập cho các em học sinh con hộ nghèo có điều kiện đến trường, hỗ trợ hộ nghèo khám, chữa bệnh, trợ cấp hộ nghèo khó khăn trong dịp Tết... Riêng về xây dựng nông thôn mới, Mặt trận xã đã vận động nhân dân đóng góp hơn 1,7 tỷ đồng, tham gia hàng trăm ngày công, hiến hàng nghìn mét vuông đất, tự giác tháo dỡ nhiều tường rào, cổng ngõ, vật kiến trúc, phá bỏ cây cối, hoa màu… để xây dựng các công trình dân sinh, công trình phúc lợi, hạ tầng nông thôn; tổng giá trị quy ra tiền lên đến vài tỷ đồng. Qua chuyển đổi mô hình sản xuất, người dân xã Hòa Phước tăng thu nhập, tỷ lệ hộ giàu tăng nhanh.
Có thể nói thành công lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể của xã Hòa Phước là đã khơi dậy ý thức, huy động nội lực thật sự từ sức dân để nhanh chóng đưa diện mạo nông thôn mới thay đổi tích cực, toàn diện hơn.
Việt Dũng