Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản di chúc vô cùng quý báu. Di chúc là một nguồn cổ vũ lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa nước nhà vững bước tiến lên CNXH. Nhân kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2014), Báo Đà Nẵng mở chuyên mục “45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” nhằm làm rõ hơn những giá trị vô cùng to lớn của Di chúc, từ đó góp phần động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thi đua thực hiện Di chúc trong giai đoạn cách mạng mới.
Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá chứa đựng biết bao giá trị theo tinh thần đổi mới vì một đất nước đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Di chúc đề cập đến nhiều nội dung nhưng trước hết là nói về Đảng và việc cần phải làm trước tiên ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi là chỉnh đốn lại Đảng. Chỉnh đốn lại Đảng có nhiều nội dung nhưng trong đó một khâu cần kíp, cơ bản và cấp bách là rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ngay từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cán bộ và công tác cán bộ. Người đánh giá cao vai trò, vị trí của cán bộ. Theo Người, “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu và rất cần kíp”; “vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”; “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”…
Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Trước khi Đảng ra đời, Người có một thời gian hơn mười năm để nghiên cứu lý luận và thực tiễn về Đảng Cộng sản nói chung và đảng cầm quyền nói riêng. Ngay trong tác phẩm Đường cách mệnh, khi nói về lịch sử cách mệnh Nga 1917, Người đã nói đến “Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra Chính phủ công, nông, binh, tổ chức kinh tế mới để thực hiện chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới”.
Tổng kết 39 năm Đảng lãnh đạo cách mạng, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. (1)
Một trong những trăn trở lớn nhất của Hồ Chí Minh là khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Đảng sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách, trở lực. Cán bộ, đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền mà không tu dưỡng đạo đức sẽ là làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Chỉ nửa tháng sau khi tuyên bố độc lập, Người đã viết: “Công việc phá hoại đã xong. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết. À! Việc này mới khó chứ! Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước. Vả lại, chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều: nào quân sự, nào ngoại giao, nào tài chính…, trăm đầu nghìn mối, đều những việc mới lạ cho chúng ta. Lại thêm nguy hiểm ngoại xâm và tình hình nội trị”. (2) Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, “thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”. (3) Trong Di chúc, Người coi việc “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, đó là một cuộc chiến đấu khổng lồ”. (4)
Hồ Chí Minh nói đến “lạc hậu”, “cũ kỹ”, “hư hỏng”, “kinh nghiệm ít, tài năng kém”, “tình hình nội trị” là nói đến sự yếu kém của tổ chức đảng từ trung ương đến địa phương và sự thoái hóa, biến chất một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên khi họ có một chút quyền hành trong tay. Người sớm nhận thức được từ việc phá hoại đến việc xây dựng, kiến thiết là hai giai đoạn với hai quy luật hoàn toàn khác nhau. Hai giai đoạn đó đòi hỏi đạo đức và năng lực cũng khác nhau. Khi chưa có chính quyền, Đảng chưa phải là Đảng cầm quyền, không thể có tình trạng tham ô, lãng phí, quan liêu.
Nhưng trong điều kiện cầm quyền, cán bộ, đảng viên rất dễ “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng”, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. (5) Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên rất dễ hành xử theo kiểu “đè đầu cưỡi cổ dân, vác mặt làm quan cách mạng”. Đúng 45 ngày sau khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra có “nhiều người phạm những lỗi lầm rất nặng nề như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo”. (6)
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh sớm phát hiện ra một số cán bộ, đảng viên đã lợi dụng, lạm dụng quyền lực, tham quyền cố vị để vun vén cho lợi ích cá nhân, xa rời con đường cách mạng. Vì danh lợi, họ biến chất, trở thành những cán bộ hư hỏng. Người viết: “Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng. Có những người miệng thì nói: phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân. Chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng”. (7)
Điều nguy hại nhất trong điều kiện Đảng cầm quyền là nếu cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, hư hỏng sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, dẫn đến nguy cơ Đảng mất vai trò lãnh đạo và liên quan đến sự tồn vong của chế độ. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng trên cơ sở cán bộ, đảng viên thường xuyên gắn bó mật thiết với dân, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân là chỗ dựa vững chắc nhất của Đảng. Ngược lại, quan liêu, mệnh lệnh, thiếu tinh thần trách nhiệm, không quan tâm đời sống của nhân dân, “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”. (8) Đó chính là sự “thất bại về mặt chính trị của Đảng”. (9)
Sự quan tâm của Hồ Chí Minh về Đảng, về đội ngũ cán bộ, đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền đặt ra nhiều vấn đề cho công tác xây dựng Đảng hiện nay. 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải thấm nhuần sâu sắc những lời căn dặn của Người, đặc biệt là rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.
(Còn nữa)
PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.497.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.20.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.4.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.505.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.292.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.57-58.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.494.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.286.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.293.