Triển lãm mỹ thuật về những nàng công chúa nổi tiếng của Walt Disney bị chính cha mình cưỡng bức là cách mà người Úc sử dụng để cảnh báo cho phụ huynh và “những nàng công chúa nhỏ” trong mỗi gia đình nhận thức rõ hơn về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em, đặc biệt nguy cơ từ người thân.
Tình yêu, sự chăm sóc, bảo vệ trong môi trường an toàn là điều mà bất kỳ trẻ em nào cũng xứng đáng được hưởng. (Ảnh do Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng cung cấp. Ảnh mang tính minh họa) |
Công chúa bị tấn công tình dục
Mặc dù tràn ngập hình ảnh đầy màu sắc về những nàng công chúa nổi tiếng mà bất kỳ trẻ em nào cũng có thể đọc tên như: Ariel (Nàng tiên cá), Jasmine (Aladin và cây đèn thần), Belle (Giai nhân và quái vật)…, triển lãm mang tên “Princess” (Công chúa) vừa diễn ra ở Úc mang lại cảm giác ám ảnh cho bất kỳ ai bởi hình ảnh công chúa bị cha mình tấn công tình dục. Nỗi sợ hãi, ghê tởm, bất lực toát ra từ ánh nhìn của những nàng công chúa xinh đẹp. Saint Hoax, họa sĩ người Trung Đông, tác giả của triển lãm, hy vọng những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với thế giới tuổi thơ sẽ làm nổi bật thực trạng phổ biến của việc xâm hại tình dục bởi các thành viên trong gia đình, đồng thời khuyến khích nạn nhân tội loạn luân trình báo và tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía cộng đồng.
Triển lãm tạo làn sóng bất bình ở nhiều bang của Úc, các bậc phụ huynh phẫn nộ bởi Saint Hoax đã làm vấy bẩn hình ảnh trong sáng nhất, đẹp đẽ nhất của thế giới cổ tích. Nhiều trẻ em đã òa khóc bởi không thể chấp nhận được người cha bao dung trong phim hoạt hình lại có thể có bất kỳ hành động tổn hại nào cho những nàng công chúa xinh đẹp. Mặc dù vậy, theo thống kê, hầu hết phụ huynh và các em nhỏ đến với triển lãm đều thừa nhận hình ảnh nhiều màu sắc quen thuộc của thế giới tuổi thơ là biện pháp cảnh báo hiệu quả nhất từ trước đến nay mà họ được tiếp cận. Bằng cách để những người cha của Disney đóng vai kẻ hiếp dâm trẻ em, Saint Hoax đã giúp phụ huynh và các em nhỏ hiểu rằng, tấn công tình dục có thể xảy ra ở bất kỳ gia đình nào, từ phía những người thân cận nhất.
Mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 40 triệu trẻ em bị lạm dụng tình dục, trung bình cứ 2 phút trôi qua lại có một trẻ em bị cưỡng hiếp. 46% trẻ bị cưỡng hiếp là nạn nhân của các thành viên trong gia đình.
Riêng tại Đà Nẵng, theo số liệu do Sở Công an thành phố cung cấp, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Đà Nẵng có 6 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, 2 trong số đó do bố và anh ruột thực hiện.
Cảnh báo
Vụ án cha ruột hiếp dâm con gái trong thời gian dài tại phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) được phanh phui vào ngày 14-6 làm không ít bậc làm cha làm mẹ theo dõi phiên tòa lặng người xót xa. Việc anh trai sinh năm 1997 làm chuyện loạn luân với em gái sinh năm 2006 tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) cũng gây bàng hoàng cho nhiều người dân Đà Nẵng.
“Dư luận xã hội biểu hiện sự phẫn nộ đối với người cha thú tính và dành sự thương cảm cho bé gái. Nhưng có lẽ không nhiều cha mẹ biết rằng, bé gái đó đang chịu đựng thương chấn tinh thần khó chữa lành. Và có lẽ, họ cũng chưa hiểu đây là hồi chuông cảnh báo cho chính con cái của mình ở nhà”, ông Nguyễn Văn Tú, cán bộ phụ trách công tác bảo vệ quyền trẻ em, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng nói.
Bà Hà Thị Kim Ánh, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho biết, bất kỳ người cha nào cũng phải có tình yêu, sự chăm sóc, bảo vệ, tạo môi trường an toàn nhất cho con trẻ. Thế nhưng, vẫn có câu chuyện đau lòng về việc cha xâm hại chính con ruột của mình, hành vi đó đi ngược với các giá trị tuyền thống và cần bị lên án mạnh mẽ.
Nạn nhân thường là các em nhỏ tuổi, sức yếu, tâm lý sợ hãi, nhút nhát, không có khả năng để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ xâm hại. Nhiều em bị đe dọa nên đã giấu gia đình, tự cam chịu, không chia sẻ, không cầu cứu sự giúp đỡ và mặc nhiên trở thành nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục trong thời gian dài. Điều này để lại hậu quả khôn lường đối với sức khỏe, đời sống tinh thần và tương lai của trẻ.
Hiểu và bảo vệ con bằng trái tim yêu thương
Theo bà Hà Thị Kim Ánh, để giúp các em nhỏ hiểu và chia sẻ với cha mẹ về bất kỳ sự không an toàn nào xảy ra với mình, cần trang bị thông tin, giáo dục kỹ năng sống cũng như các nguyên tắc an toàn cá nhân để bảo vệ các em khỏi các dạng xâm hại khác nhau, bất kể từ người lạ, bạn bè hay người thân quen trong gia đình. Dạy trẻ biết tin vào trực giác và cảm nhận của chính mình, bởi trẻ em có sự nhạy cảm thiên bẩm về những điều bất thường đang đến. Cha mẹ nên dạy trẻ biết cách tin vào cảm nhận, linh tính của chính mình dù chưa biết linh tính đó có chính xác hay không. Khi cảm thấy có điều gì không bình thường có thể xảy ra thì trẻ cần đề phòng.
Cũng theo bà Hà Thị Kim Ánh, người lớn thường tỏ ra uy quyền và kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của trẻ. Điều này làm trẻ càng sợ hãi khi nói về cảm xúc và lo lắng của mình. Vì vậy, hãy giúp trẻ biết rằng, cơ thể là của bản thân trẻ, không ai có quyền động chạm, sờ mó một cách thô lỗ. Giúp trẻ hiểu về cơ thể, quyền tự chủ và lòng tự trọng, từ đó có trách nhiệm với bản thân và biết nói “không” với bất cứ hành vi xâm phạm nào của người khác. Nhiều kẻ xâm hại tình dục thường dụ dỗ, đe dọa hay ép buộc để trẻ không tiết lộ. Cha mẹ phải tạo cho trẻ niềm tin rằng cha mẹ là chỗ dựa vững vàng nhất, trẻ không nên giấu kín về những gì làm cho trẻ sợ hãi hay đau đớn mà nên nói ra để được giúp đỡ.
Mỗi em bé trong gia đình là một nàng công chúa nhỏ, xứng đáng để được nuôi dưỡng, bảo vệ và che chở. Tuy nhiên, ngay cả đến công chúa cũng có khả năng bị hại và trong trường hợp đó, công chúa phải lên tiếng để tự bảo vệ mình.
Tại các nước trên thế giới, việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là từ các thành viên trong gia đình đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng. Nhiều cuộc vận động, tuyên truyền quy mô lớn đã được tổ chức nhằm nâng cao sự cảnh giác của người thân, đặc biệt nêu cao vai trò của người mẹ. Bởi lẽ, chỉ cần trái tim yêu thương, nhạy cảm của người mẹ cũng có thể cảm nhận được những bất thường của con trẻ mà không cần đến lời nói.
MAI CHI MAI