.
CẢM HÓA, GIÁO DỤC THIẾU NIÊN HƯ, VI PHẠM PHÁP LUẬT Ở NGŨ HÀNH SƠN

Chuyển biến, nhưng chưa bền vững

.

Việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy Đà Nẵng đã được quận Ngũ Hành Sơn triển khai với quyết tâm cao, nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác hỗ trợ thiếu niên hư, vi phạm pháp luật.

Đại diện Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn (bìa phải) trao quà tiếp sức đến trường cho một học sinh trên địa bàn quận.
Đại diện Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn (bìa phải) trao quà tiếp sức đến trường cho một học sinh trên địa bàn quận.

Về khu vực Đa Mặn 1A, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, chúng tôi được nghe anh Đặng Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố kể câu chuyện về sự tiến bộ không ngờ của em Trương Văn Tiến T. Em T. sinh ra trong một gia đình có 2 chị em, bố mất sớm, học hết lớp 9, T. thường xuyên bị bạn bè xấu lôi kéo nên chơi bời lêu lổng; thường xuyên uống rượu gây mất trật tự công cộng tại địa phương, gây rối trong gia đình. Mẹ, chị của T. và cả những người bà con thân thích đều bất lực trước những hành động gây rối của T. Trước hành động trên, Ban bảo vệ dân phố cùng Ban công tác Mặt trận, cấp ủy Chi bộ Đa Mặn 1A đến gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của T; đồng thời cử người kèm cặp, theo dõi từ nhiều phía… Sau một thời gian, T. có sự chuyển biến rõ nét. Đến năm 2001, T. lên đường làm nghĩa vụ quân sự và đã xuất ngũ cuối năm 2013. Theo anh Đặng Văn Tuấn, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, hiện nay T. rất nhiệt tình và tham gia tốt mọi công tác ở địa phương; đến nay T. đã tự học nghề và đã tìm được việc làm ổn định.

Cũng giống như trường hợp của T. (phường Khuê Mỹ), em Hồ Văn V. (sinh năm 1996), ở tổ 13 phường Hòa Quý cũng bị bạn bè lôi kéo. Học xong lớp 9, V. nghỉ học, lao vào ăn chơi, khi không có tiền thì nảy sinh ăn cắp vặt và sống buông thả ngoài sự quản lý của gia đình. Rất may, Đoàn Thanh niên phường Hòa Quý đã sớm phát hiện, kèm cặp; đồng thời đề nghị Thành Đoàn Đà Nẵng hỗ trợ xe đạp và tiền để V. có điều kiện học nghề. Theo Bí thư Đoàn phường Hòa Quý Cao Xuân Tuấn, hiện nay, V. đã học xong nghề hàn gò. Tuy nhiên, điều thú vị là em đã tự nguyện viết đơn tham gia nghĩa vụ quân sự. Em đã khám và đã trúng tuyển, đang chờ nhập ngũ đợt 2-2014.

Trường hợp của các em T. và V. cũng giống như gần 80 trường hợp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, nhờ phát hiện, giáo dục và phối hợp cảm hóa tốt nên các em đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể rà soát, lập danh sách 73 lượt đối tượng là thiếu niên hư, vi phạm pháp luật đưa vào danh sách quản lý. Trong đó, giai đoạn 2010-2011, có 30 em thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, qua 2 năm cảm hóa, giáo dục, có 21 em tiến bộ; năm 2012, có 19 em thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, sau một năm có 12 em tiến bộ; năm 2013 có 16 thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, cuối năm, 100% em tiến bộ; năm 2014, có 8 em thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, hiện tại, Công an quận, Quận Đoàn và Hội CCB kết hợp cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ các em, đến nay, trong số đó đã có nhiều em chuyển biến tích cực.

Con số trên cho thấy, từ khi có Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy, tỷ lệ thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn giảm dần; tỷ lệ thiếu niên hư, vi phạm pháp luật sau khi giáo dục, cảm hóa tiến bộ  tăng lên đáng kể. Để có được kết quả trên, ông Đoàn Ngọc Độ, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy đã được sự chỉ đạo thường xuyên với quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, hội, đoàn thể từ quận đến cơ sở, được dư luận xã hội đồng tình; được quận triển khai nhanh chóng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác hỗ trợ thiếu niên hư, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Đoàn Ngọc Độ còn lo ngại rằng, kết quả tiến bộ đối với một số em chỉ mang tính tạm thời, chưa bền vững; khả năng tái phạm luôn tiềm ẩn và nguy cơ cao vì số đông trong những trường hợp này khó tiếp cận, khó theo dõi về thời gian và địa điểm sinh hoạt; việc chỉnh trang đô thị, giải tỏa đền bù trên diện rộng gây khó khăn cho việc theo dõi sự biến động, cập nhật chính xác số liệu quản lý. Đặc biệt, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em ở các khu dân cư hiện nay cũng gây nhiều trở ngại trong công tác quản lý địa bàn, quản lý dân cư và chăm sóc, giáo dục các em. Hoạt động các tổ chức Đoàn, Đội tại các trường học và các địa phương chưa đồng bộ, chưa tạo sân chơi bổ ích, lý thú để thu hút các em. Bên cạnh đó, đa số các em thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục của gia đình, chưa có nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ học tập nên thường đua đòi, lười học, lêu lổng... Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các em hư, vi phạm pháp luật.

Bài và ảnh: NGỌC KHANG HUY

;
.
.
.
.
.