.

Có một trái tim Pháp

.

Hơn chục năm nay, một người đàn ông Pháp luôn xuất hiện bình dị bên trẻ em da cam, học sinh nghèo vượt khó học giỏi... Hết năm này qua tháng nọ, ông vẫn đều đặn chạy xe máy ngược xuôi từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế đến Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, để mang những món quà nặng ân tình đến với những mảnh đời bất hạnh. Ông là Jean Cabane (65 tuổi), Trưởng đại diện Tổ chức Giọt nước (Pháp) tại Đà Nẵng.

Jean Cabane trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Jean Cabane trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi do Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Chạy xe máy đi làm từ thiện

Áo sơ-mi sờn vai, chiếc quần lửng bạc màu, nụ cười thật đôn hậu ẩn sau bộ râu rậm rạp là những ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp ông Jean Cabane tại lễ trao học bổng cho các em nghèo vượt khó học giỏi do tổ chức của ông tài trợ. Bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em, nhìn ông với ánh mắt biết ơn. Bà cho biết: “Ông ấy chạy xe từ Hội An ra Đà Nẵng. 13 năm nay, ông gắn bó với Hội và đều đặn mỗi năm ông đều trích 30-40 triệu đồng hỗ trợ các hoạt động nhân ái”.

Jean Cabane gắn bó với Đà Nẵng như một cơ duyên và ông nói vui rằng “trời cho mới có được”. Năm 2005, ông sang Việt Nam theo chương trình dạy tiếng Pháp cho sinh viên Đại học Đà Nẵng. Hết thời hạn làm việc, ông quyết định ở lại Đà Nẵng bởi đã trót phải lòng một phụ nữ đất Đà thành - bà Dương Thị Hoa (56 tuổi, nay là vợ ông). Vài năm trở lại đây, vợ chồng ông sống trong một ngôi nhà vườn nhỏ ở Cẩm Thanh, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), nhưng ông vẫn đi đi về về giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, hay đến các tỉnh, thành phố khác.

Ông kể nhiều về chuyến cứu trợ năm 2013, khi Hà Tĩnh bị bão Nari tàn phá khủng khiếp: “Điều làm tôi lo lắng nhất là nhiều người dân nơi đây còn phải sống trong cảnh không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh quá tồi tệ”. Sau chuyến đi này, ông vận động các tổ chức, bạn bè và đã xây dựng được nhiều công trình vệ sinh cho bà con vùng khó khăn.

Người bạn lớn của trẻ da cam

Jean Cabane cũng rất quen thuộc với trẻ em da cam Đà Nẵng. “Năm 20 tuổi, tôi tham gia phong trào biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Từ đó, cái tên Việt Nam luôn tạo cho tôi ấn tượng về một đất nước nhỏ bé mà kiên cường. Khi đến đây, chứng kiến hậu quả khủng khiếp là chất độc da cam do chiến tranh để lại, tôi luôn tự nhủ mình phải hành động”, ông nói.

Suốt những năm qua, bên cạnh Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em, Jean Cabane luôn đồng hành với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng trong vai trò Trưởng đại diện Tổ chức hữu nghị Việt - Pháp. Ông thường vui đùa với trẻ da cam. Có khi người ta ngạc nhiên thấy ông xuống tận từng nhà, tự tay đưa heo, bò giống tặng những hộ khó khăn. Tận tình là vậy nhưng Jean luôn nói với vợ con, bạn bè rằng cảm thấy rất áy náy vì không giúp được gì nhiều cho mọi người.

Không chỉ hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nhân đạo của các tổ chức hữu nghị, vợ chồng ông và những người bạn Pháp khác còn trích một phần lương hưu nhận đỡ đầu những em nhỏ có hoàn cảnh quá khó khăn cho đến khi các em hoàn thành việc học tập, có việc làm ổn định. Có lần, ông giúp cho một em nhỏ ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị hở hàm ếch lớn phải ra Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) chữa trị. Cả miền quê nghèo rộn ràng niềm vui. Và giờ đây, vợ chồng ông Jean Cabane vẫn lui tới nhà em nhỏ này như những thành viên trong gia đình.

Mê vẽ tranh giấy dó

Jean Cabane mê vẽ tranh và có hẳn một phòng tranh mang tên Ami Gallery tại phố cổ Hội An. Jean không chỉ trung thành theo đuổi trường phái trừu tượng mà còn vẽ tranh trên một chất liệu duy nhất là giấy dó - chất liệu đặc trưng của hội họa Việt Nam.

“Cũng như khi chúng ta yêu một ai đó vậy thôi. Làm sao có thể cắt nghĩa rõ ràng vì sao yêu và yêu người ta ở những điểm nào. Tình yêu của tôi với giấy dó Việt Nam cũng vậy”, Jean lý giải. Ngoài mục đích trưng bày những tác phẩm do mình vẽ, phòng tranh còn là nơi tụ họp thường xuyên của vợ chồng Jean và những người bạn. Tại những buổi gặp gỡ ấy, câu chuyện về những mảnh đời bất hạnh đâu đó trên dải đất hình chữ S này thường xuyên xuất hiện và rất nhiều lần Jean nhận được sự đồng thuận trợ giúp từ bạn bè.

Trên hành trình thiện nguyện, đi đến đâu, làm bất cứ việc gì, bao giờ người ta cũng thấy vợ chồng ông gắn bó với nhau. Khi Jean làm việc với các đơn vị thì vợ ông lặng lẽ đứng bên dưới chờ chồng. Khi trò chuyện, những ý nào ông khó diễn đạt bằng tiếng Việt thì bà Hoa lại giải thích giúp chồng. Với ông, bà Dương Thị Hoa là “cả một gia tài” vì chưa có người phụ nữ nào tận tình, hiểu ông và chăm lo cho ông đến vậy. Cuộc sống của chồng Pháp - vợ Việt nơi làng quê Cẩm Thanh cũng dân dã như bao gia đình khác với cà pháo, cá cơm kho, rau luộc hái từ vườn nhà và bông thiên lý xào.

Chạy xe máy nhiều, có lần Jean bị tai nạn trên đường ra Quảng Trị, phải nằm viện cả tháng nhưng chưa khi nào ông có ý định ngừng hoạt động thiện nguyện. Jean tỏ ra rất lúng túng khi tôi hỏi tại sao ông lại yêu thích công việc thiện nguyện vốn dĩ khá nhọc công này. Có lẽ trong suốt mấy chục năm đi đây đi đó, ông cũng chưa khi nào ngẫm lại mình làm điều này vì lẽ gì. Bằng giọng nói tiếng Việt chưa rõ lời, ông cho biết: “Cứ nhìn những mảnh đời còn lắm khó khăn thì tôi nghĩ mình phải làm gì đó để giúp đỡ những phận người không may ấy”.  

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.