.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Những lời căn dặn Người để lại trước lúc "đi xa"

Trước hết nói về Đảng

.

Hiến cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, đến lúc cuối đời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên để lại những lời căn dặn cuối cùng trong Di chúc để phòng khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

(1) Nội dung thể hiện trong bản Di chúc là một sự đúc kết, cô đọng tư tưởng của Người, là những điều tâm huyết nhất Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trước lúc đi xa.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng, Người tự hào Đảng đã “tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người khẳng định nguyên nhân quan trọng để Đảng ta có sức mạnh làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng như vậy là do Đảng “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Do đoàn kết đối với Đảng quan trọng như vậy nên cần phải được giữ gìn và tiếp tục phát huy: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

(2) Ý nghĩa lý luận những lời căn dặn của Bác về vấn đề Đảng trong Di chúc: chỉ có xuất phát từ mục đích chung “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” và trên nguyên tắc thực hiện “dân chủ rộng rãi”, “thường xuyên tự phê bình và phê bình”, “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” mới là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Theo quan điểm của Bác, dân chủ đến đâu thì đoàn kết đến đó. Có dân chủ trong Đảng mới phát huy hết trí tuệ của tất cả đảng viên để có đường lối chủ trương đúng đắn. Có dân chủ mới tạo nên sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Dân chủ trong Đảng không chỉ tạo nên sức mạnh của Đảng mà còn là cơ sở để thực hiện dân chủ ngoài xã hội.

Muốn có dân chủ rộng rãi và muốn có đoàn kết thực sự thì phải thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Với mỗi đảng viên, phải thực hiện nguyên tắc này, vì người đời không phải là thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm, còn với Đảng thì Đảng cũng ở trong xã hội mà ra nên không thể tránh khỏi sai lầm, vấn đề là phải thấy khuyết điểm và kiên quyết sửa khuyết điểm. Người từng nói: “Một Đảng giấu giếm khuyết điểm là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

(3) Nguyên tắc tự phê bình và phê bình đòi hỏi mọi người phải trung thực, khách quan, phải có văn hóa, phải chỉ ra cả ưu điểm và khuyết điểm, phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau, phê bình từ cấp trên xuống cấp dưới, phê bình việc chứ không phê bình người. Nếu không có tình đồng chí yêu thương nhau thì dù có tự phê bình và phê bình đến mấy cũng không có ý nghĩa gì, cũng không thể nào đoàn kết thực sự được. Đây còn là vấn đề văn hóa trong quan hệ đồng chí với nhau. Nếu không có được đức tính này thì không thể gọi là người cộng sản chân chính được. Như Bác đã nói một câu rất mộc mạc mà vô cùng sâu sắc: “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là sống với nhau cho có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được”.

(4) Đạo đức cách mạng luôn là vấn đề quan tâm thường xuyên của Bác đối với cán bộ, đảng viên. Trong Di chúc Người nhắc nhở: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. (5) Đọc kỹ đoạn văn trên ta thấy Bác 4 lần nhắc đến từ “thật/thật sự”, tức là Người yêu cầu phải thực hiện triệt để, đến nơi đến chốn, bởi đây là yêu cầu cốt lõi nhất thuộc về văn hóa cầm quyền, văn hóa Đảng.

Cùng với nhắc nhở công việc phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn toàn thắng lợi là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra, Người đồng thời nhấn mạnh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.(6) Xem kỹ bút tích trong đoạn viết bổ sung tháng 5-1968, ta thấy Bác gạch dưới các chữ “là chỉnh đốn lại Đảng”. Vì sao như vậy? Vì như Người đã khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Trở thành đảng cầm quyền đã là việc khó, nhưng để duy trì được quyền lãnh đạo chính trị của mình đối với đất nước lại càng khó hơn, bởi  trong điều kiện Đảng cầm quyền thường có 3 nguy cơ nổi lên cần phải phòng tránh.

Một là, nguy cơ sai lầm về đường lối nếu thiếu sự vững vàng về chính trị hoặc thiếu nhạy bén trước thực tiễn luôn biến đổi. Hai là, khi đã có quyền lực sẽ có nguy cơ chủ nghĩa cá nhân phát triển trong Đảng. Ba là, nguy cơ xa rời quần chúng, vì một khi Đảng sai lầm về đường lối, sa sút về phẩm chất đạo đức thì chủ trương chính sách của Đảng sẽ không còn phù hợp với lợi ích của nhân dân. Nhân dân sẽ không còn tín nhiệm đối với Đảng. Đây là nguy cơ của mọi nguy cơ, vì mất dân là mất tất cả. Đứng trước những nguy cơ đó, đòi hỏi Đảng phải tự chỉnh đốn để loại bỏ những khuyết điểm, yếu kém của mình, nhằm không ngừng làm cho mình trong sạch, vững mạnh, thực sự là một tổ chức chính trị tiên tiến, đại diện cho trí tuệ của cả dân tộc, đáp ứng được đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang”(7) sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ những lời căn dặn của Bác về Đảng, để đảm đương sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn hiện nay, Đảng cần tập trung đổi mới, chỉnh đốn trên cả 4 mặt. Về chính trị, phải có sự bứt phá trong tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn, nhất là hiện nay nhiều vấn đề mới đang đặt ra đối với đảng cộng sản cầm quyền. Về tư tưởng, phải làm cho mỗi đảng viên thực sự thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, biết vận dụng sáng tạo nền tảng tư tưởng đó vào thực tiễn công tác của mình; nắm chắc tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những việc mới phát sinh để kịp thời xử lý.

Về đạo đức - lối sống, phải  tăng cường giáo dục đảng viên về đạo đức cách mạng thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có tình đồng chí yêu thương nhau, “ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân” như Bác đã căn dặn;(8) đồng thời, phải có những biện pháp đặc biệt, kiên quyết ngăn chặn tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; tình trạng mất dân chủ, mất đoàn kết diễn ra ở không ít cơ quan nhà nước và vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.

Về tổ chức, phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho tinh gọn, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ để phát huy trí tuệ của tất cả đảng viên, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, không ngừng nâng cao sức mạnh và bản lĩnh chính trị của Đảng, để “Đảng ta tuy nhiều người nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”.(9) Đồng thời, khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo kịp yêu cầu của thời kỳ mới. Một lần nữa chúng ta lại nhớ đến lời dặn của Bác: “Đảng phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.(10)

PGS, TS. NGÔ VĂN MINH


(1) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb CTQG. H, 2008, tr23.

(2) Di chúc, tr23.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập. T5, tr 261.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập. t12, tr554.

(5) Di chúc, tr24.

(6) Di chúc, tr23.

(7) Di chúc, tr31.

(8) Di chúc. Tlđd, tr29.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập. T5, tr553.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập. T3, tr138-139.

;
.
.
.
.
.