.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng sớm hết "treo"?

.

ĐNĐT - Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng sẽ sớm đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để đề xuất và xin ý kiến về triển khai Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nhằm chấm dứt tình trạng “treo” kéo dài 17 năm của dự án này.

Đó là thống nhất giữa Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam tại buổi làm việc về thực hiện quy hoạch xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng, diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 9-8.

Nhà dân xập xệ, xuống cấp, chậm giải tỏa bên cạnh vị trí đã triển khai quy hoạch.
Nhà dân xập xệ, xuống cấp, chậm giải tỏa bên cạnh vị trí đã triển khai quy hoạch.

Đã “treo” 17 năm, lại điều chỉnh quy hoạch

Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung tại Quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg vào ngày 9-12-1997 với với quy mô đào tạo đến năm 2010 là 30.000 sinh viên hệ chính quy và diện tích sử dụng đất là 300ha; trong đó, Đà Nẵng có 110ha (thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) và Quảng Nam có 190ha (thuộc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn).

Trên phần diện tích đất 110ha ở thành phố Đà Nẵng, sau nhiều năm không triển khai xây dựng và được thống nhất chung, vào năm 2004, UBND thành phố đã quyết định cắt 10ha đất để xây dựng Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Hữu nghị Việt - Hàn. Đến năm 2009, cắt thêm 3,5ha đất giáp đường Trần Đại Nghĩa để mở rộng trường này. Hiện diện tích đất của Dự án Làng Đại học Đà Nẵng ở địa phận Đà Nẵng chỉ còn 96,5ha.

Đến thời điểm này, ngoài Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin Hữu nghị Việt - Hàn được thành phố Đà Nẵng đưa vào xây dựng tại Làng Đại học, Đại học Đà Nẵng mới chỉ xây dựng được Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin, Khoa Y - Dược và khu ký túc xá dành cho sinh viên (gồm: khu nhà học A2, A3, A4 và 2 khối nhà ký túc xá) trên tổng diện tích đất quy hoạch 25,4ha, trong đó, mới hoàn thành giải phóng mặt bằng 23,1ha.

Trên phần diện tích đất 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn năm 2003 - 2005, do chưa được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Đại học Đà Nẵng đã sử dụng kinh phí tự bổ sung để tiến hành xây dựng một khu tái định cư với diện tích là 1,02ha với kinh phí đầu tư 1,66 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 2 hộ dân được bố trí tái định cư tại chỗ, việc xây dựng khu tái định cư không thể thực hiện được. Cũng có hơn 100 hộ dân có nhà và đất trên đường bao đã được thực hiện xong việc kiểm định, áp giá đền bù nhưng không có kinh phí để chi trả.

Đến nay, đã qua hơn 17 năm, công tác thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng trên phần diện tích 190ha đất thuộc tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được triển khai. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đất đai, gây khó khăn cho kế hoạch xây dựng của địa phương, đời sống của gần 2.000 hộ dân đang cư trú trong khu vực dự án không ổn định, nảy sinh tình trạng xây dựng nhà trái phép và nhiều vấn đề liên quan khác.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Nam cho biết, với quỹ đất còn lại của Làng ĐH Đà Nẵng là 261,1ha thì cũng chỉ đủ để xây dựng Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế. Hơn nữa, việc di chuyển các cơ sở hiện có vào Làng Đại học không chỉ là vấn đề diện tích đất mà đòi hỏi phải có nguồn vốn đấu tư rất lớn, nên rất khó thực hiện.

Đại học Đà Nẵng kiến nghị cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với diện tích đất còn lại và thực tế hiện nay cũng như định hướng phát triển trong tương lai của Đại học Đà Nẵng. Theo đó, Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển và mở rộng (nếu điều kiện cho phép) các cơ sở hiện có để đáp ứng nhu cầu phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Điều chỉnh quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng để xây dựng Trường Đại học Việt - Anh, Trường Đại học Y Dược, Bệnh viện Đại học Y - Dược, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Viện Công nghệ cao, Trung tâm giáo dục quốc phòng, Khu Ký túc xá sinh viên và một số khu phụ trợ khác.

Tuy nhiên, để có thể triển khai thực hiện dự án Làng ĐH Đà Nẵng thì nhu cầu nguồn vốn đầu tư là rất lớn, khoảng 300 triệu USD. Do đó, cần có cơ chế để huy động nhiều nguồn vốn khác nhau. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, có thể kêu gọi nguồn vốn đầu tư của các tổ chức và các trường đại học nước ngoài, nguồn xã hội hóa…

Thực hiện quy hoạch Làng Đại học là cần thiết

Tại buổi làm việc, sau những phân tích thực trạng cùng những tồn tại của Dự án Làng Đại học Đà Nẵng thời gian qua, đại diện tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng thống nhất, việc thực hiện quy hoạch Dự án Làng Đại học Đà Nẵng là cần thiết, không chỉ cho riêng 2 địa phương mà còn cho cả khu vực miền Trung và cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam tại buổi làm việc (từ trái sang).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam tại buổi làm việc (từ trái sang).

Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Trước tình trạng quy hoạc “treo” kéo dài, chúng tôi đã cho nhân dân xây dựng nhà tạm để ở, nhưng các trận bão cuối năm 2013 đã làm sập, tốc mái, hư hại nhiều. Vấn đề trước mắt là nhân dân trong khu vực quy hoạch dự án phải được sửa chữa, xây dựng nhà ở kiên cố hơn để chống bão. Tiếp đó là phải trả lời ngay cho dân là có thực hiện quy hoạch nữa không và công bố điều chỉnh quy hoạch cho nhân dân được biết. Nếu vẫn tiếp tục thực hiện quy hoạch thì cấp kinh phí cho địa phương để giải tỏa, di dời dân nhằm bảo đảm an sinh xã hội và có mặt bằng sạch sau này. Hiện mật độ dân cư trong khu vực quy hoạch đông nhưng có quyết tâm là sẽ làm được”.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết thêm: “Về phía Đà Nẵng, trong phạm vi gần 100ha, dù công tác giải tỏa, đền bù thời điểm này sẽ khó hơn mấy chục năm về trước nhưng chúng tôi sẽ làm được. Trước mắt, cần tập trung vốn để giải tỏa hết, sau đó phân kỳ đầu tư dần dần các hạng mục công trình. Chứ nếu để chậm một vài năm nữa thì khó khăn và tiêu tốn kinh phí gấp nhiều lần”.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chia sẻ: “Trong thực hiện quy hoạch, Đại học Đà Nẵng đã có nỗ lực rất lớn, tuy nhiên, vẫn gặp ách tắc, trở ngại. Việc giải phóng mặt bằng chậm đã gây bức xúc trong dân và sức ép lên lãnh đạo địa phương rất lớn. Bộ sẽ sớm có báo cáo những mặt được, chưa được của dự án và có con số khái toán cụ thể để báo cáo, đề xuất Thủ tướng chính phủ thực hiện quy hoạch".

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam đã thống nhất sẽ sớm đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để đề xuất và xin ý kiến về triển khai Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nhằm chấm dứt tình trạng “treo” kéo dài đã 17 năm của dự án này.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.