Quỹ vì người nghèo không chỉ giúp những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống mà còn khẳng định tính nhân văn và làm phong phú, sâu sắc thêm truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam.
Ông Trần Văn Cửu bên bàn thờ Chúa và gia tiên trong căn nhà đại đoàn kết vừa được xây dựng. |
Bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, buộc phải “vát” nửa hộp sọ từ năm 20 tuổi, ông Trần Văn Cửu (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) và vợ luôn phải sống trong nỗi lo chạy ăn từng bữa để vừa nuôi 6 người con vừa bảo đảm tiền thuốc men chữa bệnh khi trái gió trở trời. Kinh tế eo hẹp khiến cả gia đình ông bằng lòng với việc sống trong căn nhà 30m2 ẩm thấp, mái tôn xi-măng mục dần theo mỗi mùa mưa nắng.
Cuộc sống của gia đình ông Cửu chỉ thay đổi từ tháng 3 năm 2014 khi lãnh đạo quận Sơn Trà tiến hành xây dựng lại ngôi nhà đại đoàn kết. Nhà được xây rộng hơn, cao, thoáng mát và vững vàng. Nhìn lên bàn thờ Chúa và gia tiên, ông rơm rớm nước mắt: “Vô cùng biết ơn lãnh đạo quận Sơn Trà, biết ơn tất cả những tấm lòng vàng đã đóng góp vào Quỹ vì người nghèo. Giờ đây, cả gia đình tôi mới có cảm giác bình yên trước mưa nắng, mới có một chỗ khang trang, tươm tất để đặt bàn thờ, không xấu hổ với ông bà”.
Ngôi nhà đại đoàn kết vừa được nhận từ Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà là niềm vui không chỉ riêng với bà Cao Thị Hồng mà của cả người dân trong kiệt 43 đường Lê Hữu Trác. Do con đường khi được xây mới cao hơn nền nhà của hầu hết các hộ dân trong khu vực đến 1,2m nên mỗi mùa mưa bão, nước mưa hòa với nước cống tràn vào nhà, không có đường thoát. Do không thể sống với nước ngập lụt quá lâu, tất cả các hộ dân trên tuyến đường này đã tiến hành xây lại nhà cho bằng với mặt đường. Không có điều kiện kinh tế, bà Cao Thị Hồng chấp nhận sống với việc nước ngập đến đầu gối cả tuần - thậm chí nửa tháng, mỗi khi trời mưa. Bởi, mặc dù mưa đã dứt nhưng nước không có đường thoát nên tiếp tục ứ đọng cho đến khi mặt trời hong khô. Nước bẩn, bùn lầy trơn trợt đã khiến bà Hồng bị trượt ngã nứt xương tay nên gánh bún bán dạo - nguồn sinh kế duy nhất của bà - từ đó cũng được xếp gọn vào góc nhà.
“Nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của Quỹ vì người nghèo, tôi chắc sống đến mãn đời cùng nước lụt. Xúc động vô cùng khi giờ đây, ở tuổi 74, tôi cũng được sở hữu ngôi nhà lát gạch hoa sáng bóng, mát rượi và sạch sẽ, việc phải bám chặt ngón chân, dò dẫm từng bước một giữa biển nước đục ngầu đã không còn nữa”, bà Cao Thị Hồng cho biết.
Theo ông Hồ Trung Nam, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà, để mang lại được những niềm vui đó cho người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu và tính nhân văn của Quỹ vì người nghèo bằng nhiều hình thức nhằm khuyến khích, động viên nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia. Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng nguồn quỹ được thực hiện khoa học, đúng nguyên tắc, đúng mục đích. Số liệu theo dõi thu, chi nguồn quỹ thường xuyên được cập nhật, mọi hoạt động sử dụng quỹ đều được thực hiện công khai hóa, tạo niềm tin vững chắc đối với lãnh đạo địa phương và nhân dân.
Mỗi địa phương đều có những khó khăn, thuận lợi riêng, do vậy Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà luôn tìm tòi, vận dụng những thế mạnh của mình để tìm ra phương thức hoạt động, cách vận động nhân dân hiệu quả nhất, nâng cao chất lượng cuộc vận động. “Cách vận động lâu dài, bền bỉ, kiên trì đã đưa lại “trái ngọt” là hầu hết các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận, với lòng nhân ái và tinh thần, trách nhiệm cao nhất với người nghèo đã có những chia sẻ, đóng góp thiết thực ủng hộ Quỹ vì người nghèo”, ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà nhận định.
Bài và ảnh: MAI CHI MAI